12/03/2013 02:53 GMT+7

Vết thương vẫn còn chưa lành...

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Nước Nhật như bất động vào ngày 11-3 lúc 14g46 (giờ Nhật) trong tưởng niệm thảm họa động đất - sóng thần ngày 11-3-2011 làm 15.881 người thiệt mạng và 2.668 người mất tích. Hai năm đã qua, nhưng khó khăn vẫn còn bộn bề...

Nhiều nước biểu tình chống hạt nhân

4nUisdnJ.jpgPhóng to
Người dân thị trấn Inamisanriku ở tỉnh Miyagi mặc niệm các nạn nhân động đất - sóng thần ngày 11-3 - Ảnh: Reuters

Theo Kyodo News, lễ tưởng niệm được tổ chức ở tất cả thị trấn và thành phố thuộc vùng Tohoku bị động đất và sóng thần tàn phá, cũng như ở thủ đô Tokyo. Ở những thành phố bị sóng thần tấn công như Ishinomaki, tiếng chuông báo động sóng thần cũng vang lên.

Ở Tokyo, Nhật hoàng Akihito dự lễ cầu nguyện cho các nạn nhân tại Nhà hát quốc gia. Nhật hoàng tuyên bố: “Tôi cầu cho cuộc sống bình yên sớm quay trở lại với mọi người. Tôi vô cùng xúc động khi chứng kiến rất nhiều người đã sống mà không than vãn, vẫn tràn đầy hi vọng và chia sẻ những khó khăn của họ với mọi người”.

Nhưng ở vùng Tohoku bị động đất và sóng thần tàn phá, cuộc sống của người dân còn rất khó khăn.

Đến nay, vẫn còn 315.196 người phải sống trong những ngôi nhà tạm do chính phủ và các công ty tư nhân xây dựng. Trả lời Tuổi Trẻ qua thư điện tử, cô Chieko Iitenka, tình nguyện viên của tổ chức phi chính phủ NPO Center ở thành phố Iwaki (tỉnh Fukushima), cho biết ở Iwaki vẫn còn hàng ngàn người phải sống tạm trú.

Theo báo Asahi, chính phủ cho phép các nạn nhân động đất - sóng thần được sống thêm trong nhà tạm ít nhất một năm nữa. Bởi đến cuối năm 2014 chỉ có thể hoàn thành khoảng 55% số nhà mới xây dựng ở các tỉnh Iwate, Miyagi và Fukushima. Một số quan chức chính phủ cho biết vấn đề lớn nhất là mua đất để xây nhà cho dân. Các khu nhà tạm đã chiếm phần lớn diện tích đất công trong khi việc thương lượng để mua lại đất tư nhân lại đang gặp nhiều khó khăn do vấn đề giá cả.

Thủ tướng Shinzo Abe ngày 11-3 cam kết thúc đẩy việc tái thiết ở các vùng bị động đất - sóng thần tàn phá và sớm phục hồi cuộc sống của các nạn nhân. “Tôi sẽ biến Nhật thành một quốc gia có khả năng kháng cự lại thảm họa và đồng hành cùng những người dân bị ảnh hưởng” - ông Abe nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là mối lo phóng xạ từ Nhà máy Fukushima Daiichi. Nhiều thị trấn quanh nhà máy vẫn đang bị bỏ hoang. Bộ trưởng tái thiết Takumi Nemoto cho biết khó khăn nhất là việc tẩy độc có thể tàn phá đất nông nghiệp, do đó chính phủ đang tìm cách vừa tẩy độc, vừa đảm bảo chất lượng đất nông nghiệp.

Dù chính quyền tuyên bố Nhà máy Fukushima Daiichi đã ổn định, không phát ra phóng xạ, nhưng tâm lý lo sợ vẫn rất lớn. Từ Iwaki, tình nguyện viên Kyoko Ueno thuộc Tổ chức NPO Center cho Tuổi Trẻ biết phóng xạ đã trở thành nỗi ám ảnh tinh thần đối với người dân Fukushima. Họ muốn quay lại nhưng cũng sợ phóng xạ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình và con cái.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên