Phóng to |
Bà Aung San Suu Kyi lần đầu gặp gỡ tổng thống đắc cử Hàn Quốc Park Geun Hye - Ảnh: Reuters |
Cuộc gặp của "hai bóng hồng" này thu hút sự chú ý của công luận vì quá trình hoạt động chính trị cũng như bi kịch gia đình giống nhau của họ. Bà Aung San Suu Kyi và bà Park Geun Hye chia sẻ với nhau về bi kịch cá nhân của họ: có cha đều là lãnh đạo cao cấp bị ám sát, đều hi sinh hạnh phúc cá nhân để cống hiến cho đất nước.
Đại diện cho làn sóng nữ quyền
Cha của bà Aung San Suu Kyi, tướng Aung San, bị ám sát năm 1947. Còn cha của bà Park Geun Hye là cố tổng thống Park Chung Hee bị chính giám đốc tình báo của mình bắn chết năm 1979.
Vượt qua nỗi đau mất cha, hai người phụ nữ kiên cường dấn thân vào chính trường. Bà Park lẫn bà Suu Kyi đều thừa hưởng lợi thế từ uy tín của người cha quá cố.
Nhiều cử tri vẫn trông thấy hình bóng tướng Aung San, anh hùng dân tộc của Myanmar, khi quyết định ủng hộ bà Suu Kyi. Trong khi đó, bà Park Geun Hye có thành phần cử tri trung thành tuyệt đối là những người Hàn Quốc cao tuổi luôn nhớ về thời kỳ chuyển mình huy hoàng của đất nước dưới thời cố tổng thống Park Chung Hee.
Bà Suu Kyi và bà Park Geun Hye đều là đại diện tiêu biểu cho mẫu phụ nữ hi sinh hạnh phúc riêng để cống hiến cho đất nước. Vì kiên quyết ở lại Myanmar và đấu tranh dân chủ nên bà Suu Kyi không thể gặp mặt chồng lần cuối khi ông qua đời năm 1999. Trong khi đó, bà Park chọn cuộc sống độc thân và xem “nhân dân là gia đình”.
Phóng to |
Bà Aung San Suu Kyi hội đàm cùng Tổng thống Lee Myung Bak ở Nhà Xanh - Ảnh: Reuters |
Do hoàn cảnh đất nước nên con đường chính trị mà bà Suu Kyi và bà Park Geun Hye theo đuổi không giống nhau. Trong khi bà Park tiến thân từ xuất phát điểm là một nghị sĩ của đảng cầm quyền thì bà Suu Kyi khởi đầu sự nghiệp chính trị của mình trong vai trò một nhà bất đồng chống lại chính quyền quân sự.
Tuy nhiên, một điểm chung không thể phủ nhận là cả hai phụ nữ này đều đạt được thành công tại những đất nước mà các vị trí trọng yếu vốn do đàn ông nắm giữ.
Tuy đây là lần đầu hai nữ lãnh đạo gặp mặt, nhưng báo Chosun Ilbo cho biết trước đó bà Park và bà Suu Kyi đã liên lạc thư từ với nhau. Vào dịp sinh nhật lần thứ 64 hồi năm 2009 của bà Suu Kyi (khi đó vẫn còn bị giam lỏng tại nhà), bà Park đã gửi thư chúc mừng viết rằng: "Dù hôm nay bà phải mừng sinh nhật một mình, nhưng bà không cô độc".
Hàn Quốc - Myanmar tăng cường hợp tác
Chuyến đi của bà Suu Kyi đến Hàn Quốc là sự kiện mới nhất trong các chuỗi hoạt động giao lưu cấp cao giữa Myanmar và Hàn Quốc. Năm 2012, Tổng thống Lee Myung Bak và Tổng thống Thein Sein lần lượt đi thăm nhau để thúc đẩy hợp tác kinh tế. Tổng thống Thein Sein cũng từng cam kết Myanmar sẽ không tiếp tục mua vũ khí từ CHDCND Triều Tiên, một sự thay đổi chính sách ngoại giao được Seoul hoan nghênh.
Chính phủ dân sự của Myanmar chỉ mới thành lập vài năm trở lại đây và đang khôi phục nền dân chủ, trong khi thế lực quân đội vẫn còn nhiều ảnh hưởng. Thời báo Hoàn Cầu nhận định Myanmar có thể không đi theo con đường của Hàn Quốc trong quá khứ, tuy nhiên kinh nghiệm thay đổi từ nền độc tài sang một quốc gia dân chủ của Hàn Quốc mới là điều mà Myanmar quan tâm học hỏi.
Theo kênh KBS, bà Park đã bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những hi sinh và cống hiến của bà Suu Kyi cho sự nghiệp đấu tranh vì dân chủ ở Myanmar. Bà Park hi vọng Hàn Quốc và Myanmar sẽ hợp tác trong công việc ở Liên Hiệp Quốc và các tổ chức thế giới khác, hướng đến xây dựng một châu Á và thế giới hòa bình, hạnh phúc hơn. Đáp lại, bà Suu Kyi hứa sẽ nỗ lực hết mình để chứng minh quá trình dân chủ đang tiến triển ở Myanmar.
Trước khi gặp gỡ bà Park Geun Hye, bà Suu Kyi đã hội đàm cùng Tổng thống Lee Myung Bak. Theo người phát ngôn của tổng thống, nội dung cuộc họp xoay quanh hai vấn đề kinh tế và giáo dục. "Phát triển kinh tế và dân chủ hóa là hai vấn đề phải đi song song với nhau" - Tổng thống Lee nói với bà Suu Kyi.
Tổng thống Lee khẳng định Hàn Quốc sẽ tăng cường hợp tác kinh tế với Myanmar để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho thanh niên Myanmar.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận