22/12/2012 08:48 GMT+7

Phẫn nộ trước hành vi vô cảm

HOÀNG NGỌC - SƠN HÀ
HOÀNG NGỌC - SƠN HÀ

TT - Người Mỹ đang tranh cãi về việc hạn chế súng đạn sau vụ thảm sát ở Connecticut. Tại Trung Quốc cũng nổ ra một cuộc tranh luận sau vụ một kẻ tâm thần cầm dao xông vào trường tiểu học đâm bị thương 23 học sinh.

uDb18PuM.jpgPhóng to
Một học sinh bị thương ở đầu đang được điều trị tại bệnh viện - Ảnh: CFP

Theo báo Đô Thị Nam Phương, trước vụ thảm sát ở Trường Sandy Hook tại Mỹ vài giờ, sáng 14-12 một kẻ rối loạn tâm thần tên Mẫn Ứng Quân, 36 tuổi, đã cầm dao xông thẳng vào Trường tiểu học thôn Trần Bằng, huyện Quang Sơn, tỉnh Hà Nam. Hắn chém túi bụi vào học sinh khiến 23 em nhỏ từ 6-11 tuổi bị thương.

Thầy cô ở đâu?

Khi đó chẳng thấy bóng dáng thầy cô giáo nào xuất hiện ngăn chặn hung thủ. Báo Đô Thị Nam Phương và báo mạng Tân Lãng dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết đa số thầy cô lúc đó đã vội vàng tháo chạy thoát thân khi hung thủ đâm chém học sinh. Một số thầy cô khác không có mặt ở trường do đến muộn. Các nhân chứng chỉ thấy bóng dáng một số thầy cô giáo khi nhiều học sinh kêu khóc, chạy túa ra ngoài sân trường, sau lưng là gã tâm thần vung dao đuổi theo.

Một hình ảnh khác trong vụ thảm sát ở bang Connecticut (Mỹ): Theo CNN, khi nghe tiếng súng nổ bên ngoài cổng trường, hiệu trưởng Dawn Hochsprung, chuyên gia tâm lý trường Mary Sherlach và hiệu phó Natalie Hammond lập tức lao ra khỏi văn phòng. Cả ba đã lao tới hung thủ Adam Lanza để ngăn cản hắn, bất chấp việc phải đối mặt với khẩu súng. Hiệu phó Hammond bị thương nặng, cô dùng cơ thể mình ngăn Lanza xông vào bên trong nhưng vô hiệu. Khi đó, cô giáo Victoria Soto đưa học sinh cách xa khỏi cánh cửa phòng học. Lanza xông vào, cô lập tức đứng chắn trước các học sinh. Lanza xả súng bắn chết cô. Cảnh sát cũng tìm thấy thi thể cô giáo Anne Marie Murphy trong một phòng học. Cô chết trong tư thế ôm lấy một số học sinh. Các chuyên gia pháp y cho biết cô lấy thân mình làm lá chắn để cố cứu các em.

Hành vi của các thầy cô giáo ở Trường tiểu học thôn Trần Bằng đã khiến dư luận Trung Quốc rất bức xúc. “Khi bọn trẻ kêu gào để được giúp đỡ dưới sự uy hiếp của mũi dao thì các giáo viên cứ chết gí ở một chỗ nào đó” - báo Tin Tức Bắc Kinh dẫn lời nhà văn Hàn Hàn phê phán. Chuyên gia giáo dục Trình Phương Bình thuộc Đại học Nhân dân khẳng định Trung Quốc cần giáo dục các giáo viên để họ hiểu rằng trách nhiệm của họ không chỉ là dạy chữ mà còn là đảm bảo sự an toàn cho học sinh.

Xát muối vào nỗi đau!

Tân Hoa xã đưa tin ngày 17-12, chính quyền huyện Quang Sơn đã ra lệnh sa thải hai lãnh đạo Trường tiểu học thôn Trần Bằng cùng cảnh sát trưởng thị trấn Văn Thù, hai nhân viên cao cấp của phòng giáo dục huyện và một nhân viên an ninh.

Điều đáng nói là khi 23 học sinh nhỏ tuổi còn đang nằm trong bệnh viện, tờ Nhật Báo Tín Dương của huyện Quang Sơn lại đăng bài “Quang Sơn thực hiện tốt việc giáo dục khiến người dân vừa ý”, trong đó ca tụng hết lời nền giáo dục tại huyện nhà.

Dư luận và cả truyền thông Trung Quốc giận dữ cho rằng chính sự vô trách nhiệm của tờ báo này đã xát thêm muối lên vết thương của học sinh và gia đình. “Giữa lúc học sinh phải hứng chịu đau thương do sự thiếu trách nhiệm của thầy cô và nhân viên nhà trường thì một bài viết như thế lại xuất hiện trên mặt báo” - một blogger bức xúc viết trên trang mạng Weibo.

Tiếp theo đó, phòng tuyên truyền của huyện Quang Sơn còn lên kế hoạch viết một bài báo ca ngợi người “anh hùng” lái xe đã đưa các học sinh bị thương đến bệnh viện, như tin của tờ Nhật Báo Tín Dương viết. Cơ quan này tuyệt nhiên không đả động gì đến trách nhiệm của các thầy cô và nhân viên nhà trường khi xảy ra vụ tấn công kinh hoàng.

“Họ chỉ lo chuyện ca ngợi mà không để ý đến trách nhiệm của mình trong việc giải quyết hậu quả. Việc một người đưa các học sinh đến bệnh viện thì có gì mà phải xưng tụng anh hùng. Truyền thông Trung Quốc đã quá quen với việc dùng hình mẫu anh hùng để lấp đi bao nhiêu khuất tất bên trong” - Nhật Báo Trường Giang dẫn lời một người dân huyện Quang Sơn phê phán.

Tân Hoa xã tiết lộ chính quyền huyện Quang Sơn đã ra lệnh cho truyền thông địa phương không được đưa tin về vụ tấn công học sinh. Các giáo viên và nhân viên trong nhà trường cũng bị buộc phải im hơi lặng tiếng trước truyền thông. Sau vụ việc, khi phóng viên các báo đến phỏng vấn, các quan chức địa phương đều tìm cách lánh mặt khỏi văn phòng, còn số khác “tập trung”... chơi điện tử trên điện thoại.

Cũng liên quan đến việc thông tin vụ tấn công này, cư dân mạng Trung Quốc trách cứ các cơ quan truyền thông chính thức đã làm lơ mà quan tâm đến vụ tấn công ở Mỹ nhằm tránh làm nóng những vấn đề xã hội Trung Quốc có thể dẫn đến bạo lực.

“Điều làm tôi giận dữ là có thể xem đủ thứ tường thuật, phóng sự về vụ thảm sát ở Mỹ trên báo đài Trung Quốc, nhưng lại chẳng thấy điều gì diễn ra vào ngày 14-12 ở tỉnh Hà Nam cả” - một cư dân mạng tên Zhang Kailino303 viết.

HOÀNG NGỌC - SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên