10/05/2013 11:32 GMT+7

Ấn - Trung hòa hoãn?

CẢNH TOÀN
CẢNH TOÀN

TT - Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid đã bắt đầu chuyến công du Trung Quốc hai ngày từ 9 đến 10-5. Cuộc gặp của hai cường quốc châu Á này được xem là một nỗ lực nhằm hàn gắn quan hệ sau căng thẳng ở khu vực biên giới Ladakh vùng Himalaya kéo dài khoảng ba tuần qua.

q2Y7p4T1.jpgPhóng to
Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) bắt tay người đồng cấp Ấn Độ Salman Khurshid trước quốc kỳ hai nước trong chuyến viếng thăm chính thức Bắc Kinh kéo dài hai ngày của ông Khurshid - Ảnh: Reuters

Chuyến đi của Ngoại trưởng Khurshid diễn ra trước chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Thủ tướng Lý Khắc Cường vào ngày 20-5 đến Ấn Độ. Hãng tin PTI (Ấn Độ) cho biết ông Khurshid sẽ hội đàm với người đồng cấp Vương Nghị và có thể sẽ tiếp kiến Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Thảo luận vấn đề biên giới

Nguồn tin của AFP cho biết trong chương trình nghị sự của ngoại trưởng Ấn Độ với phía Trung Quốc sẽ không thể không đề cập đến vấn đề biên giới. Hai bên sẽ thảo luận về những thỏa thuận hợp tác để cải thiện việc thông tin liên lạc tại đường kiểm soát thực tế (LAC).

Mối quan hệ Ấn - Trung từ lâu vẫn tồn tại nhiều trắc trở, đặc biệt trong vấn đề phân định biên giới. Từ sau cuộc chiến tranh biên giới 1962 ở Himalaya, Ấn Độ và Trung Quốc đã không phân chia biên giới chính thức mà chỉ xây dựng một đường biên không chính thức gọi là LAC cùng các thỏa thuận duy trì hòa bình trong khu vực này.

Căng thẳng bùng lên từ giữa tháng 4, khi Ấn Độ cáo buộc binh sĩ Trung Quốc xây dựng doanh trại sâu trong vùng Daulat Beg Oldi do Ấn Độ kiểm soát. Thỉnh thoảng xảy ra một số xung đột ở vùng biên giới hai nước, nhưng việc thiết lập doanh trại là điều chưa từng có tiền lệ.

Có lúc căng thẳng đến mức Ấn Độ đe dọa sử dụng vũ lực để đẩy lùi nhóm binh sĩ Trung Quốc và hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Khurshid đến Trung Quốc, hoặc cảnh báo chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường đến Ấn Độ vào cuối tháng 5 sẽ không tránh khỏi gây ảnh hưởng xấu. Tuy nhiên, viễn cảnh này đã không xảy ra khi quân đội Ấn - Trung cùng đạt được thỏa thuận rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp hôm 6-5.

Hợp tác nhưng không nhượng bộ

Trong cuộc họp báo ngày 8-5, đề cập đến cuộc xung đột trên biên giới Ấn - Trung, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nêu rõ từ những “nỗ lực phối hợp”, hai bên đã “đạt được đồng thuận về sự việc này và giải quyết hợp lý” bằng thỏa thuận cùng rút quân. “Sự phát triển ổn định trong các quan hệ song phương đều phục vụ lợi ích chung của hai quốc gia và người dân đôi bên... Trung Quốc và Ấn Độ đều là những quốc gia đang phát triển quan trọng” - ông Hoa nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Ấn Độ Khurshid cũng tuyên bố cần sớm ngăn chặn nguy cơ có thể dẫn đến phá hủy mọi tiến bộ trong quan hệ hai nước những năm qua, còn Thủ tướng Manmohan Singh nhấn mạnh không nên làm căng thẳng leo thang thêm. Tuy nhiên, như báo Times of India cho biết, Ấn Độ sẽ gửi một thông điệp cứng rắn tới chính phủ mới của Trung Quốc, trong đó nêu rõ New Delhi sẽ không bao giờ ký kết những thỏa thuận biên giới chỉ có lợi cho Bắc Kinh trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Khurshid.

Reuters ngày 7-5 dẫn nguồn tin từ một quan chức quân sự phía Ấn Độ cho biết để có được thỏa thuận rút quân, Ấn Độ đã phải đồng ý tháo dỡ những boongke mà Ấn Độ đang xây dựng ở Chumar, vùng Ladakh theo yêu cầu của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, Hãng tin PTI ngày 9-5 dẫn lời Ngoại trưởng Khurshid khẳng định không có thỏa thuận nào như vậy với phía Trung Quốc.

Một trong những vấn đề, như Times of India cho biết, cũng có thể được đưa ra thảo luận trong chuyến đi của Ngoại trưởng Khurshid là việc Trung Quốc bán vũ khí cho Pakistan. Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm cho biết Pakistan là bạn hàng mua vũ khí nhiều nhất của Trung Quốc những năm gần đây. Đặt trong bối cảnh quan hệ Ấn Độ - Pakistan cũng không hoàn toàn êm ả vì tranh chấp biên giới thì việc Pakistan tăng cường vũ trang không thể khiến Ấn Độ an tâm.

Ấn Độ là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc

Ấn Độ đang trở thành đối tác thương mại lớn của Trung Quốc. Số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết thương mại Ấn - Trung đạt 69 tỉ USD trong năm 2012, nhưng phần lớn là từ Trung Quốc xuất khẩu sang Ấn Độ (tới 54 tỉ USD). Một quan chức ngoại giao ở New Delhi cho biết để giải quyết thâm hụt thương mại này, “Ấn Độ sẽ tìm cách xâm nhập vào ngành dược và công nghệ thông tin“ của Trung Quốc. Trong khi đó, như báo Times of India cho biết, Trung Quốc đang muốn tiếp cận ngành viễn thông và cung ứng thiết bị nông nghiệp cho Ấn Độ.

CẢNH TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên