Ngày nay, nỗ lực của bà đang tạo nên những thay đổi lớn.
Phóng to |
Cuộc truy tìm 10 năm khiến bà Susana Trimarco không còn khóc được nữa - Ảnh: Huffington Post |
Biến cố cách đây một thập niên đã biến Trimarco từ một bà nội trợ gia đình và hiếm khi quan tâm đến tin tức trở thành kẻ thù của bọn buôn người. Năm 2002 con gái Marita Veron 23 tuổi của bà đi khám bác sĩ và không bao giờ trở về nhà nữa. Không thể trông vào sự hỗ trợ của cảnh sát, bà Trimarco đã tự mình đi gõ cửa các nhà thổ để tìm con sau khi có tin con gái bà có thể đã bị bắt làm nô lệ tình dục.
Cuộc tìm kiếm không mệt mỏi đã kéo dài hơn 10 năm. Trong thời gian đó, bà cũng giải cứu và giúp đỡ vô số phụ nữ tìm lại cuộc đời từ nạn mại dâm trái phép. Luật Argentina dù không cấm mại dâm nhưng cưỡng ép phụ nữ bán dâm là phi pháp. Dù vẫn chưa tìm được con nhưng đến nay bà Trimarco không còn đơn độc, và cuộc chiến của bà mẹ có ý chí sắt đá này đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ.
Thâm nhập vào thế giới ngầm
Ngày càng nhiều trẻ em, phần lớn là các bé gái, trở thành nạn nhân trong các vụ buôn người những năm gần đây. Theo AFP, trong báo cáo toàn cầu năm 2012, văn phòng chống tội phạm và ma túy Liên Hiệp Quốc (UNODC) cho biết trẻ em chiếm tới 27% các trường hợp buôn người được ghi nhận ở 132 quốc gia từ năm 2007-2010. Có tới 75% nạn nhân là nữ giới, gồm phụ nữ trưởng thành và trẻ em gái. Mục đích buôn người ở mỗi châu lục khác nhau, như cưỡng bức lao động tại các nước châu Phi và châu Á, trở thành nô lệ tình dục ở châu Âu và châu Mỹ, hoặc bị bán phẫu thuật lấy nội tạng. |
“Lần đầu tiên tôi thật sự hiểu những gì xảy ra với con gái mình” - bà Trimarco kể lại những ngày rong ruổi cùng chồng và đứa cháu gái 3 tuổi Micaela. Người phụ nữ đầu tiên mà Trimarco giúp thoát khỏi nhà thổ dạy bà phải mạnh mẽ đến mức phải lạnh lùng. “Cô ấy bảo tôi đừng để chúng thấy tôi khóc bởi những kẻ không biết xấu hổ kia, những kẻ đang giữ con gái tôi sẽ cười vào mặt và nỗi đau của tôi - bà kể - Từ đó tôi không khóc nữa. Tôi biến mình thành một người mạnh mẽ và mỗi khi nước mắt sắp rơi tôi lại nhớ đến những lời này”.
Trên chặng đường đầy khó khăn, bà Trimarco chỉ nhặt nhạnh được những thông tin đau đớn về con gái. Một số gái điếm kể với bà họ thấy con bà bị đánh đập, bị tiêm ma túy và bị ép tiếp những khách mua dâm cao cấp. Một số khác cho biết Veron đã sinh con sau khi bị hãm hiếp và một số nói cô đã bị bán sang Tây Ban Nha. Dù vậy, người mẹ này vẫn tin rằng con gái mình còn sống và không ngừng tìm kiếm.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Trimarco đã thúc đẩy sự ra đời của tổ chức mang tên Veron do Chính phủ Argentina hỗ trợ tài chính nhằm giúp đỡ những phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục. Đến nay tổ chức này đã cứu thoát hơn 900 phụ nữ và trẻ gái, cho họ một chỗ ở, chữa trị y tế và tâm thần, thậm chí giúp họ kiện những kẻ bắt cóc. Nỗ lực của họ cũng là động lực để chính quyền Argentina thông qua luật cấm mở nhà thổ và buôn người năm 2008 giúp bảo vệ hàng ngàn phụ nữ khác.
Không bỏ cuộc
Nỗ lực của bà đạt được một cột mốc quan trọng khi chính quyền mới đây đưa ra xét xử 13 kẻ buôn người bị cáo buộc đã bắt cóc và buộc Veron làm nô lệ tình dục trong các nhà thổ trái phép. Những kẻ bị truy tố có thể đối mặt với mức án đến 25 năm tù. Hơn 150 nhân chứng xuất hiện trước tòa, gồm nhiều phụ nữ từng bị bắt vào nhà thổ làm gái mại dâm.
Theo lời kể của những nhân chứng, Veron bị bắt cóc hai lần với sự đồng lõa của quan chức chính quyền, những người đáng lý phải bảo vệ cô. Một lãnh đạo cơ quan cảnh sát ở Tucuman xác nhận ba ngày sau khi Veron mất tích, một số người nhìn thấy cô ở một trạm xe buýt và một cảnh sát đưa cô đến một nhà thổ ở La Rioja. Một cảnh sát Tucuman khác cho biết trong một đợt truy quét các nhà thổ ở La Rioja năm 2002, một thẩm phán đã trì hoãn chiến dịch của họ và kết quả là những kẻ bắt giữ Veron kịp thời tẩu thoát.
Tuy nạn tham nhũng trong ngành tư pháp đã giúp 13 kẻ buôn người trắng án ngày 11-12 trước sự thất vọng của bà Trimarco và nhiều người ủng hộ bà, Bộ trưởng an ninh Nilda Garre gọi phán quyết là “một cái tát vào mặt ngành tư pháp”. Đại sứ Mỹ tại Argentina khẳng định sự ủng hộ dành cho bà Trimarco. Những đám đông cũng biểu tình tại Buenos Aires ngày 12-12 để thể hiện sự bất bình.
Dù cuộc chiến của bà Trimarco chưa kết thúc nhưng các công tố viên nhận định nó đã hé mở về những mạng lưới buôn người, cách chúng hoạt động và chuyển người. “Nạn buôn người hầu như vô hình trước trường hợp của Veron và nay đã trở thành một vấn đề quốc gia” - luật sư Carlos Garmendia nhận định. Nhưng bà Trimarco muốn nhiều hơn. “Tôi hi vọng chúng sẽ bị triệt phá và khai ra chúng đã làm gì với Marita”.
Những nỗ lực của bà đã được tôn vinh. Bà được Chính phủ Mỹ trao giải thưởng Người phụ nữ dũng cảm và thậm chí từng được đề cử giải Nobel hòa bình. Cuối tuần trước, tại thủ đô Buenos Aires, Tổng thống Cristina Fernandez cũng đích thân trao giải thưởng vì nhân quyền cho bà Trimarco.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận