14/02/2013 18:41 GMT+7

Hàng xóm truy tìm phóng xạ từ Triều Tiên

ĐỨC TOÀN
ĐỨC TOÀN

TTO - Vụ thử nghiệm hạt nhân của CHDCND Triều Tiên khiến các nước lân cận vào cuộc thu thập phóng xạ trong không khí để phân tích và tìm hiểu bản chất cuộc thử nghiệm.

yexSEpdJ.jpgPhóng to

Tàu khu trục Hàn Quốc phóng tên lửa hành trình trong một cuộc tập trận. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 14-2 đã cảnh báo tên lửa nước này có thể bắn tới mọi mục tiêu ở CHDCND Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Các chuyên gia quan tâm CHDCND Triều Tiên sử dụng plutonium (như hai lần thử nghiệm năm 2006 và 2009) hay uranium làm giàu. Nếu CHDCND Triều Tiên đã sở hữu uranium ở cấp độ vũ khí thì nước này đang tiến đến gần con đường chế tạo bom nguyên tử. Hơn nữa, việc làm giàu uranium khó phát hiện hơn plutonium.

Ủy ban An toàn và an ninh hạt nhân quốc gia Hàn Quốc (NSSC) đã phái tàu chiến và máy bay quân sự thu thập mẫu không khí gần điểm thử nghiệm hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Mục tiêu là xác định khí xenon được giải phóng sau vụ thử nghiệm, từ đó xác minh vật liệu phân hạch đã được sử dụng.

Bộ Môi trường Trung Quốc thông báo tăng cường theo dõi phóng xạ tại các tỉnh Liêu Ninh và Cát Lâm, gần biên giới với CHDCND Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng phái chiến đấu cơ thu thập các mẫu không khí để tìm dấu vết phóng xạ từ CHDCND Triều Tiên ngay sau hôm nước này thử nghiệm hạt nhân.

Tuy nhiên chiều 14-2, ủy ban của Hàn Quốc thông báo chưa tìm ra đồng vị phóng xạ nào. "Chúng tôi đã phân tích tám mẫu thử và không phát hiện chất xenon" - thông báo của NSSC viết.

Hơn 120 trạm quan sát phóng xạ của Hàn Quốc không đưa ra báo cáo bất thường.

Đến ngày 13-2, hơn 150 trạm theo dõi phóng xạ của Trung Quốc ở vùng đông bắc cũng chưa phát hiện dấu hiệu phóng xạ.

Các dữ liệu địa chất trước đó cho thấy cuộc thử nghiệm diễn ra trong lòng đất, nên nếu được che chắn kỹ sẽ khó xảy ra rò rỉ phóng xạ vào khí quyển. Ngay cả khi một số loại khí thoát ra ngoài được thì các nhà khoa học nhấn mạnh không dễ thu thập.

AFP cho biết chuyên gia Hàn Quốc không phát hiện khí xenon sau lần CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân năm 2009.

ĐỨC TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên