Phóng to |
Chiến trường Gaza có thể là một trong những điểm xung đột lâu đời nhất trên thế giới, nhưng vũ khí sử dụng trong cuộc chiến này đã có thay đổi lớn. Chính phủ Israel ngày 18-11 thừa nhận họ đang trở thành mục tiêu của một cuộc chiến tranh mạng quy mô lớn trong những ngày qua.
“Đây là một đợt tấn công chưa từng thấy” - Bộ trưởng tài chính Yuval Steinitz cho biết tại cuộc họp nội các. Hầu hết mục tiêu của tin tặc là các trang web chính phủ như của văn phòng thủ tướng, các trang web an ninh quốc phòng như của Bộ chỉ huy mặt trận nội địa (IDF) - cơ quan chịu trách nhiệm về bảo vệ Israel trong trường hợp bị tấn công. “Các tin tặc đang cố vô hiệu hóa các biểu tượng cho chủ quyền của Israel, đột nhập các trang web và cài đặt những nội dung chống Israel, rồi xâm nhập các dữ liệu, thông tin và phá hoại năng lực của chính phủ trong việc phục vụ người dân” - ông Steinitz nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cả hai phe trong cuộc chiến ở Gaza cũng sử dụng mạng xã hội như công cụ để đả kích đối phương. “Cuộc chiến này đang diễn ra trên ba mặt trận - một chỉ huy thông tin cấp cao của Israel Carmela Avner mô tả với Reuters - Thứ nhất là cuộc chiến hữu hình, thứ hai là trên mạng xã hội và thứ ba là chiến tranh mạng máy tính”.
44 triệu cuộc tấn công
Ông Steinitz cho biết từ ngày 14 đến 18-11, Tel Aviv “đã phát hiện 44 triệu cuộc tấn công nhắm vào các trang mạng chính phủ”. Trang của tổng thống Israel hứng chịu 10 triệu cuộc tấn công, trong khi 7 triệu cuộc tấn công nhắm vào Bộ Ngoại giao và 3 triệu cuộc tấn công nhắm vào trang của Thủ tướng Netanyahu. Các trang về quốc phòng bị tấn công nhiều vô số kể. Tuy nhiên, bộ trưởng tài chính khẳng định tất cả nỗ lực của tin tặc đều bị chặn đứng, ngoại trừ một trường hợp bị đánh sập trong vài phút.
Ông Steinitz từ chối tiết lộ chi tiết ai hoặc quốc gia nào đứng sau các cuộc tấn công. Trong khi đó, một người phát ngôn của Bộ Tài chính cho biết các cuộc tấn công xuất phát từ nhiều nơi trên thế giới nhưng phần lớn tập trung tại Israel và Palestine. Đội an ninh máy tính của Israel đã lần theo nhiều cuộc tấn công có địa chỉ mạng tại Mỹ và châu Âu.
Dù tuyên bố của Israel không đề cập đến nhóm tin tặc quốc tế Anonymous, nhưng nhóm này mới đây đã thề sẽ đánh sập hệ thống máy tính của Israel. Trong thông điệp tung ra ngày 18-11, nhóm tin tặc khét tiếng này cảnh báo “chúng tôi sẽ công kích tất cả trang mạng của Israel để trả đũa cho hành động đàn áp người dân tại Gaza”. Nhóm này giải thích những gì đang diễn ra tại đây không phải là chiến tranh khi mà người Palestine thậm chí không có quân đội, hải quân hay không quân. Tuy nhiên, Anonymous khẳng định việc tấn công không nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với các chiến dịch quân sự của Palestine mà chỉ “bảo vệ quyền của người dân Palestine”.
Một ngày trước đó, Anonymous tuyên bố đã đột nhập gần 700 trang web của Israel, gồm trang của Ngân hàng Jerusalem, Bộ Quốc phòng, trang blog của IDF, văn phòng tổng thống... Trên trang riêng Anonpaste.me, nhóm này đã công bố thư điện tử của 5.000 quan chức Israel. Nhiều nhóm tin tặc khác cũng tham gia chiến dịch mạng chống Israel, như nhóm tin tặc Pakistan khi đánh sập trang của Công ty Groupon tại Israel. Giới quan sát nhận định cuộc chiến kỹ thuật số đang có dấu hiệu gia tăng. “Tháng 11-2012 sẽ là tháng đáng nhớ cho quốc phòng Israel và lực lượng an ninh Internet. Nó sẽ trở thành một cuộc chiến tranh mạng”, nhóm Anonymous tuyên chiến.
Cuộc chiến trên mạng xã hội
Các trang mạng xã hội cũng được sử dụng như chiến trường cho cuộc chiến thông tin giữa Israel và Palestine.
Lực lượng quốc phòng Israel (IDF) đang tận dụng mọi nền tảng mạng xã hội từ Facebook, YouTube, Twitter đến Instagram để truyền tải chiến dịch của mình tại Gaza cũng như phát cảnh báo đến Hamas. Sau khi ám sát chỉ huy quân sự Ahmed Jabari của Hamas, Tel Aviv đã đăng một câu châm chích trên Twitter rằng “sẽ không một đặc vụ Hamas nào, từ cấp cao đến thấp, dám chường mặt ra trong những ngày tới”. Các trang của IDF luôn tràn ngập thông tin giải thích những mối đe dọa từ Gaza và kêu gọi sự ủng hộ với quyền tự vệ của Israel. Ngược lại, các tay súng Palestine cũng không bỏ qua mạng xã hội để kêu gọi sự đồng cảm của quốc tế, như đăng tải những “tội ác của Israel” đối với dân thường trong những đợt tấn công vừa qua.
Việc “vũ khí hóa” mạng xã hội không phải là điều quá mới mẻ. Tại Afghanistan, cả Taliban và liên quân NATO cũng đã có những cuộc khẩu chiến trên Twitter. Nhưng cuộc xung đột tại Gaza cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong bản chất các cuộc chiến thông tin. Các trang mạng như Twitter đều im lặng trước cuộc chiến này, chỉ xóa bỏ những đe dọa mang tính bạo lực, hay như Google cũng chỉ giải thích “nếu chúng tôi không làm điều đó thì người khác sẽ làm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận