02/06/2012 07:18 GMT+7

Đưa Trung Quốc vào mối quan hệ hợp tác

KHỔNG LOAN
KHỔNG LOAN

TT - Hôm nay 2-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta có bài phát biểu tại Hội nghị an ninh châu Á (Đối thoại Shangri-La) ở Singapore. Trước đó ông khẳng định Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương.

zQdt4cz8.jpgPhóng to

Loại tàu chiến gần bờ mà hải quân Mỹ sẽ triển khai tại Singapore - Ảnh: Navy.mil

Tiến sĩ John Chipman, tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - nhà tổ chức Đối thoại Shangri-La, mô tả sự kiện này đã trở thành “một diễn đàn không thể thiếu” đối với ngoại giao quốc phòng châu Á. Ông cho biết tại hội nghị, “yếu tố Trung Quốc” sẽ đóng vai trò chính và các quan chức tham dự “sẽ dành nhiều thời gian để thảo luận về vấn đề biển Đông”.

Đưa tin về Đối thoại Shangri-La, báo chí Trung Quốc tiếp tục bày tỏ quan điểm cứng rắn. Tờ Bưu Điện Thượng Hải mô tả các chủ đề thảo luận tại đây “đều đối nghịch với Trung Quốc” và đặt câu hỏi liệu các nước có bắt tay nhau gây áp lực với Trung Quốc về vấn đề biển Đông hay không. Tờ Văn Hối của Hong Kong cho rằng Mỹ muốn khuấy chuyện biển Đông để “nắn gân” Trung Quốc.

Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các nước châu Á

Theo Hãng tin AFP, trước thềm Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta tuyên bố theo chiến lược mới, Washington sẽ đưa thêm binh sĩ và vũ khí công nghệ cao đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thập kỷ tới. Lầu Năm Góc sẽ thực hiện kế hoạch này thông qua sự phối hợp chặt chẽ với các quốc gia đồng minh và đối tác, thay vì thiết lập căn cứ quân sự tại khu vực.

Ông Panetta cho biết thay vì xây dựng các căn cứ, quân đội Mỹ sẽ triển khai hàng loạt tàu chiến, máy bay chiến đấu, binh sĩ... đến các nước đồng minh và đối tác cho phép Mỹ tiếp cận hải cảng, sân bay, các cơ sở quân sự... Lực lượng Mỹ sẽ tham gia các cuộc tập trận chung, huấn luyện và các chiến dịch quân sự trong khu vực. “Chúng tôi đang tiến tới một mối quan hệ rất sáng tạo với các nước đồng minh và đối tác” - ông Panetta cho biết.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho biết Washington đang thử nghiệm mô hình này ở Úc. Theo thỏa thuận giữa Mỹ và Úc, Washington sẽ triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ đến căn cứ luân chuyển Darwin ở miền bắc nước Úc. “Chúng tôi đang phát triển cách tiếp cận tương tự tại Philippines và những nơi khác” - ông Panetta tiết lộ. Nguồn tin báo Wall Street Journal cho biết Mỹ muốn có một căn cứ tương tự Darwin ở Philippines. Ngoài ra, ông Panetta đã thảo luận với tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Samuel Locklear về các địa điểm khác trong khu vực.

Ông Panetta khẳng định Washington sẵn sàng cung cấp vũ khí, hỗ trợ kỹ thuật và những hình thức hỗ trợ khác cho các quốc gia châu Á dựa trên nhu cầu của mỗi nước. “Đây không phải là chiến lược kiềm chế Trung Quốc, mà là chiến lược đưa Trung Quốc vào mối quan hệ hợp tác” - bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho biết.

Một châu Á đa cực

Theo Hãng tin Bernama, phát biểu tại Malaysia trong chuyến công du châu Á ngày 31-5, hai nghị sĩ Mỹ Joseph Lieberman và John McCain khẳng định Mỹ không có ý định để Trung Quốc chiếm vị trí độc tôn trên biển Đông. Ông McCain và ông Lieberman cho biết Chính phủ Mỹ không ủng hộ việc Trung Quốc đòi đối thoại song phương với các nước về vấn đề chủ quyền trên biển Đông.

Thay vào đó, cả hai cùng lên tiếng kêu gọi thảo luận đa phương giữa các nước như ASEAN đề xuất. Ông Lieberman cho biết Mỹ không định đối đầu hay kìm kẹp Trung Quốc, nhưng không đơn giản chấp nhận bất kỳ điều gì Trung Quốc muốn. “Mấu chốt là bảo vệ tự do đi lại trên biển và an ninh hàng hải. Chúng tôi không đồng ý với việc Trung Quốc đòi chủ quyền hầu hết biển Đông. Điều này không công bằng cho những nước cũng khẳng định chủ quyền tại đây” - nghị sĩ Lieberman nhấn mạnh.

Theo tiến sĩ Chipman, tại Đối thoại Shangri-La các nước sẽ thảo luận về việc chi tiêu quốc phòng ở châu Á, đặc biệt là của Trung Quốc, tăng mạnh trong năm nay. “Câu hỏi đặt ra là việc tăng chi tiêu quốc phòng nhằm mục tiêu hiện đại hóa hay để cạnh tranh sức mạnh” - tiến sĩ Chipman cho biết và khẳng định hầu hết các nước châu Á đều muốn có một châu Á đa cực. “Các nước đều lo ngại việc Trung Quốc đòi đa cực trên phạm vi toàn cầu nhưng không muốn như vậy ở châu Á” - ông Lieberman nói.

Tại sao Trung Quốc không cử quan chức cấp cao?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panneta sẽ đảm bảo với các đồng minh và đối tác rằng Mỹ sẽ thực hiện các cam kết an ninh trong khu vực. “Ông Panetta sẽ tiếp tục nhấn mạnh chính sách của Mỹ về biển Đông là không đứng về bên nào nhưng phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ”.

Về việc Trung Quốc chỉ cử một phái đoàn quân sự cấp trung đến dự Đối thoại Shangri-La, giáo sư Thayer cho rằng Bắc Kinh muốn giữ quan điểm giải quyết tranh chấp biển Đông bằng đối thoại song phương. Còn Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn quốc tế. “Hơn nữa, Trung Quốc không muốn bị vây hãm trong một môi trường mà họ không thể kiểm soát được. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và thượng nghị sĩ Mỹ Joseph Lieberman sẽ phát biểu tại đây và chắc chắn đều chỉ trích chính sách của Trung Quốc” - giáo sư Thayer cho biết.

KHỔNG LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên