19/03/2013 19:53 GMT+7

Những tên tình báo "lừa cả thế giới"

THANH TUẤN
THANH TUẤN

TTO - Tình báo Anh và Mỹ đã dùng thông tin bịa đặt của một số gián điệp Iraq để làm cơ sở cho cuộc chiến tại Iraq bắt đầu cách đây đúng mười năm.

clEJPwsj.jpgPhóng to

Một phụ nữ Mỹ khóc thương trước mộ chồng - một binh sĩ thiệt mạng tại Iraq - ở nghĩa trang quốc gia Arlington (Mỹ) - Ảnh: Reuters

Bộ phim tài liệu mới chiếu trên BBC hôm 18-3 chỉ ra những sai lầm chết người của phương Tây.

Tháng 9-2002, Chính phủ Anh cho công bố tài liệu về chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) của Saddam Hussein. Điều đáng nói trong báo cáo đó, thủ tướng Anh Tony Blair viết việc Hussein tiếp tục sản xuất WMD là “chắc chắn.” Thực tế điều tra của BBC cho thấy hầu hết thông tin mà chính phủ Anh và Mỹ sử dụng đều là thông tin “bịa đặt” và “dối trá.”

“Lừa cả thế giới”

Theo CNN, mười năm sau cuộc chiến, ít nhất 134.000 người Iraq đã thiệt mạng và hơn 4.800 lính Mỹ chết, cộng với chi phí hàng trăm tỉ USD. Có những thời điểm, trung bình mỗi tháng ở Baghdad số thi thể không xác định được nhân thân lên tới 3.000.

Tên gián điệp, theo lời BBC, “đã lừa cả thế giới” là tên phản bội người Iraq, Rafid Ahmed Alwan al-Janabi. Janabi trốn khỏi Iraq và xin tị nạn ở Đức từ năm 1999. Y khai mình là kỹ sư hóa học - điều khiến tình báo Đức chú ý tới. Y nói y đã trông thấy các phòng thí nghiệm di động đặt trên xe tải để tránh bị phát hiện.

Ngay từ năm 2001, các quan chức tình báo Đức khi tiếp xúc tên này đã nhận ra câu chuyện của y có nhiều tình tiết bịa đặt. Cơ quan tình báo MI6 của Anh cũng đánh giá y là “tên bịa đặt” trong khi tình báo Mỹ gọi y với biệt danh Curveball (bóng xoáy - đồng thời có ý là kẻ không nói thẳng, nói thật). Vì lý do nào đó cả CIA và MI6 vẫn dùng thông tin và coi đó là đáng tin cậy.

Ủy ban tình báo hỗn hợp của phương Tây thực tế trong báo cáo của mình đánh giá các thông tin là “rời rạc, chắp vá” và “hạn chế”. Nhưng những đánh giá này không bao giờ được đưa vào hồ sơ mà Chính phủ Anh công bố. Theo bộ phim thì bản báo cáo chỉ sử dụng những thông tin mà George W. Bush và Tony Blair muốn nghe.

Thông tin từ Janabi chính là cơ sở để phương Tây tấn công Iraq. Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell khi ra LHQ trước khi Mỹ tấn công Iraq đã khẳng định thông tin của Janabi như thể là sự thật. Khi được BBC phỏng vấn, Rafid al-Janabi thừa nhận là y đã bịa đặt câu chuyện.

Tướng Mike Jackson, người đứng đầu quân đội Anh khi đó, sau này đánh giá “những gì tưởng là vàng của lực lượng tình báo hóa ra là lừa dối”.

Điều đáng nói là tên này có sự hợp tác của một tên tình báo khác nữa. Tên này là một cựu sĩ quan tình báo khác của Iraq có tên Maj Muhammad Harith, kẻ bịa ra rằng mình là người nghĩ ra ý tưởng phát triển các phòng thí nghiệm sinh học di động và nói y đã ra lệnh cho để phòng thí nghiệm này trên bảy chiếc xe tải Renault. Tên này trốn tới Jordan và bịa câu chuyện với người Mỹ.

Theo BBC, Muhammad Harith cố tình bịa câu chuyện vì muốn được phương Tây cung cấp chỗ ở mới cho mình. Mười tháng trước khi cuộc chiến xảy ra, phương Tây xác nhận thông tin của tên này là bịa đặt.

Phớt lờ nguồn tin cao cấp

Thực tế tình báo Anh và Mỹ có thông tin từ hai nguồn nội bộ chính quyền Hussein và cả hai nguồn đều chính xác. Cả hai nguồn này đều khẳng định Iraq không còn vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Nguồn tin của CIA khi đó chính là ngoại trưởng Iraq Naji Sabri. Trưởng cơ quan tình báo CIA ở Paris khi đó là Bill Murray đã chi 200.000 USD cho một nhà báo Ả Rập làm trung gian để tiếp cận ngoại trưởng Sabri.

Nhà báo Ả Rập này gặp Sabri ở New York tháng 9-2002, sáu tháng trước cuộc chiến, khi ông này đến phát biểu ở LHQ. Y mua cho ngoại trưởng Iraq một bộ complê và ông ngoại trưởng đã mặc bộ này khi có mặt tại LHQ - tín hiệu cho Murray là Naji Sabri đồng ý hợp tác.

Murray có được thông tin là Saddam Hussein “có ít vũ khí hóa học từ thời đầu 1990 và có cất giữ và đưa cho một vài bộ tộc thân cận với ông… nhưng đến thời điểm đó (tháng 9-2002) ông ta hoàn toàn không còn gì”.

“Họ không hài lòng - Murray nói với BBC - Họ hoàn toàn không tin thông tin đó”.

Theo Murray, lực lượng tình báo cố tình dựng báo cáo theo hướng Iraq có vũ khí - cơ sở để ngoại trưởng Mỹ Collin Powell sau này ra LHQ tuyên bố Mỹ có cơ sở tình báo rằng Iraq có WMD - lý do cho cuộc chiến.

Nguồn tin cao cấp thứ hai của CIA chính là người đứng đầu cơ quan tình báo của Iraq khi đó, Tahir Jalil Habbush Al-Tikriti, một trong những thành viên quan trọng nhất của chính quyền Iraq khi đó.

Quan chức cao cấp của MI6 gặp với y ở Jordan vào tháng 1-2003, chỉ hai tháng trước khi chiến tranh. Habbush khi đó nói thẳng Hussein không còn vũ khí WMD và đánh tiếng đàm phán để chấm dứt cuộc chiến sắp xảy ra.

Bill Murray thừa nhận ông không hài lòng khi thông tin từ cả hai quan chức cao cấp của Iraq đã không được đánh giá tốt hơn.

“Chúng ta đã có những thông tin tình báo tốt nhất có thể trong giai đoạn trước chiến tranh - tất cả sau này đều đúng” - ông Murray nói. BBC gọi đây là “một trong những thất bại tình báo tệ hại nhất” trong lịch sử.

“Thông tin dù vậy bị loại bỏ và không được sử dụng” - ông nói.

THANH TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Mỹ Iraq phương Tây