Phóng to |
Như có hai nước Mỹ đang đứng trước Trung tâm Bank United của Đại học Miami ngày 11-10-2012: một nước Mỹ của sao, một nước Mỹ của sọc. - Ảnh: AFP |
Mọi dấu hiệu đều cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và đối thủ Đảng Cộng hòa Mitt Romney đang cực kỳ căng thẳng, so kè từng lúc và rượt đuổi sát nút. Khảo sát mới nhất của Đài CBS News, báo New York Times và Đại học Quinnipiac cho thấy ông Obama đang dẫn trước ông Romney với tỉ lệ ủng hộ 48-47% trên phạm vi cả nước. Khảo sát khác của Đài truyền thanh NPR lại cho kết quả ngược lại: 47-48%.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà báo nổi tiếng Glenn Kessler của tờ Washington Post khẳng định sự căng thẳng đó là bằng chứng phản ánh rõ nét sự chia rẽ trầm trọng đang diễn ra trên chính trường và trong cả xã hội Mỹ. Nhà báo này mô tả cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012 là “cuộc bầu cử dựa trên sự lôi kéo lớp cử tri cốt lõi”. Có nghĩa là ứng cử viên đảng này không quan tâm cử tri đảng kia muốn gì, mà chỉ tập trung vận động càng nhiều cử tri đảng mình đi bỏ phiếu càng tốt.
Tương tự, các cử tri hai bên cũng chẳng thèm quan tâm liệu các chính sách của ứng cử viên đảng kia có hợp lý, đúng đắn hay không, hay ứng cử viên đảng mình có thật sự xứng đáng. Họ bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng mình chỉ để chống lại đảng kia. Như cử tri Đảng Cộng hòa Donald LaPointe ở thành phố Sioux (bang Iowa) khẳng định: “Mitt Romney không phải là sự lựa chọn mà tôi hài lòng, nhưng tôi phải bỏ phiếu chống Obama và Đảng Dân chủ”.
Êkip tranh cử hai phía ồ ạt tung ra quảng cáo nói xấu đối thủ bất chấp những lời tố cáo này đúng hay sai, và cử tri đôi bên mù quáng tin vào những thông điệp đó bất kể đâu là sự thật. Chẳng hạn, mới đây phe Romney đăng quảng cáo buộc tội ông Obama giải cứu ngành công nghiệp ôtô Mỹ hồi năm 2008 chỉ là để cho Hãng GM cắt giảm việc làm ở Mỹ và tăng cường tuyển dụng ở Trung Quốc. Phía GM khẳng định đó là lời bịa đặt trắng trợn! Nhưng khi được hỏi tại sao lại vận động mọi người đi bỏ phiếu, cử tri Cộng hòa Jim Roscovius ở thành phố Sioux liệt kê hàng loạt lý do và thêm vào chuyện Obama đổ tiền cho GM để hãng này sa thải công nhân Mỹ và tạo công ăn việc làm ở Trung Quốc. Nói chung, cử tri đôi bên sẵn sàng tìm bất cứ lý do nào để nói xấu và hạ bệ đảng phái đối thủ bất chấp đúng sai.
Cử tri Cộng hòa khăng khăng cho rằng Tổng thống Obama tăng gánh nặng thuế má lên đầu người dân. Thậm chí nhiều người quá khích còn khăng khăng quả quyết ông là người Hồi giáo, muốn hủy diệt nước Mỹ. Ngược lại, cử tri Dân chủ lại chắc chắn ông Romney sẽ tiêu diệt tầng lớp trung lưu vì lợi ích của giới nhà giàu. Đáng sợ là họ không có ý định tìm hiểu xem những điều đó đúng hay sai.
Nhiều cử tri Cộng hòa quá khích gọi cử tri Dân chủ là “libtard” (lũ thiểu năng), còn cử tri Dân chủ quá khích lại gọi cử tri Cộng hòa là “republithug” (bọn kẻ cướp). Bà Joan Tozier, tình nguyện viên văn phòng Đảng Dân chủ ở Sioux, thừa nhận lâu lắm rồi bà không thể nói chuyện một cách thoải mái và thân tình với cử tri Cộng hòa. Bất cứ cuộc đối thoại nào cũng dẫn đến xung đột về quan điểm và cuối cùng là cãi cọ.
Trên thực tế, nền chính trị phân tuyến của Mỹ luôn tạo ra sự chia rẽ về tư tưởng chính trị. Trong cuộc bầu cử năm 2008, ông Obama đại thắng trước đối thủ John McCain với chênh lệch phiếu đại cử tri rất cách biệt: 365-173. Tuy nhiên, xét về tỉ lệ phiếu phổ thông, sự chênh lệch không quá lớn: 53-46%. Nghĩa là sau tám năm biến động dưới thời cựu tổng thống George Bush, cử tri Cộng hòa (chiếm gần 50% tổng số cử tri Mỹ) vẫn bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, chuyên gia chính trị Mark Jurkowitz thuộc Trung tâm Nghiên cứu Pew đánh giá chưa bao giờ sự chia rẽ lại gay gắt và quyết liệt như hiện nay. Người dân căm ghét lẫn nhau. Còn ở quốc hội, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ không sao tìm được tiếng nói chung trong gần như mọi vấn đề. Ngay đến giới truyền thông cũng bị phân tuyến hoặc về phe này hoặc về phe nọ. Hãng Fox News có tiếng là thân hữu, bị cử tri Dân chủ gọi là Fraud News (hãng tin giả mạo). Hãng MSNBC bị coi là thân tả và cũng bị cử tri Cộng hòa phỉ báng.
Sau ngày 6-11, dù ông Obama hay ông Romney lên nắm quyền cũng đều khó có thể hàn gắn hố sâu ngăn cách khổng lồ này, ít nhất là trong nhiệm kỳ bốn năm tới.
Hai nước Mỹ Nhận định về cuộc bầu cử Mỹ 2012, trong loạt bài “Hai nước Mỹ”, báo Le Monde của Pháp ngày 3-11 cho rằng ngoài hố ngăn cách từ lâu giữa Dân chủ và Cộng hòa, đã có thêm những đứt gãy mới do cuộc khủng hoảng tạo ra, như khoảng cách giữa 1% nhà giàu và phần còn lại của xã hội, những chia rẽ giữa người Mỹ da trắng và người Mỹ gốc Latin mà hiện số dân đã tăng lên 40% trong khoảng thời gian từ năm 2001-2010, vốn sẽ ảnh hưởng lớn trong các cuộc bầu cử. Các hố ngăn cách này được dự báo sẽ “giết chết từ trong trứng nước” nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Obama nếu như ông tái đắc cử. Tất cả các cuộc thăm dò đều đang cho thấy khi bầu lại 435 thành viên của hạ viện thì ở Washington cũng sẽ xuất hiện tình hình là cơ quan này sẽ do những người Cộng hòa thống trị. Tương tự, thượng viện sẽ do đa số những người Dân chủ chi phối, giống hệt như hiện nay. Tại sao? Báo này viết: “Bởi vì ở Mỹ, những quan điểm chính trị địa phương là cốt lõi và có thể lấn lướt các quan điểm chính trị quốc gia. Bởi vậy, như thường thấy, các bang có thể bầu cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống, nhưng, cùng ngày lại có thể bầu cho một thống đốc thuộc Cộng hòa hay cho các nghị sĩ Cộng hòa. Khả năng lớn nhất là nếu như tái đắc cử, ông Obama sẽ lại phải đối mặt với một quốc hội giống y hiện nay. Một hạ viện của phe Cộng hòa và một thượng viện của phe Dân chủ. Điều này đã từng hủy hoại hai năm cuối nhiệm kỳ đầu của ông Obama ở Nhà Trắng, đến mức ông đã phải đối mặt với một đảng Cộng hòa chỉ còn biết phá rối, chỉ còn biết máy móc phủ quyết tất tật những gì Nhà Trắng đưa ra với mục tiêu trên hết là làm suy yếu ông Obama hơn là chú tâm đến những lợi ích của đất nước”. Vẫn quyết liệt trong những ngày cuối Tổng thống Mỹ Obama và ứng cử viên Cộng hòa Romney đang dồn lực cho những ngày cuối cùng ở các bang miền Trung Tây, khu vực được cho là sẽ quyết định người chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng. Theo Reuters, cuộc “so găng” đang diễn ra quyết liệt sau khi Chính phủ Mỹ công bố thông tin tỉ lệ thất nghiệp trong tháng 10 tăng lên 7,9% nhưng được cho là quá nhỏ để đảo ngược chiều tỉ lệ thất nghiệp đã giảm xuống vào tháng 9. Tại Wisconsin, nơi kết quả thăm dò cho thấy ông Romney đang theo sát ông Obama, ứng cử viên Cộng hòa đang cố khai thác báo cáo về việc làm này để tố cáo sự thất bại của ông Obama. Cùng lúc, tại bang Ohio, ông Obama lập tức đáp trả khi nhấn mạnh báo cáo này cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng và “chúng ta đã đạt được những bước tiến thật sự”. Ông Obama cũng chỉ trích ông Romney đang tìm cách gây lo lắng cho cử tri trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm giành lấy lợi thế ở Ohio khi “hù dọa” rằng Hãng Chrysler đang tính chuyển sản xuất xe Jeep sang Trung Quốc! Chrysler đã bác bỏ thông tin của ông Romney và tuyên bố họ sẽ tuyển thêm nhân lực để sản xuất ở Ohio. “Tôi biết bầu cử đã cận kề nhưng đây không phải là trò chơi. Đây là việc làm của người dân, là cuộc sống của người dân - ông Obama nhấn mạnh - Anh đừng dọa những người Mỹ làm việc cần cù chỉ để giành thêm vài lá phiếu”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận