25/12/2012 21:24 GMT+7

LHQ nối lại đàm phán hiệp ước buôn bán vũ khí

ĐỨC TOÀN
ĐỨC TOÀN

TTO - Với số phiếu thuận áp đảo, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 25-12 nhất trí khởi động lại các vòng đàm phán cuối cùng về một hiệp ước quốc tế để quản lý việc buôn bán vũ khí toàn cầu.

Tổng thống Obama kêu gọi ban hành luật mới kiểm soát súngLàn sóng đòi kiểm soát súng đạn lan rộng ở Mỹ

x5KffNDt.jpgPhóng to

Phó chủ tịch NRA Wayne LaPierre phát biểu trên truyền hình để bảo vệ quan điểm cần trang bị súng cho trường học. Quan điểm này bị công luận Mỹ chỉ trích gay gắt - Ảnh: Reuters

Một nghị quyết được thông qua với tỉ lệ 133 phiếu thuận, 17 phiếu trắng và không phiếu chống nào sẽ đưa tất cả thành viên LHQ trở lại bàn đàm phán từ ngày 18 đến 28-3-2013 tại New York. Nguồn tin ngoại giao của Reuters cho biết Mỹ cũng đã bỏ phiếu thuận.

Ngoại trưởng các nước Argentina, Úc, Costa Rica, Phần Lan, Nhật Bản, Kenya và Anh - các nước soạn thảo bản dự thảo của hiệp ước - cùng ra tuyên bố hoan nghênh kết quả bỏ phiếu của LHQ: “Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy phần lớn thành viên LHQ ủng hộ một hiệp ước mạnh mẽ, cân bằng và hiệu quả để đặt ra những tiêu chuẩn cao nhất mang tính toàn cầu đối với việc buôn bán vũ khí thông thường”.

Các phái đoàn LHQ và những nhà vận động kiểm soát vũ khí cho rằng các cuộc đàm phán hồi tháng 7 thất bại chủ yếu vì Tổng thống Mỹ Barack Obama lo sợ thua cuộc trước đối thủ Mitt Romney trong cuộc bầu cử tháng 11 nếu chính quyền của ông ủng hộ hiệp ước này.

Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) - hiện đang bị chỉ trích sau vụ xả súng ngày 15-12 ở Newtown - phản đối hiệp ước và gây sức ép để ông Obama phản bác. Theo AP, chính quyền Mỹ khi đó tuyên bố cần thêm thời gian để xem xét đề xuất nội dung mà hiệp ước đề xuất, còn Nga và Trung Quốc cũng yêu cầu trì hoãn thông qua hiệp ước.

Nhưng sau khi ông Obama tái đắc cử trong tháng qua, phái đoàn Mỹ và một số thành viên khác trong LHQ ủng hộ nối lại đàm phán về hiệp ước.

Hiệp ước không ảnh hưởng đến việc buôn bán súng hay quyền sở hữu vũ khí bên trong nước Mỹ, do hiệp ước chỉ có hiệu lực đối với lĩnh vực xuất khẩu và hướng đến giải quyết các nguồn vũ khí trái phép trên thế giới.

Nhiều quốc gia - kể cả Mỹ là nước buôn bán vũ khí lớn nhất thế giới - đều kiểm soát xuất khẩu vũ khí nhưng chưa có một hiệp ước quốc tế nào để quản lý ngành thương mại vũ khí toàn cầu, ước tính giá trị 70 tỉ USD.

Hơn một thập kỷ qua, nhiều chính phủ thúc giục xây dựng những điều luật quốc tế để giải quyết tình trạng vũ khí rơi vào tay khủng bố hoặc các tổ chức tội ác.

ĐỨC TOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên