08/03/2013 08:07 GMT+7

Việt Nam khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

H.GIANG - ĐÔNG PHƯƠNG - SƠN HÀ
H.GIANG - ĐÔNG PHƯƠNG - SƠN HÀ

TT - “Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động tại các khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và chúng tôi kiên quyết phản đối”.

b9xH5FkD.jpgPhóng to
Từ ngày 4-3-2013, tàu hải tuần 31 của Trung Quốc cùng trực thăng đã đến và tuần tra ở bãi Tư Nghĩa do Trung Quốc chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Chinanews.com

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 7-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ như vậy khi trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua một số tàu hải tuần của Trung Quốc thực hiện tuần tra tại biển Đông, trong đó có khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

“Mộng Tam Sa”!

Tân Hoa xã đưa tin tại cuộc họp Quốc hội Trung Quốc ngày 7-3, thị trưởng “thành phố Tam Sa” Tiêu Kiệt tuyên bố sẽ không trì hoãn việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây “dù chỉ là một ngày” và nhấn mạnh chính quyền nơi này sẽ tích cực để thực hiện cái gọi là “giấc mộng Tam Sa”.

Thị trưởng Tiêu Kiệt đã không che giấu tham vọng bành trướng khắp biển Đông khi phát biểu “bất kể là nhằm thể hiện chủ quyền hay cải thiện các vấn đề dân sinh, mục đích cuối cùng đều nhằm hoàn thành giấc mộng Tam Sa”. Theo ông Tiêu, “mộng Tam Sa” chính là “mục tiêu xây dựng sự nghiệp Tam Sa, thật sự thiết lập chủ quyền tại Tam Sa, xây dựng một Tam Sa tươi đẹp và hạnh phúc”.

Ông Tiêu còn cho biết các địa điểm du lịch tại “thành phố Tam Sa” về cơ bản đã hoàn tất. “Chúng ta có thể nói với mọi người rằng không còn lâu nữa đâu!” - ông Tiêu hùng hồn tuyên bố.

Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì khẳng định việc thành lập “thành phố Tam Sa” là “bước đi quan trọng của trung ương sau khi xem xét các tình huống trong và ngoài nước”. Trước đó ngày 5-3, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng kêu gọi chính phủ nước này “tăng cường quản lý biển toàn diện”, đồng thời “bảo đảm quyền và lợi ích biển của Trung Quốc”.

Tháng 7-2012, Trung Quốc đã thành lập phi pháp cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao trùm lên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam.

Mỹ lo ngại

Washington cũng đang lưu tâm những động thái mới của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông. Ngày 6-3, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney đã tái khẳng định vị thế cường quốc Thái Bình Dương của Mỹ. Trong cuộc họp báo thường kỳ, khi được hỏi về việc ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng hơn 10%, ông Jay Carney không bình luận trực tiếp mà nhắc lại rằng Mỹ “là một cường quốc Thái Bình Dương và có lợi ích đáng kể trong khu vực”.

Chỉ vài giờ sau, đô đốc Samuel J.Locklear, tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, cũng bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự và liên tiếp có những hành động quyết đoán tại biển Đông và biển Hoa Đông. Trước đó, tại một cuộc điều trần ở Quốc hội Mỹ, đô đốc Locklear đã cảnh báo “nỗ lực của Trung Quốc tập trung chế tạo, thử nghiệm và đưa vào hoạt động các loại máy bay, chiến hạm, vũ khí và hệ thống hỗ trợ mới đang làm gia tăng tâm lý quan ngại trong vùng”. Ông nêu ra hàng loạt hành động của Bắc Kinh trong những năm gần đây tại các vùng biển bao quanh Trung Quốc, như việc tăng cường hoạt động của các tàu hải quân và các cơ quan thi hành luật biển, và nhấn mạnh tất cả những việc làm này là nhằm tìm cách áp đặt các đòi hỏi chủ quyền biển đảo của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Báo Washington Times mới đây dẫn lời đô đốc hải quân Samuel Locklear thừa nhận cắt giảm ngân sách sẽ đe dọa chiến lược tái cân bằng châu Á của Mỹ bởi nó đe dọa năng lực hoạt động của hải quân Mỹ.

Trong khi đó, việc cắt giảm ngân sách của Mỹ, như cảnh báo của các tổ chức nghiên cứu và báo chí Mỹ, sẽ đe dọa uy thế quân sự của Washington tại châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong thời điểm Trung Quốc đang phát triển tên lửa chống tàu sân bay.

Như thêm một lời cảnh báo nữa, trang web của Quỹ Jamestown (ở Washington) mới đây đăng bài phân tích của giáo sư Andrew Erickson thuộc Trường cao đẳng Hải quân Mỹ nêu rõ trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ đang vật lộn với cắt giảm ngân sách thì quân đội Trung Quốc đã phát triển thành công tên lửa chống tàu sân bay Đông Phong 21D. Loại tên lửa này có khả năng nhắm bắn chính xác tàu sân bay của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Giới quan sát Mỹ nhận định đó sẽ là mối đe dọa với mô hình chiến tranh không - biển của Mỹ ở châu Á. Theo mô hình này, hải quân và không quân Mỹ hợp tác chặt chẽ với các nước đồng minh ở Thái Bình Dương để chống lại vũ khí “chống tiếp cận” của Trung Quốc như tên lửa chống tàu, vũ khí chống vệ tinh... Việc Bắc Kinh phát triển thành công tên lửa Đông Phong sẽ giúp nước này áp dụng chiến lược “dùng đất liền để kiểm soát biển”.

Bác bỏ ý kiến do đô đốc hải quân Mỹ Gary Roughead đưa ra năm 2011 khẳng định Mỹ có đủ vũ khí để chống lại tên lửa Đông Phong của Trung Quốc, giáo sư Erickson cho rằng Washington cần lập tức đưa ra các biện pháp phản ứng để chứng minh với khu vực rằng tàu sân bay Mỹ hoàn toàn có thể hoạt động an toàn.

Quỹ Heritage cũng cảnh báo Mỹ cần hành động để ngăn chặn nguy cơ bị đánh mất vị thế lãnh đạo an ninh ở châu Á vào tay Trung Quốc.

H.GIANG - ĐÔNG PHƯƠNG - SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên