27/04/2013 07:13 GMT+7

"Cái bẫy giết người" ở Bangladesh

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Các xưởng may tại Bangladesh được mô tả là “những cái bẫy giết người” mà bằng chứng là vụ sập tòa nhà tám tầng ở ngoại ô Dhaka. Nhiều tổ chức quốc tế từng tố cáo chính sự tham lam của các công ty phương Tây cùng nạn tham nhũng đã “nuôi dưỡng” bi kịch này.

Sập nhà ở Bangladesh: thảm họa đã được báo trướcSố người chết vụ sập nhà ở Bangladesh lên 160Vụ sập nhà 8 tầng: số người chết có thể đến hàng ngàn

fQEodizD.jpgPhóng to
Hôm 25-4, hàng trăm người dân Bangladesh đã đổ ra đường phố để phản đối điều kiện lao động tồi tệ tại các xưởng may. Họ trưng biểu ngữ: “GAP (tập đoàn thời trang phương Tây): Hãy nói không với những cái bẫy giết người” - Ảnh: AFP

Theo Reuters, số người chết trong vụ sập tòa nhà Rana Plaza ở khu Savar, thuộc ngoại ô thủ đô Dhaka đến ngày 26-4 đã lên tới 300 người. Khoảng 1.000 người bị thương. Vẫn còn tới hơn 1.000 người mất tích. Khi thảm họa xảy ra, có tổng cộng 3.122 người, chủ yếu là các nữ công nhân của năm xưởng may đang làm việc trong tòa nhà Rana Plaza.

Điều thần kỳ là các đội cứu hộ đã có thể đưa được 41 người ra khỏi đống đổ nát 40 giờ sau thảm họa. Tuy nhiên, như chính quyền Dhaka thừa nhận, cơ hội tìm thấy thêm người còn sống là khá mong manh.

Lao động khổ sai

Giới nữ công nhân Bangladesh không có sự lựa chọn nào khác. Các xưởng may không ký hợp đồng lao động với công nhân, do đó lúc nào họ cũng có thể bị sa thải mà không được bất cứ một khoản đền bù nào. Cơ hội kiếm việc làm mới quá ít khiến họ phải chôn vùi cuộc đời trong các xưởng may ngục tù này.

Ở Bangladesh, tai nạn tại các xưởng may thường xuyên xảy ra. Hồi tháng 11-2012, một vụ hỏa hoạn ở xưởng may Tarzeen Fashion tại khu Ashulia, ngoại ô Dhaka đã giết chết 117 người và làm 200 người bị thương. Viện Lao động toàn cầu và nhân quyền ước tính trong năm năm qua, đã có 700 công nhân xưởng may ở Bangladesh thiệt mạng vì hỏa hoạn. Tính từ năm 1990, ít nhất 1.000 công nhân thiệt mạng và 3.000 người bị thương trong 275 vụ tai nạn ở các xưởng may.

Theo số liệu chính thức, ở Bangladesh hiện có khoảng 4.500 xưởng may với 4 triệu công nhân, chủ yếu là nữ. Là nhà xuất khẩu hàng may mặc thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, ngành may mặc Bangladesh đóng góp tới 80% trong 24 tỉ USD doanh thu xuất khẩu hằng năm của nước này. Nhưng đằng sau những con số hào nhoáng đó là một bức tranh đầy tối tăm, u ám.

Theo báo cáo Deadly secrets (Những bí mật chết người) do Diễn đàn Quyền lao động quốc tế công bố cuối năm 2012, các xưởng may thật sự là địa ngục đối với các nữ công nhân Bangladesh. Họ phải làm việc 10-15 giờ/ngày trong những điều kiện vô cùng tồi tệ và nhận mức lương chết đói 37 USD/tháng. Không gian làm việc chật chội khiến các công nhân phải ngồi chen chúc nhau. Mỗi xưởng chỉ có vỏn vẹn vài nhà vệ sinh, trong khi số công nhân lên đến hàng ngàn người. Chủ xưởng may thường xuyên tăng giờ làm và phạt trừ lương đối với những lỗi nhỏ nhặt nhất. Những hành vi chửi bới, đánh đập thường xuyên xảy ra. Thậm chí không ít nữ công nhân còn bị quản đốc hoặc chủ xưởng xâm hại tình dục ở cả bên trong và bên ngoài xưởng.

Hỏa hoạn thường xuyên xảy ra là do thiết bị báo cháy và dập lửa ở các xưởng may chỉ là đồ trưng bày cho có chứ không bao giờ hoạt động. Xưởng nào cũng chỉ có một hoặc hai cửa thoát hiểm và những cánh cửa này thường bị khóa chặt. Liên minh các tổ chức phi chính phủ Clean Clothes Campaign mô tả các xưởng may ở Bangladesh là “những cái bẫy giết người”. Gareth Price Jones, giám đốc Tổ chức Oxfam tại Bangladesh, mô tả công nghiệp may mặc ở Bangladesh là “ngành nguy hiểm, lương thấp và bóc lột nhất”.

Lòng tham + tham nhũng!

Các xưởng may ở Bangladesh gia công sản phẩm cho rất nhiều tập đoàn bán lẻ và thương hiệu thời trang nổi tiếng trên thế giới như Walmart, H&M, Sears, Gap, Tommy Hilfinger... Từ lâu, rất nhiều tổ chức phi chính phủ đã lên tiếng cáo buộc các tập đoàn thời trang phương Tây là phải chịu trách nhiệm về thảm trạng lao động đang diễn ra ở Bangladesh. “Các hãng thời trang phương Tây luôn tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất, do đó đã gây sức ép buộc các nhà cung cấp Bangladesh phải giảm giá thành sản xuất. Khi phải giảm chi phí, bạn không thể tuân thủ mọi quy tắc an toàn, thiết lập đầy đủ các hệ thống y tế, an toàn, chống cháy...” - John Hilary thuộc tổ chức phi chính phủ Anh “War on Want” nêu rõ. Liên đoàn Công nhân may mặc quốc gia Bangladesh mới đây đã tố cáo: “Sự thờ ơ này phải chấm dứt. Các công nhân may mặc Bangladesh có thể đã thoát chết nếu các tập đoàn nước ngoài, Chính phủ Bangladesh và các chủ xưởng may muốn bảo vệ công nhân”.

Tuy nhiên, liệu có phải các công ty thời trang phương Tây chỉ “thờ ơ” và không biết gì về tình trạng tồi tệ này? Theo báo cáo Deadly secrets, các tập đoàn thời trang phương Tây biết rất rõ bởi thỉnh thoảng họ vẫn tổ chức điều tra và giám sát hoạt động của các xưởng may này. Thế nhưng, họ ém nhẹm những thông tin bất lợi. “Các công ty phương Tây biết rõ tình trạng này từ nhiều năm trước. Việc họ không có hành động gì quả là đáng bị coi là tội hình sự” - điều phối viên Ineke Zeldenrust của Tổ chức Clean Clothes Campaign khẳng định.

Ông Babul Akhter, chủ tịch Liên đoàn May mặc và công nhân công nghiệp Bangladesh tố cáo: “Các nhà bán lẻ phương Tây cũng là đồng phạm bởi họ để mặc cho các xưởng may tha hồ bóc lột sức lao động của công nhân. Họ chỉ coi người lao động giá rẻ Bangladesh là cỗ máy kiếm tiền”. Đáng lên án nhất chính là các quan chức tham nhũng đã bảo kê cho các doanh nghiệp may mặc này.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên