Phóng to |
Các tay súng thuộc lực lượng nổi dậy ở Syria - Ảnh: Reuters |
Hồi đầu tuần, báo New York Times, CNN và hàng loạt hãng thông tấn khác tại Mỹ đã gây chấn động khi dẫn lời một “quan chức Mỹ cấp cao giấu tên đã xem thông tin tình báo” khẳng định quân đội Syria đã nạp khí độc thần kinh sarin vào bom, chỉ chờ lệnh tấn công từ Tổng thống Bashar al-Assad. Lập tức, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố đó là “lằn ranh đỏ” đối với Mỹ và khẳng định nếu quân đội Syria ném bom hóa học, Mỹ “sẽ hành động”.
Sau đó, đến lượt Tổng thống Mỹ Barack Obama lên tiếng khẳng định việc sử dụng vũ khí hóa học là “không thể chấp nhận được”. “Tôi muốn nói rõ với ông al-Assad rằng nếu ông phạm sai lầm bi thảm là sử dụng loại vũ khí này, ông sẽ phải gánh chịu hậu quả”. Theo AFP, ngày 6-12 đến lượt Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta nhấn mạnh Mỹ có thông tin tình báo cho thấy Syria đang sẵn sàng ném bom hóa học và chính quyền Washington đang “rất quan ngại”.
Lịch sử đang lặp lại
Trong vài ngày qua, thông tin về vũ khí hóa học của Syria tràn ngập trên báo Mỹ và phương Tây. Dẫn nguồn tin từ các cơ quan tình báo Mỹ, giới truyền thông cho biết hiện Syria sở hữu tới 1.000 tấn vũ khí hóa học được tích trữ ở các kho chứa tại 50 thành phố, thị trấn trên khắp cả nước. Đó là khí độc iprit, chất độc thần kinh sarin, thậm chí cả khí cực độc VX.
Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) khẳng định quân đội Syria có thể sử dụng máy bay, tên lửa đạn đạo, rocket để xả khí độc lên quân nổi dậy và thường dân. Báo Christian Science Monitor dẫn lời chuyên gia Daryl Kimball thuộc Hiệp hội Kiểm soát vũ khí (ACA) khẳng định các loại vũ khí hóa học như khí sarin là “cực kỳ độc, cực kỳ hiệu quả”, đặc biệt khi dùng để tấn công các khu dân cư.
Tuy nhiên, Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời chuyên gia Boris Volkhonsky thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược Nga (RISS) bình luận nếu ai còn nhớ những gì đã diễn ra năm 2003 thì không tránh khỏi cảm giác “lịch sử đang lặp lại”. Năm 2003, báo chí Mỹ cũng dẫn nguồn “quan chức tình báo giấu tên” khẳng định Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Khi đó, ngoại trưởng Mỹ Colin Powell đã lớn tiếng cáo buộc tổng thống Iraq Saddam Hussein chuẩn bị sử dụng loại vũ khí này. Mỹ khởi động cuộc chiến và xâm lược Iraq, lật đổ Saddam Hussein. Nhưng sau đó chẳng ai tìm thấy vũ khí hủy diệt hàng loạt ở nước này. Sự thật thì toàn bộ câu chuyện về “vũ khí hủy diệt hàng loạt” ở Iraq là giả mạo. “Có vẻ như lần này Mỹ cũng đang chơi lại trò cũ” - chuyên gia Volkhonsky nhận định.
Bộ binh phương Tây sẽ tham chiến
Không phải ngẫu nhiên Mỹ đưa ra tuyên bố trên ngay khi NATO cho phép Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tên lửa Patriot dọc biên giới với Syria. Tất cả là để chuẩn bị cho một cuộc tấn công. Xã luận báo The National (UAE) cho rằng thông tin “vũ khí hóa học” chỉ là chiêu để Mỹ và phương Tây có cớ can thiệp vào Syria.
Bởi quân đội Syria hiện có đủ vũ khí hiện đại để đối chọi với lực lượng nổi dậy, chẳng có lý do gì dùng vũ khí hóa học, rất thiếu hiệu quả trong các cuộc cận chiến và có thể gây nguy hiểm cho chính quân đội mình.
Giới chuyên gia quân sự nhận định trong trường hợp quân đội Syria có vũ khí hóa học thật, một chiến dịch quân sự tấn công vào quốc gia này sẽ ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Trong báo cáo gửi tới Viện Chính sách Cận Đông Washington, chuyên gia Michael Eisenstadt cho biết các cuộc không kích nhắm vào những cơ sở chứa vũ khí hóa học sẽ dẫn tới nguy cơ khí độc xả ra môi trường và đe dọa các khu vực dân cư lân cận.
Nhà phân tích David Hartwell thuộc Hãng tư vấn tình báo HIS Jane’s khẳng định để kiểm soát vũ khí hóa học Syria, Mỹ và phương Tây sẽ phải đưa bộ binh vào quốc gia Trung Đông.
Trước đó, báo New York Times đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ và các nước đồng minh đã lên sẵn một kế hoạch triển khai quân để truy tìm và phá hủy vũ khí hóa học Syria. Ước tính số lượng binh sĩ cần thiết lên đến 75.000 người. Nhưng triển khai bộ binh sẽ đòi hỏi không lực phương Tây phải triệt hạ được hệ thống phòng không của Syria trước.
Ngoài ra, chính quyền Tổng thống Obama lại không sẵn sàng điều quân quy mô lớn tới một quốc gia Trung Đông khác sau Iraq. Do đó, chuyên gia Hartwell nhận định có thể các đội đặc nhiệm quy mô nhỏ của Mỹ, Anh, Pháp... sẽ âm thầm xâm nhập Syria qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Jordan, nơi mà trước đó Lầu Năm Góc đã đưa 150 đội đặc nhiệm đến.
Tạp chí The Week vừa lên tiếng kêu gọi Anh không nên tham chiến. Bởi Anh, cũng như nhiều nước phương Tây, đang kiệt quệ tài chính, và mối đe dọa “vũ khí hóa học” chưa rõ ràng là cái cớ đủ chính đáng để mở thêm một cuộc chiến.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận