Phóng to |
Bà Lorraine Hariton (trái) trong cuộc hội thảo bàn tròn ở Phnom Penh ngày 17-1 - Ảnh: cambodia.usembassy.gov |
Trong cuộc gặp bàn tròn với báo giới tại Phnom Penh ngày 17-1, đặc sứ Vụ Kinh tế, Bộ Ngoại giao Mỹ Lorraine Hariton cho biết Washington sẽ hỗ trợ việc phát triển hạ tầng của Campuchia thông qua hợp tác công tư. Trước đó, bà Hariton cùng nhiều đại diện doanh nghiệp Mỹ đã tham gia hội nghị trao đổi điển hình hợp tác về xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến hạ lưu Mekong, trong đó Campuchia là một thành viên. Theo bản tin của đại sứ Mỹ tại Campuchia, hội nghị tập trung vào việc các công ty Mỹ sẽ giúp đỡ những quốc gia trong đó có Campuchia từ tài chính, hoạch định đến các dự án phát triển hạ tầng như đường sá, sân bay, cảng biển, nước sinh hoạt, mạng lưới điện, Internet băng thông rộng...
Bà Hariton nhấn mạnh hệ thống hạ tầng được cải thiện sẽ là xương sống giúp Phnom Penh giảm thiểu chi phí vận chuyển, giúp các doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh được trong nền kinh tế toàn cầu. Bà cũng cho biết cần “cải thiện hơn nữa việc tiếp thị của chúng tôi” để giúp Campuchia thu hút mạnh đầu tư từ Mỹ.
Đôi bên cùng có lợi
Báo Asie-Info chuyên về Đông Nam Á nhận định: “Trung Quốc từ lâu đã tiến hành cuộc phản công của mình trong khu vực. Dù đó là ở Myanmar, Lào hay Campuchia, Bắc Kinh đều đã tăng cường đầu tư với những công trình khổng lồ trong các năm qua. Giờ đây, trong mong muốn “xoay trục” về châu Á, chính phủ của ông Obama đang theo bước Bắc Kinh”. |
Trong những kế hoạch được đưa ra, đoàn Mỹ đề nghị một công ty vừa được thành lập nhân chuyến thăm Việt Nam trước đó của bà Hariton tham gia phát triển các sân bay ở Campuchia. Công ty này, như bà Hariton đánh giá, có đủ khả năng lẫn tài chính. Ngoài ra, Washington cũng dự định xuất khẩu các công nghệ và chuyên môn cần thiết để giúp Phnom Penh xây dựng hạ tầng. “Chúng tôi muốn nâng tầm của Campuchia trong chuỗi giá trị này. Giới trẻ Campuchia ngày càng giỏi về phát triển phần mềm” - ông Phó Hồng Phong, quan chức phụ trách Việt Nam - Lào - Campuchia của Vụ Thương mại quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ, đánh giá.
Trên trang cá nhân, đại sứ Mỹ tại Campuchia William E. Todd nhận định việc thúc đẩy quan hệ kinh tế Mỹ - Campuchia là “lợi cả đôi bên”, vừa giúp quốc gia đang phát triển như Campuchia có được các dự án lớn, vừa giúp Mỹ mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ của mình.
“Xoay trục”: an ninh + kinh tế
Có thể thấy chuyến công du của đặc sứ Hariton là một phần của nỗ lực “tái cân bằng” châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ đã được Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh trong lần thăm châu Á vào cuối năm ngoái ngay sau khi tái đắc cử.
“Xoay trục châu Á... không chỉ là tập trung vào những vấn đề về an ninh, bởi để cho sự chuyển hướng này của chúng tôi thành công về lâu dài, chúng tôi phải can dự vào kinh tế của khu vực này - bà Hariton nhấn mạnh - Chúng tôi đang tìm kiếm những ngọn gió lành và thực hiện một số thỏa thuận cho phép chúng tôi đóng một vai trò lớn hơn tại khu vực”. Trong khi đó, ông Phó Hồng Phong nhận định “Campuchia giờ không chỉ là Campuchia” và “Mỹ muốn làm ăn ở nước này”.
Theo thống kê của Ủy ban phát triển Campuchia, Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ năm tại nước này với hơn 1,33 tỉ USD đầu tư từ năm 1994-2012. Tuy nhiên, con số này vẫn là nhỏ nhoi so với những siêu dự án tại Campuchia của Trung Quốc, quốc gia gần như độc tôn trong phát triển hạ tầng như đường sá, đập thủy điện ở châu Á. Từ năm 2006-2012, các công ty của Trung Quốc đầu tư hơn 8,2 tỉ USD vào Campuchia. Đầu tháng 1-2013, Reuters đưa tin hai tập đoàn Trung Quốc đã đạt thỏa thuận giúp Campuchia xây dựng tuyến đường sắt 400km, một nhà máy thép và một cảng biển. Cả ba dự án có tổng trị giá đến hơn 11,6 tỉ USD. Trước đó, Bắc Kinh đã công bố dự án nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Campuchia với kinh phí hơn 2,3 tỉ USD.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận