Phóng to |
Tên lửa Triều Tiên được phóng vào tháng 12-2012 - Ảnh: Reuters |
Quân ủy Triều Tiên, qua tuyên bố được Hãng thông tấn KCNA đăng tải, khẳng định sẽ “hành động toàn diện nhằm phá tan chính sách thù địch đối với CHDCND Triều Tiên mà nước Mỹ và những thế lực theo Mỹ đang theo đuổi để bảo vệ chủ quyền đất nước. Chúng tôi không giấu giếm những lần phóng tên lửa tầm xa sắp tới đây, cũng như vụ thử nghiệm hạt nhân cấp độ cao đang chuẩn bị tiến hành nhắm vào kẻ thù không đội trời chung của chúng tôi là Mỹ”.
Chính sách “bên miệng hố chiến tranh”
Quân ủy Triều Tiên khẳng định để đối phó với Mỹ “phải sử dụng vũ lực chứ không thể bằng mồm”. Quan điểm này trước đó đã được Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên đưa ra khi tuyên bố phản đối nghị quyết trừng phạt mở rộng mà Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vừa thông qua với sự thỏa thuận của Mỹ và Trung Quốc. “Chúng tôi kiên quyết bác bỏ tất cả nghị quyết bất hợp pháp và ngoài vòng pháp luật mà Hội đồng Bảo an thông qua. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an do Mỹ khởi xướng đã đẩy chính sách thù địch của Mỹ với CHDCND Triều Tiên sang một giai đoạn căng thẳng mới”.
Lời đe dọa của Bình Nhưỡng được đưa ra đúng vào lúc đặc phái viên của Mỹ về các vấn đề Triều Tiên Glyn Davies đang có mặt tại Seoul để thảo luận việc nối lại cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. “Đó sẽ là một hành động sai lầm - báo Korea Herald dẫn lời ông Glyn Davies tuyên bố trước báo giới - Quyết định thế nào là quyền của họ. Nhưng Mỹ hi vọng Bình Nhưỡng không làm như vậy”.
“Lúc này không phải thời điểm tạo thêm căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên cần nắm lấy thời cơ hợp tác với chính phủ mới của Hàn Quốc và tổng thống Mỹ ở nhiệm kỳ hai. Nếu không thì nước này chỉ càng tự cô lập mình và khiến người dân thêm đói nghèo” - ông Davies nhấn mạnh.
Thông báo của Quân ủy Triều Tiên không giải thích rõ về cụm từ “cấp độ cao” nhưng theo một số chuyên gia, Bình Nhưỡng sẽ sử dụng một quả bom uranium trong lần thử nghiệm sắp tới thay vì dùng plutonium như năm 2006 và 2009, bởi nước này đã sở hữu công nghệ sản xuất uranium làm giàu nồng độ cao (HEU).
Tuy nhiên, theo giáo sư Hàn Quốc Yang Moo Jin thuộc ĐH Nghiên cứu Triều Tiên, khả năng xảy ra một cuộc thử nghiệm hạt nhân vào nửa đầu năm nay là rất thấp. “Vụ thử nghiệm là con bài cuối cùng của Bình Nhưỡng và còn quá sớm để sử dụng nước đi này” - giáo sư Yang phân tích. Còn theo giáo sư Kim Yong Hyun thuộc ĐH Dongguk, “tuyên bố này là chính sách đe dọa điển hình của Bình Nhưỡng. Không thể khẳng định họ sắp thử nghiệm đến nơi rồi!”.
Hàn Quốc sẽ phóng tên lửa lần 3 Ngày 24-1, Bộ Khoa học và công nghệ Hàn Quốc thông báo ngày 30-1 sẽ phóng tên lửa KSLV-1 (hay còn gọi là Naro) mang vệ tinh. Đây là lần phóng tên lửa thứ ba của Hàn Quốc sau hai lần thất bại vào năm 2009 và 2010. Tên lửa sẽ được phóng từ Trung tâm vũ trụ Naro ở phía nam Seoul. |
Seoul đang “theo dõi chặt chẽ” mọi diễn biến từ CHDCND Triều Tiên với những tuyên bố và phản ứng khác nhau, như Yonhap ngày 24-1 cho biết. Trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho Tae Young nêu rõ Seoul đang “hối thúc Bình Nhưỡng không tiếp tục phóng tên lửa và quan tâm đến đời sống của nhân dân mình” thì người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Wi Yong Seop lại lo ngại Bình Nhưỡng đã đủ khả năng thử nghiệm hạt nhân “vào bất cứ thời điểm nào mà lãnh đạo nước này quyết định”.
Yonhap dẫn nguồn tin tình báo cho biết Triều Tiên đã hoàn tất mọi bước chuẩn bị kỹ thuật vụ thử hạt nhân. Hàn Quốc và Mỹ đang triển khai nhiều thiết bị tình báo để tăng cường giám sát mọi động tĩnh tại địa điểm thử nghiệm Punggyeri ở miền bắc CHDCND Triều Tiên, đồng thời ráo riết chuẩn bị các kế hoạch đối phó cho mọi tình huống.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng kêu gọi tất cả các bên liên quan ở bán đảo Triều Tiên “nên kiềm chế, tránh gây căng thẳng thêm tình hình trong khu vực”. Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Hồng Lỗi thúc giục các bên “giữ bình tĩnh, thận trọng trong ngôn từ và hành vi, hướng đến lợi ích lâu dài và sớm nối lại đàm phán sáu bên”.
Tuy nhiên, giáo sư ngành quan hệ quốc tế Thời Ân Hoằng thuộc ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh nhận định Bắc Kinh ít có khả năng tác động được ban lãnh đạo Bình Nhưỡng trong vấn đề quân sự. “Thử nghiệm hạt nhân hay phóng tên lửa là xuất phát từ nhu cầu chính trị và ý thức hệ trong nước. Do vậy không chỉ Trung Quốc mà cả thế giới cũng khó tác động nổi” - giáo sư Thời nhìn nhận.
Trả lời báo New York Times, nhà phân tích Hàn Quốc Choi Jin Wook thuộc Viện Thống nhất Triều Tiên cho rằng “đây là thông điệp mạnh mẽ từ CHDCND Triều Tiên. Về cơ bản nó có nghĩa là dù nước này có nhận viện trợ bao nhiêu, hoặc chính sách các nước đối với họ có linh hoạt như thế nào, Bình Nhưỡng chỉ chấp nhận đàm phán khi họ được công nhận và được đối xử như một cường quốc hạt nhân”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận