Nhật Bản hồi hộp chờ kết quả bầu cửNhật sẽ tổng tuyển cử vào tháng tớiLãnh đạo các đảng phái tại Nhật bắt đầu tranh cử
![]() |
Shinzo Abe - "diều hâu" quyến rũ - Ảnh: AP |
Cuộc bỏ phiếu Hạ viện Nhật đã kết thúc vào ngày 16-12. Theo kết quả điều tra sơ bộ, Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản (LDP) đã giành chiến thắng lớn khi nhận được 275-300 ghế trên tổng số 480 ghế trong hạ viện.
Điều này đồng nghĩa với việc ông Shinzo Abe, chủ tịch LDP đồng thời là người đã dẫn dắt đất nước trong thời gian 2006-2007, sẽ lần thứ hai nắm giữ cương vị thủ tướng Nhật Bản.
Nổi lên như một ứng cử viên có đường lối cứng rắn nhất trong cuộc bầu cử năm nay, thắng lợi của ông Abe và Đảng LDP được dự báo sẽ càng khiến lập trường của Nhật Bản trong tranh chấp lãnh thổ và vướng mắc về lịch sử với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc hay CHDCND Triều Tiên thêm căng thẳng.
Ngay trong chiến dịch tranh cử, ông Abe đã cam kết “sẽ bảo vệ vùng biển xinh đẹp của Nhật Bản”, ám chỉ đến những quần đảo đang tranh chấp với Trung Quốc và Hàn Quốc. Ông cũng đến thăm đền Yasukuni, vốn được ba nước trên xem là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, ở Tokyo vào ngày 17-10. Đây là điều cựu thủ tướng chưa từng làm trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Trong tuyên bố sau khi có kết quả cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua, ông Abe một lần nữa khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku, vốn được phía Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư.
“Trung Quốc đang thách thức một thực tế rằng quần đảo là lãnh thổ vốn có của Nhật Bản. Mục tiêu của chúng ta là phải ngăn chặn ngay những thách thức ấy”, ông Abe nói.
Chính trị gia 58 tuổi này cho hay ông “không có ý định làm xấu đi mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc”, nhưng muốn Bắc Kinh phải một lần nữa “nhìn nhận lại quan hệ chiến lược đôi bên cùng có lợi”.
Thách thức đối nội lớn nhất: khôi phục nền kinh tế
Thực tế, khôi phục nền kinh tế được xem là thách thức về đối nội lớn nhất cho chính phủ mới khi Nhật Bản có thể bước vào cuộc suy thoái thứ 4 kể từ năm 2000 với số nợ công lớn gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
“Với những chính sách tiền tệ, tài chính mạnh mẽ, chúng ta sẽ kết thúc sự giảm phát, nâng cao giá trị đồng yen và thúc đẩy kinh tế phát triển”, ông Abe thuyết phục các cử tri trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra.
Trong khi đương kim Thủ tướng Yoshihiko Noda chủ trương tăng thuế để chi trả khối nợ công khổng lồ, ông Abe cam kết sẽ nới lỏng một cách “không hạn chế” chính sách tiền tệ, đồng thời tăng chi tiêu công.
Đối với điện hạt nhân - một trong những vấn đề quan trọng được người dân Nhật quan tâm, Đảng LDP cho biết sẽ ủng hộ việc phát triển nguồn năng lượng này bất chấp thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi năm ngoái.
Bên cạnh đó, ông Abe cũng thể hiện mong muốn Nhật Bản đóng góp một vai trò quan trọng hơn trong vấn đề an ninh toàn cầu. Chủ tịch LDP cam kết sẽ thay đổi hiến pháp hòa bình vốn được ký sau Thế chiến thứ II của Nhật.
Giới chuyên gia nhận định hiện còn vô số thách thức chờ đợi ông Abe trước mắt. Chưa nói đến những vấn đề ngoại giao nhạy cảm, về phần đối nội, theo Richard Samuels - giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế thuộc Viện Công nghệ Richard Samuels, ông Abe phải rất khéo léo khi thành lập chính phủ của mình, dự kiến diễn ra vào ngày 26-12.
Samuels cho hay ông Abe nên tránh lựa chọn một nội các “đầy những bạn bè thân tín” như ở nhiệm kỳ đầu tiên.
Ngoài ra Abenomics - cụm từ chỉ chính sách kinh tế của ông Abe - còn được đánh giá chỉ có thể tạo ra sự tăng trưởng tạm thời, không giải quyết triệt để những vấn đề tồn đọng tại đây. Đó là chưa kể đến việc ông Abe từng bị chỉ trích khi còn làm thủ tướng những năm 2006-2007 khi chi mạnh tay cho các dự án công cộng, dẫn đến việc nhiều cây cầu ở vùng nông thôn không được sử dụng và những con đường được xây dựng để chẳng dẫn về đâu.
Shinzo Abe: “diều hâu” quyến rũ Ông Shinzo Abe năm nay 58 tuổi, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm chính trị. Cha ông, Shintaro Abe, là một cựu ngoại trưởng trong khi ông của Abe từng nắm giữ chức vụ thủ tướng. Ông Abe tốt nghiệp ngành khoa học chính trị tại Đại học Seikei trước khi theo học tại Đại học Nam California (Mỹ). Tháng 9-2006, ở tuổi 52, ông được bầu làm thủ tướng và trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất Nhật Bản kể từ sau Thế chiến thứ hai. Từng là niềm hi vọng của nước Nhật, tuy nhiên chính phủ ông Abe sau đó lại gây thất vọng cho người dân khi các thành viên trong nội các liên tiếp dính bê bối. Bản thân cựu thủ tướng cũng khiến Trung Quốc và Hàn Quốc tức giận khi tuyên bố không có bằng chứng cho thấy phụ nữ bị quân đội Nhật buộc làm nô lệ tình dục trong Thế chiến II và sau đó phải lên tiếng xin lỗi. Năm 2007, ông Abe từ chức vì lý do sức khỏe. Dù theo đuổi lập trường chính trị cực hữu, cứng rắn (hay còn gọi là phe “diều hâu”) nhưng ông Abe lại thu hút lòng người, đặc biệt là phụ nữ, bởi hình thức ưa nhìn, vẻ lịch lãm và cách ăn nói nhã nhặn, ôn hòa. Năm 2002, Hiệp hội Thời trang nam Nhật Bản còn trao giải thưởng người ăn mặc lịch sự nhất lần thứ 31 cho ông. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận