![]() |
Dù trời mưa, cánh nhà báo vẫn đeo bám ở khu phi quân sự tại Paju. Họ tranh thủ phỏng vấn những người Hàn Quốc chở hàng hóa sản xuất từ Khu công nghiệp Kaesong trên đất Triều Tiên về phía nam hôm 6-4 - Ảnh: Reuters |
Hôm qua, Hãng tin Yonhap dẫn lời một quan chức Hàn Quốc: “Chúng tôi không tin có phái đoàn nước ngoài nào chuẩn bị rời Bình Nhưỡng. Các chính phủ nước ngoài đều nhìn nhận thông điệp của CHDCND Triều Tiên là cách để đẩy căng thẳng thêm ở bán đảo Triều Tiên”.
Giới quan sát nhận định thông điệp của Bình Nhưỡng gửi các sứ quán chủ yếu nhằm tuyên truyền hơn là để chuẩn bị chiến tranh thật sự. Quan chức Hàn Quốc nói với Yonhap: “Bình Nhưỡng nói theo hướng là kẻ thù, chứ không phải Bình Nhưỡng, sẽ tấn công. Đây có vẻ là cuộc chiến tuyên truyền để đổ trách nhiệm bất ổn cho phía Mỹ”.
Sứ quán các nước tới giờ vẫn khẳng định chưa có kế hoạch rút nhân viên khỏi Bình Nhưỡng. Tại Seoul, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi thông điệp cho công dân Mỹ ở Hàn Quốc rằng không có thông tin nào nói có nguy cơ đe dọa từ Bình Nhưỡng. Đại diện Liên Hiệp Quốc cũng cho biết không có kế hoạch rút người.
Các du khách đến thăm Triều Tiên dường như cũng chẳng hề biết đến bóng ma chiến tranh gì cả. Hãng tin AFP gặp gỡ các du khách và họ khẳng định tình hình ở Bình Nhưỡng ngày hôm qua vẫn bình thường. Tina Krabbe, nữ du khách từ Đan Mạch, vừa có năm ngày ở CHDCND Triều Tiên. Cô kể: “Chúng tôi không thấy sợ hãi khi ở đó. Mọi người không hề thấy căng thẳng gì. Mọi thứ khá ổn”. Còn ông Nicholas Bonner - người sáng lập Koryo Tours, đơn vị tổ chức các chuyến du lịch tới Bình Nhưỡng suốt hơn 20 năm nay - khẳng định mọi thứ “vẫn hoạt động bình thường”. Ông đoan chắc: “Chúng tôi sẽ không đưa khách tới nếu có bất cứ nguy cơ gì”.
Giới phân tích ở Nga và Hàn Quốc cho rằng thông báo của Bình Nhưỡng chỉ là tiếp tục của cuộc chiến tâm lý nhằm đe dọa Mỹ và đồng minh. Báo New York Times trích lời giáo sư Kim Yong Hyun ở Đại học Dongguk (Seoul) nhận định: “Đây là chiến dịch chiến tranh tâm lý có tính toán nhằm đẩy cuộc khủng hoảng và thu hút sự chú ý của quốc tế”.
Còn ông Aleksandr Zhebin thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga phân tích trên Interfax: “Nếu Bình Nhưỡng thật sự muốn chiến tranh, họ sẽ không yêu cầu các phái đoàn nước ngoài rời đi”, vì sự có mặt của các nhà ngoại giao, đặc biệt từ Nga và Trung Quốc, có thể giúp che chắn cho Bình Nhưỡng trong trường hợp chiến tranh nổ ra.
Ông Zhebin chỉ ra rằng Bình Nhưỡng không có động thái gì chuẩn bị chiến tranh như huy động lực lượng quân dự bị và thực tế cho đến nay Bình Nhưỡng chưa hề có tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia nào đủ sức tấn công các mục tiêu ở Mỹ.
Các chuyên gia đều nói Bình Nhưỡng chưa đủ khả năng đưa đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm trung. Dù vậy, cộng đồng quốc tế cũng lo ngại tình trạng liên tục leo thang mà không có dấu hiệu xuống thang nào có thể dẫn đến tình trạng mất kiểm soát.
Nhân viên Đại sứ quán Việt Nam vẫn đi đá bóng Hôm qua, một phu nhân cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Bình Nhưỡng kể với Tuổi Trẻ rằng ở Bình Nhưỡng trời mưa nhưng “người dân ở đây vẫn sinh hoạt bình thường. Tại thủ đô vẫn thấy có lính như trước nhưng không thấy tăng thêm. Không có xe tăng hay khí tài gì khác xuất hiện thêm trong phố”. Bà cho biết Đại sứ quán Việt Nam tại Bình Nhưỡng có khoảng 20 người, gồm cả cán bộ và người thân các cán bộ ngoại giao và “hiện chưa có thông báo gì về chuyện sơ tán” tại đây. “Tâm lý chung lo ngại thì mình cũng bị ảnh hưởng - bà nói - Tuy vậy anh em hôm nay vẫn đi đá bóng hết”. Một cán bộ ngoại giao (đề nghị không nêu tên) của Việt Nam tại Bình Nhưỡng cũng khẳng định Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên có gửi công hàm đến các sứ quán nhưng nội dung tương đối khác so với các hãng tin phương Tây đưa. “Bộ Ngoại giao bên họ có thông báo là tình hình đang rất căng thẳng. Họ nói sẵn sàng đảm bảo an toàn cho các sứ quán theo công ước quốc tế. Tuy vậy nếu sứ quán nào có yêu cầu sơ tán thì có thể gửi văn bản đề xuất hoặc thông báo kế hoạch sơ tán cho phía Bình Nhưỡng” - vị cán bộ ngoại giao này giải thích. Một nguồn tin khác từ Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng xác nhận nội dung thông báo này. Vị cán bộ ngoại giao của Việt Nam ở Bình Nhưỡng nói thêm: “Người ta chưa hề có yêu cầu sơ tán. Phía họ có nói “chúng tôi không muốn chiến tranh nhưng cũng không ngại nếu chiến tranh xảy ra”. Khi chúng tôi hỏi lời khuyên thì họ nói “quyết định là hoàn toàn ở phía các bạn”. Họ không khuyên đi và cũng không khuyên ở. Chỉ là ai có nhu cầu giúp đỡ thì họ sẽ sẵn sàng giúp”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận