23/12/2012 05:03 GMT+7

Nhạc trưởng mới của nền ngoại giao Mỹ

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TT - Đúng như dự báo của giới truyền thông, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chính thức đề cử thượng nghị sĩ John Kerry làm ngoại trưởng Mỹ, thay thế bà Hillary Clinton.

mKUUKdaW.jpgPhóng to

Thượng nghị sĩ John Kerry (phải) và Tổng thống Obama - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin Reuters, trong cuộc họp báo ngày 21-12 tại Nhà Trắng, ông Obama công bố việc lựa chọn ông Kerry, 69 tuổi, và bày tỏ sự tin tưởng rằng Thượng viện Mỹ sẽ nhanh chóng thông qua đề cử này. “John đã giành được sự kính trọng và lòng tin của các nhà lãnh đạo khắp thế giới - ông Obama nhấn mạnh - Ông ấy sẽ không cần đến nhiều khóa huấn luyện cho công việc mới của mình”.

Đương kim Ngoại trưởng Clinton cũng đánh giá ông Kerry “đã được thử thách ở chính quyền và trong lĩnh vực ngoại giao và chứng tỏ được năng lực”. Như vậy, sau nhiều năm, ghế ngoại trưởng Mỹ đã trở về với phái mạnh. Ba người tiền nhiệm trước đó của ông đều là phụ nữ, bao gồm bà Clinton, bà Codoleezza Rice và bà Madeleine Albright.

Sinh ra để làm ngoại trưởng

"Toàn bộ cuộc đời của John Kerry đã chuẩn bị cho ông vào vị trí ngoại trưởng"

Tổng thống Mỹ Barack Obama

“Toàn bộ cuộc đời của John đã chuẩn bị cho ông vào vị trí này - ông Obama nhận định - Ông ấy là sự lựa chọn hoàn hảo để lãnh đạo ngoại giao Mỹ trong những năm tới”.

Là con trai của nhà ngoại giao Richard Kerry, ông John Kerry sinh ra ở Aurora, bang Colorado. Phần lớn trong những năm tháng ấu thơ, John Kerry sống ở nước ngoài. Ban đầu là Berlin (Đức), năm 11 tuổi ông chuyển đến học ở một trường nội trú tại Thụy Sĩ. Sau khi tốt nghiệp ĐH Yale năm 1966, ông Kerry được điều động tới VN với vai trò trung úy hải quân, chỉ huy tàu tuần tra hoạt động ở tiểu vùng Mekong.

Những năm tháng ở chiến trường VN, ông tận mắt chứng kiến cảnh hàng nghìn người thiệt mạng vì những quyết định sai lầm của chính quyền Washington khi đó. Ngay khi trở về Mỹ hồi đầu thập niên 1970, trung úy John Kerry đã tham gia phong trào Cựu chiến binh phản đối chiến tranh VN (VVAW). Ông trở thành người phát ngôn của VVAW. Trong một cuộc điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ hồi tháng 4-1971, ông cáo buộc chính sách VN của Mỹ là “tội ác chiến tranh”.

Năm 1972, ông Kerry bắt đầu bước vào chính trường Mỹ và đến năm 1984 thì trở thành thượng nghị sĩ.

Năm 1994, Thượng viện Mỹ thông qua đề nghị của ông Kerry và thượng nghị sĩ John McCain về việc dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với VN. Năm 1995, Mỹ chính thức nối lại quan hệ ngoại giao với VN. Ông là người phản đối cuộc chiến tranh Iraq và ra tranh cử tổng thống năm 2004 dựa trên quan điểm phản đối chiến tranh Iraq, nhưng thất bại trước tổng thống George Bush.

Người hàn gắn

Truyền thông Mỹ đánh giá ông Kerry có đầy đủ mọi điều kiện để trở thành một ngoại trưởng xuất sắc, dù ông không nổi tiếng ở tầm “ngôi sao” như bà Hillary Clinton. Bởi trong vai trò chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện, ông Kerry có rất nhiều kinh nghiệm trên chính trường thế giới. Báo Washington Post cho biết ông là người có tác động lớn đến việc Thượng viện Mỹ thông qua hiệp định giảm trừ vũ khí Mỹ - Nga.

Ông từng cùng ông McCain ủng hộ chính sách Libya, bao gồm việc thiết lập “vùng cấm bay” khi lực lượng của nhà độc tài Muammar Gaddafi tấn công thường dân. Ông cũng là một trong những người đầu tiên kêu gọi tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức khi cách mạng “Mùa xuân Ả Rập” bùng nổ ở Ai Cập. Thời thập niên 1980, ông có đóng góp to lớn trong việc Chính phủ Mỹ ngừng ủng hộ nhà độc tài Philippines Ferdinand Marcos.

Ông cũng được đánh giá là người chuyên hàn gắn những rạn nứt ngoại giao giữa Mỹ với các nước, từ Afghanistan, Pakistan đến Sudan. Điển hình là năm 2009, ông thuyết phục thành công Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai chấp nhận bầu cử. Suốt năm ngày, ông Kerry đã dành 20 giờ mỗi ngày cùng ăn tối, bách bộ và “tâm sự” với ông Karzai trong khuôn viên dinh tổng thống tại Kabul.

Chính Tổng thống Obama cho rằng thời gian tham chiến ở VN đã dạy cho ông Kerry trách nhiệm sử dụng sức mạnh của người Mỹ một cách khôn ngoan, nhất là sức mạnh quân sự. “Một trong những việc phi thường mà chúng ta chứng kiến là việc John cùng thượng nghị sĩ John McCain giúp khôi phục quan hệ với VN. Khi ông ấy trở lại đất nước mà ông từng tham chiến, ông đã đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về tiến trình hàn gắn vết thương” - ông Obama khẳng định.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên