Phóng to |
Hải quân Mỹ và Philippines tập trận chung trên biển - Ảnh: US Navy |
Cựu đại sứ Mỹ tại Manila (Philippines) J. Stapleton Roy đã khẳng định như vậy bên lề hội nghị ASEAN - Mỹ ngày 21-5. Trong khi đó, căng thẳng trên biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc tiếp tục leo thang. Có thông tin Bắc Kinh đã điều một số tàu chiến đến gần khu vực bãi cạn Scarborough. Trước đó, Ngoại trưởng Philippines Del Rosario tuyên bố sẽ đưa tranh chấp bãi cạn Scarborough ra hội nghị ASEAN - Mỹ.
Báo Philippine Star dẫn lời cựu tổng thư ký ASEAN Rodolfo Severino Jr., đồng chủ tịch cuộc họp ASEAN - Mỹ, cho biết ASEAN luôn giữ quan điểm trung lập về Trung Quốc và Mỹ. “ASEAN đã đưa ra quan điểm là sẽ không để bị ép buộc nghiêng về phía nào, Trung Quốc hay Mỹ” - ông Severino Jr. nhấn mạnh.
Dựa trên nền tảng kinh tế
Cựu đại sứ Mỹ J. Stapleton Roy khẳng định Washington không gây khó cho ASEAN. Ông cho rằng không nên hiểu việc Mỹ trở lại châu Á là để ngăn chặn Trung Quốc. Bởi, như ông nhấn mạnh, “nếu chúng tôi tiếp cận theo hướng này thì sẽ thất bại vì không ai ủng hộ cách tiếp cận này cả”.
Theo ông Roy, sẽ là một sai lầm nếu ép buộc ASEAN đứng về một phía bởi cả Đông Nam Á, Đông Bắc Á cũng như Mỹ đều có các mối quan hệ quan trọng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc. Thế nhưng, ông cũng thừa nhận nhiều người Mỹ cho rằng lý do duy nhất để Mỹ “tái tập trung” mối quan tâm của mình ở khu vực Đông Nam Á là do sự bành trướng của Trung Quốc. Song, theo ông, chính tiềm năng kinh tế khổng lồ của ASEAN mới là điểm mấu chốt cho sự hiện diện của Mỹ trong khu vực này. Nhà ngoại giao này cũng khẳng định cam kết tăng cường quan hệ với ASEAN là có lợi cho nền kinh tế Mỹ, do tiềm năng kinh tế của khu vực này lớn gấp 3 lần đầu tư của Mỹ ở Trung Quốc và gấp 9 lần ở Ấn Độ.
“Washington đang muốn hiện diện dài lâu ở Đông Nam Á và tiếp tục tạo điều kiện hòa bình và ổn định, bởi đây là nền móng cơ bản cho tăng trưởng kinh tế của khu vực” - ông Roy khẳng định.
Trung Quốc đưa tàu chiến đến biển Đông
Trong khi đó, bất chấp quan ngại của các nước trong khu vực, căng thẳng trên biển Đông vẫn tiếp tục leo thang khi hàng loạt tàu tuần tra và tàu chiến của Trung Quốc vẫn xuất hiện luẩn quẩn trong khu vực. Báo Philippine Star ngày 20-5 cho biết Bắc Kinh đã điều năm tàu chiến đến biển Đông gần Philippines. Đội tàu này có hai chiếc khu trục Quảng Châu và Vũ Hán 052B, hai tàu khu trục nhỏ Ngọc Lâm và Sào Hồ 054 và một tàu vận chuyển đổ bộ Côn Luân Sơn 071. Có tin cho biết nhóm tàu này đang làm nhiệm vụ huấn luyện thường niên trên biển Đông. Tuy nhiên, phía Philippines cho rằng sự có mặt của đội tàu này là nhằm hỗ trợ các tàu ngư chính và hải giám ở quanh bãi cạn Scarborough trong trường hợp tranh chấp nổ ra.
Tờ Đa Duy của Đài Loan cho rằng năm tàu này được điều đến gần Philippines nhằm phản ứng sự có mặt của tàu ngầm hạt nhân USS North Carolina của Mỹ ở vịnh Subic hôm 14-5 và nhằm thị uy với Philippines và các nước xung quanh.
Bộ Quốc phòng Philippines kêu gọi người dân Philippines không nên quá quan ngại về thông tin năm tàu này xuất hiện trong khu vực biển Đông. Báo Daily Inquirer dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez cho biết việc tàu thuyền của các nước đi lại ở biển Đông cũng không có gì lạ, vì đây là động thái bảo vệ tự do hàng hải của họ. Song ông Galvez lại nhấn mạnh Manila sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn tiến ở biển Đông.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết ông sẽ tham gia cuộc họp cấp cao “Vai trò của các nước thành viên trong sự hòa giải” do Liên Hiệp Quốc (LHQ) tổ chức ngày 23-5. Đây là một cuộc họp cấp cao nhằm tạo diễn đàn thảo luận về vai trò của các nước thành viên LHQ trong việc hòa giải một cách hòa bình các cuộc tranh chấp hoặc ngăn chặn xung đột trên thế giới. Theo ông Del Rosario, việc LHQ mời Philippines đến dự cuộc họp này cho thấy LHQ đã xem Philippines là quốc gia đi đầu trong hòa giải và là nước đề xướng luật pháp quốc tế cũng như Công ước LHQ về luật biển trong những xung đột với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough và các đảo tranh chấp khác trên biển Đông. Manila từng yêu cầu Bắc Kinh đồng ý phương pháp hòa giải quốc tế trước khi đưa tranh chấp lên Tòa án quốc tế về luật biển, song Bắc Kinh đã bác bỏ và yêu cầu đàm phán song phương. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận