25/11/2012 06:47 GMT+7

Bangkok lại rung chuyển vì biểu tình

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Bangkok một lần nữa náo động vì biểu tình chống chính phủ. Không khí căng thẳng bao trùm khắp thủ đô Thái Lan do nguy cơ đụng độ lớn.

Zx5uWw2c.jpgPhóng to

Cảnh sát Thái Lan bắn hơi cay và đụng độ với người biểu tình - Ảnh: Reuters

Theo báo Bangkok Post, hôm 24-11 khoảng 12.000 thành viên phong trào chính trị mới Pitak Siam (Bảo vệ Thái Lan) đã đổ ra đường phố thủ đô Bangkok biểu tình chống chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Nhà chức trách đã huy động 17.000 cảnh sát và áp dụng luật an ninh nội địa để đảm bảo an ninh. Nhưng ngay từ sáng đụng độ đã xảy ra. Cảnh sát bắn hơi cay vào những người biểu tình quá khích khi họ cố phá hàng rào chắn ở khu vực gần trụ sở cơ quan đại diện Liên Hiệp Quốc.

Bộ trưởng nội vụ Chaarupong Ruangsuwan cho biết nhóm người này đã lái xe tải đâm vào một đội cảnh sát làm năm người bị thương nặng. Khoảng 300-400 người biểu tình xông vào đánh nhau với cảnh sát. Đến chiều đã có bảy cảnh sát bị thương và 132 người biểu tình bị bắt giữ. Cảnh sát còn thu giữ được từ người biểu tình rất nhiều loại vũ khí, trong đó có dao và cả đạn dược.

Bình mới rượu cũ

Báo The Nation cho biết nhóm Pitak Siam bao gồm rất nhiều thành viên cũ của phong trào “áo vàng” từng lật đổ chính phủ cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006 và chính quyền thân Thaksin năm 2008. Người lãnh đạo Pitak Siam là tướng quân sự về hưu Boonlert Kaewprasit. Ông này cáo buộc chính quyền của bà Yingluck tham nhũng và bị ông Thaksin giật dây. Nhóm biểu tình đòi bà Yingluck phải từ chức ngay lập tức.

"Các thành viên Pitak Siam cố tình kích động bạo lực"

Người phát ngôn Cảnh sát quốc gia Piya Uthayo

Người phát ngôn Cảnh sát quốc gia Piya Uthayo cáo buộc các thành viên Pitak Siam cố tình kích động bạo lực. “Họ không tuân thủ luật pháp, cố tình phá hàng rào. Do đó chúng tôi buộc phải dùng đến hơi cay” - ông Piya nhấn mạnh. Ngược lại, Pitak Siam chỉ trích cảnh sát đã dùng bạo lực trấn áp người biểu tình. “Cảnh sát phá vỡ cam kết là cho phép chúng ta biểu tình hòa bình. Họ muốn dẫn dụ chúng ta vào bạo lực” - ông Boonlert tuyên bố trước các thành viên Pitak Siam.

Ông Boonlert đe dọa sẽ trả đũa cảnh sát bằng chiêu xông vào chiếm tòa nhà chính phủ. Đây là đòn phe “áo vàng” đã sử dụng năm 2008 để lật đổ chính phủ thân Thaksin. “Nếu cảnh sát không ngừng trấn áp, tôi sẽ yêu cầu quân đội giúp đỡ chúng ta” - ông Boonlert lớn tiếng đe dọa. Theo báo Bangkok Post, hôm qua Thủ tướng Yingluck đã hủy bỏ mọi hoạt động và giám sát tình hình từ nhà riêng. Bà Yingluck chỉ trích Pitak Siam muốn dùng bạo lực để lật đổ chính phủ.

Có tin đồn các phe chống đối đang âm mưu bắt cóc nữ thủ tướng, do đó cảnh sát và quân đội đã siết chặt an ninh quanh nhà bà. Cũng có tin đám đông biểu tình sớm muộn sẽ kéo đến trước cửa nhà bà Yingluck. Thứ trưởng nội vụ Pracha Prasopdee chỉ trích Pitak Siam đang thao túng dư luận hòng lật đổ một chính quyền dân cử. Tướng Amnuay Thirachunha, thành viên Đảng cầm quyền Puea Thai, cảnh báo Pitak có thể tìm cách gây bạo động, tạo điều kiện cho quân đội can thiệp và nắm quyền. “Đó là cách duy nhất để lật đổ chính phủ” - ông Amnuay cho biết.

“Áo đỏ” sẵn sàng

Một số nhà phân tích cho rằng cuộc biểu tình này sẽ không đe dọa được chính quyền của bà Yingluck. “Khi cả chục nghìn người tập trung ở trung tâm Bangkok thì đó là một mối lo ngại của chính phủ - báo Huffington Post dẫn lời giáo sư chính trị Thitinan Pongsudhirak thuộc ĐH Chulalongkorn nhận định - Nhưng đó là mối lo ngại nghiêm trọng hơn là mối đe dọa nghiêm trọng”. Số lượng người biểu tình Pitak Siam xuất hiện cũng ít hơn nhiều so với dự tính 70.000 người.

Nhưng vẫn còn một mối đe dọa khác đáng sợ hơn. Nguồn tin Bangkok Post cho biết hôm qua, phong trào “áo đỏ” UDD đã kêu gọi các thành viên chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với cuộc biểu tình của Pitak Siam. Chủ tịch UDD Tida Tawornseth kêu gọi các thành viên “áo đỏ” tập trung trong các khu vực của họ ở Bangkok, theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến để “sẵn sàng xông ra đối đầu với nhóm biểu tình Pitak Siam”.

Tuy nhiên, bà Tida khẳng định các thành viên “áo đỏ” cần bình tĩnh và không hấp tấp hành động nếu không có sự đồng ý của bà hoặc hai thủ lĩnh “áo đỏ” là Jatuporn Prompan và Natthawut Saikuar. Giới truyền thông Thái Lan bày tỏ sự lo ngại một cuộc “nội chiến” thu nhỏ sẽ nổ ra ở Bangkok nếu Pitak Siam và “áo đỏ” đụng độ.

Cuộc biểu tình của Pitak Siam đã chấm dứt bầu không khí có phần êm ả trên chính trường Thái Lan kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 2011, khi Đảng Puea Thai của bà Yingluck giành chiến thắng vang dội. Những năm trước đó, biểu tình chống chính phủ liên tục nổ ra kể từ năm 2006. Hai tháng biểu tình của “áo đỏ” năm 2010 dẫn đến cuộc trấn áp đẫm máu của quân đội, làm 91 người thiệt mạng và hơn 1.700 người bị thương.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên