26/11/2012 01:12 GMT+7

Còn lại gì sau biểu tình ở Bangkok?

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Các nhà kinh tế cảnh báo bất ổn chính trị mới có thể ảnh hưởng đến đầu tư và thương mại của Thái Lan, nơi mà biểu tình từng dẫn đến lật đổ chính phủ bất chấp các kết quả bầu cử.

Bangkok lại rung chuyển vì biểu tình

GGJUMaEa.jpgPhóng to

Người biểu tình đụng độ cảnh sát ở Bangkok hôm 24-11 - Ảnh: Reuters

Ngày 24-11, Bangkok lại trở thành sân khấu cho một cuộc biểu tình, và đã có đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát. Lực lượng an ninh đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông mà theo họ là đang muốn kích động bạo lực. Bangkok Post cho biết 138 người biểu tình đã bị cảnh sát bắt giữ, 82 người bị thương, trong đó có 29 cảnh sát và 1 binh lính.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ngày 24-11 cho biết chính phủ sẽ dỡ bỏ Luật an ninh nội địa (ISA) ở các quận trung tâm thủ đô khi nào các cơ quan an ninh nhận thấy tình hình đã trở lại bình thường.

Ảnh hưởng đến kinh tế

Giám đốc điều hành phụ trách nghiên cứu ở Công ty chứng khoán Phatra Supawut Saichua cho biết một số nhà đầu tư nước ngoài không muốn bạo lực diễn ra ở Thái Lan. Họ không hiểu rõ vì sao lại nổ ra cuộc biểu tình của Pitak Siam (Bảo vệ Siam). Những gì mà họ thấy là cảnh người biểu tình và cảnh sát đụng độ, nghĩa là một hình ảnh bất ổn mới ở Bangkok.

Ông Saichua nhận định chuyến thăm Thái Lan hồi tuần rồi của Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã giúp nâng cao hình ảnh của Bangkok cũng như giúp Thái Lan kêu gọi đầu tư quốc tế. Thế nhưng tình hình chính trị ở Thái Lan như đang tiềm ẩn bất ổn và điều này ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài vào Thái Lan trong tương lai.

Kể từ sau cuộc đảo chính năm 2006 đến nay, Thái Lan đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình lớn, có những cuộc dẫn đến bạo lực hoặc gây thiệt hại đáng kể. Theo Hãng tin DPA, cuộc biểu tình kéo dài hai tháng hồi năm 2010 của Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD) hay phe áo đỏ cùng việc chiếm khu mua sắm sầm uất của Bangkok, đốt phá, hôi của đã khiến Thái Lan thiệt hại khoảng 6,3 tỉ USD cùng 90 người thiệt mạng và gần 2.000 người bị thương. Trước đó, Liên minh Nhân dân vì dân chủ (PAD) hay phe áo vàng chiếm hai sân bay ở Bangkok năm 2008 gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, hàng ngàn hành khách bị mắc kẹt khi các chuyến bay bị hủy hoặc hoãn nhiều ngày.

Phát biểu trên báo Bangkok Post, ông Sanga Ruengwattanakul, chủ tịch Hiệp hội Những người kinh doanh khu phố Khao San, cho biết doanh số tại khu phố du lịch nổi tiếng này đã sụt giảm 25% vào đêm 23-11, một ngày trước cuộc biểu tình.

Phố Khao San nằm không xa địa điểm biểu tình ở đại lộ Ratchadamnoen Nok. Hiện có khoảng 1.000 người kinh doanh buôn bán ở khu vực phố Khao San với doanh số trung bình 800 triệu baht mỗi ngày (khoảng 26 triệu USD). Ngày 23-11, khu phố này đã mất khoảng 200 triệu baht.

Báo The Nation cho biết ít nhất 18 nước đã khuyến cáo công dân của họ về việc đi lại khi đến Bangkok. Mỹ, Anh, Canada, Úc khuyến cáo công dân tránh xa các khu vực áp dụng ISA ở trung tâm Bangkok. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Thái Lan nói những nước này chỉ khuyến cáo chứ không cảnh báo công dân họ không đến Thái Lan.

Câu lạc bộ các tướng về hưu

Cuộc biểu tình của Pitak Siam, theo con số cập nhật mới nhất, chỉ thu hút được khoảng 20.000 người tham gia, theo như số liệu của cảnh sát công bố, ít hơn rất nhiều so với con số mà lãnh đạo biểu tình - tướng về hưu Boonlert Kaewprasit kỳ vọng là 1 triệu người.

Thất vọng, tướng Boonlert phủi tay, tuyên bố chấm dứt sớm biểu tình và nói sẽ không lãnh đạo Pitak Siam nữa!

Cuộc biểu tình diễn ra một ngày trước phiên tranh luận bất tín nhiệm đối với chính quyền của Thủ tướng Yingluck tại quốc hội từ ngày 25 đến 27-11. Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ diễn ra ngày 28-11 nhưng theo các nhà quan sát, chính quyền của bà Yingluck sẽ dễ dàng thoát hiểm khi mà liên minh cầm quyền do Puea Thai lãnh đạo chiếm đến 3/5 số ghế trong hạ viện.

Giới quan sát nhận định không thể đoán được cuộc biểu tình sẽ đi về đâu và bản thân cuộc biểu tình cũng không tạo được một động lực nào. Hàng ngũ lãnh đạo Pitak Siam bị chia rẽ.

Báo Asie - Info ngày 24-11 nhận định phong trào Pitak Siam, hóa thân cuối cùng của phong trào chống Thaksin, đã bị phân hóa về mặt xã hội và bị câu lạc bộ các tướng về hưu lèo lái.

Tướng Boonlert, 69 tuổi, được mô tả như là một “lãnh đạo” của Pitak Siam, nhưng xem ra chỉ là một nhân vật bung xung. Tướng Prasong Soosiri, 85 tuổi, người xuất hiện trong cái bóng của tướng Boonlert, xem ra mới là “cái đầu” của Pitak Siam.

Được đào tạo tại trường tình báo không quân Mỹ và có biệt danh là “CIA của Thái Lan”, Prasong Soosiri đã là một trong số những nhà tổ chức cuộc đảo chính tháng 9-2006. Ông Prasong có ân oán riêng cần tính sổ với ông Thaksin, thủ tướng bị lật đổ năm 2006.

Năm 1994, ông Thaksin đã thành công khi đẩy Prasong ra rìa khỏi nội bộ Đảng Palang Dhamma và làm Prasong vuột chức bộ trưởng ngoại giao trong chính quyền của ông Chuan Leekpai. Và tướng không quân về hưu này đã không sao “tiêu hóa” nổi thất bại này.

“Như thường thấy ở Thái Lan, những cuộc đấu đá chính trị đều bị thúc đẩy, ít nhất là ở giới chóp bu lãnh đạo, bởi những cuộc tranh giành lợi ích và những cuộc trả thù cá nhân mờ ám” - báo này kết luận.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên