Phóng to |
Mạng tin tức Hải Nam Trung Quốc cho biết sau khi đến khu vực trên đoàn tàu này ngay lập tức đã chuẩn bị mọi phương tiện để đánh bắt cá suốt đêm. Tàu hậu cần Quỳnh Tam Á F8138 đã hạ thủy bốn chiếc tàu nhỏ hơn để chính thức đánh bắt cá trái phép ở hải vực trên, 31 tàu khác cũng thả neo cách đó khoảng 20 hải lý lập thành vòng rào đánh bắt, sau khi nhận được thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác từ tàu hậu cần.
Ông Trần Nhật Hải, thuyền trưởng tàu Quỳnh Tam Á F8138, cho biết ngoài 32 tàu lớn, chiếc tàu hậu cần này còn mang theo 11 tàu câu cá nhỏ, mỗi chiếc dài 13m, rộng 4m, có trọng lượng 5-7 tấn và có khả năng chở theo 4 ngư dân với số lương thực sử dụng trong hai ngày do tàu hậu cần cung cấp.
Như vậy, không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc còn dùng tàu có tải trọng lớn và trang bị thêm vô số tàu câu loại nhỏ để vơ vét nguồn hải sản ở khu vực này.
Ngày 6-5 trước đó, như Tân Hoa xã đưa tin, đoàn 32 tàu cá của Trung Quốc, trong đó có một tàu 4.000 tấn và một tàu 1.500 tấn, đã rời cảng Bạch Mã Tỉnh, tỉnh Hải Nam hướng thẳng ra biển Đông. Sau 8 ngày di chuyển trên biển đoàn tàu này đã đến hải vực Trường Sa để đánh bắt trái phép.
Theo dự kiến, 32 chiếc tàu này sẽ đánh bắt trong khoảng 40 ngày ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là lần thứ hai Trung Quốc xua tàu xuống Trường Sa kể từ vụ 30 tàu cá của tỉnh Hải Nam đã đến khu vực này đánh bắt trái phép hồi tháng 7-2012, sau gần 1 năm.
Trước hành động thái quá của Trung Quốc, ngày 9-5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc đưa 32 tàu cá đi đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ: "Chúng tôi rất quan tâm tới thông tin trên và sẽ theo dõi giám sát các diễn biến liên quan tới vấn đề này. Chúng tôi cho rằng mọi hoạt động của các bên liên quan tại biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan".
"Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa và mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam”, ông Lương Thanh Nghị nhấn mạnh.
Cùng ngày, báo Daily Inquirer dẫn tuyên bố của người phát ngôn hải quân Philippines Edgardo Arevalo cho biết đang theo dõi sát sao các diễn biến liên quan đến hoạt động của đội tàu cá Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận