Liệu tới đây, từ ngày 6-5, bà sẽ còn lưu ngụ tại điện Elysée hay nhường chỗ cho “cô bạn” mới của ông François Hollande?
Sarkozy và Hollande chỉ trích nhau trên truyền hìnhÔng Sarkozy kiện trang web MediapartBê bối bủa vây SarkozyHi vọng cuối cùng cho Sarkozy
Phóng to |
Bà Valérie Trierweiler - trợ thủ của ông François Hollande trong chiến dịch vận động bầu cử - Ảnh: Reuters |
Thứ tư tuần trước, bà Carla Bruni-Sarkozy đã khẽ tiết lộ rằng “ông ấy sẽ không từ giã chính trị đâu” - tờ Nouvel Obersvateur ngày 25-4 “bật mí”. Điều mà bà Sarkozy nói phủ định quả quyết trước đó của ông Sarkozy: “Tôi đã từng trải rồi, không hám gì quyền lực đâu!”.
Những phát biểu trong hậu trường như thế là chuyện hằng ngày của đệ nhất phu nhân Carla Bruni-Sarkozy trong chiến dịch tranh cử này. Người mẹ mới sinh con vào tháng 10 năm ngoái rất thường “tòng phu” đi vận động quần chúng cho đấng lang quân. Khi thì tại một buổi họp của Đảng cầm quyền UMP ở Bordeaux, lúc thì ở buổi gala tôn vinh những quân nhân Pháp thương vong trong trận mạc (chẳng phải “ông xã” Sarkozy tháng 3 năm ngoái đã “hùng dũng” cầm trịch cuộc can thiệp “cấm bay” ở Libya, hay đã từng tăng phái quân Pháp sang Afghanistan chiến đấu trước khi lo “đánh bài chuồn” sau khi tình hình ở đấy đã thối rữa?).
Cùa người phước ta
Ông Hollande chia tay bà Ségolène Royal để xuất hiện với bà Valérie Trierweiler, một nhà báo chuyên phỏng vấn chính trị khá nổi tiếng vừa ly dị với ông chồng thứ nhì tên là Denis Trierweiler |
Trước chiến dịch tranh cử, trong thời khóa biểu của bà đệ nhất phu nhân, hoạt động chiếm nhiều thời gian và “đất đai” trên trang web www.carlabrunisarkozy.org chính là công chuyện của tổ chức thiện nguyện mang tên bà (Carla Bruni Foundation).
Một tổ chức xã hội chuyên chống nạn mù chữ mới chỉ từ tháng 4-2009 đến tháng 9-2011 đã quyên góp tiền bạc dư đủ để cấp được đến 2,49 triệu euro học bổng, hỗ trợ 60 hội đoàn khác (1)... thì quả là “ăn khách”! Vấn đề là sự ăn khách đó đến từ sự hấp dẫn quyên góp của bà chủ tịch Carla Bruni-Sarkozy hay vì cái gì khác?
Đầu năm nay, tạp chí Marianne (2) đã tung ra một bài điều tra, theo đó tổ chức thiện nguyện của bà Sarkozy đã nhận được tiền của Quỹ toàn cầu chống bệnh AIDS qua bình phong của những tổ chức thiện nguyện khác do thân hữu của bà đứng tên. “Xìcăngđan” ở chỗ số tiền đó (lên đến 2,7 triệu euro) lẽ ra đã có thể được dùng để mua thuốc cho bệnh nhân HIV trên toàn cầu, thì lại được chuyển lòng vòng đến tổ chức của bà Sarkozy để bà làm việc thiện chống nạn mù chữ! Đáng nói hơn nữa là bà Sarkozy lại đang là “đại sứ của Liên Hiệp Quốc về bảo vệ bà mẹ và trẻ em chống lại bệnh AIDS”.
Một tuần sau, tờ Marianne (3) lại khui tiếp việc chuyển khoản từ Quỹ toàn cầu chống bệnh AIDS lòng vòng đến tổ chức của bà Sarkozy là nhờ bác sĩ người Pháp Michel Kazatchkine, giám đốc quỹ này. Hậu quả của vụ lùm xùm này là Chính phủ Pháp phải rút Michel Kazatchkine do sức ép của Mỹ, quốc gia đóng góp cả tỉ USD cho quỹ này trong khi Pháp góp 300 triệu euro.
Cũng tội nghiệp cho bà Sarkozy, trước giờ chỉ biết đàn hát (khá hay) và biểu diễn thời trang, nay lên làm đệ nhất phu nhân mà không dựng được cho mình một tổ chức thiện nguyện như các phu nhân tiền nhiệm thì cũng dở, mà dựng nên xong thì “dính chấu”!
Phóng to |
Đệ nhất phu nhân Carla Bruni-Sarkozy rời phòng bỏ phiếu ở vòng 1 cuộc bầu cử tại Paris ngày 22-4 - Ảnh: Reuters |
Hai đệ nhất phu nhân trong một nhiệm kỳ
Thật ra, đệ nhất phu nhân đầu tiên tháp tùng ông Sarkozy vào điện Elysée hôm 16-5-2007 là bà Cécilia Maria Sara Isabel Sarkozy. Chỉ năm tháng sau, hai ông bà chia tay qua một loan báo vỏn vẹn một câu của Phủ tổng thống hôm 18-10 rằng “bà Cécilia và ông Nicolas Sarkozy loan báo sự thuận tình chia tay của họ. Họ không bình luận gì”.
Ông Sarkozy gặp bà Cécilia lần đầu tiên năm 1984 khi ông, trong chức trách thị trưởng thành phố Neuilly-sur-Seine, chủ sự hôn lễ của bà Cécilia với ông Jacques Martin. Không rõ ông thị trưởng và nữ công dân đã “tiếng sét ái tình” với nhau lúc nào song đến 15 năm sau họ mới công khai chung sống khi bà này đã có với ông chồng kia hai mặt con.
Mãi đến năm 1996, ông Sarkozy mới xong thủ tục ly hôn với người vợ đầu là bà Marie-Dominique Culioli, người có hai con với ông. Ấy thế mà sau hơn 15 năm chung sống và có chung với nhau một mặt con, bà Cécilia và ông Sarkozy lại chia tay khi cả hai vừa mới chân ướt chân ráo vào ngụ trong điện Elysée, bà Cécilia “ôm cầm sang thuyền khác”!
Tối tăm mặt mũi vì chuyến sang ngang của bà Cécilia, ông Sarkozy, bây giờ đã là tổng thống, bị tiếng sét ái tình một lần nữa vào tháng 11 sau đó với Carla Bruni, một ca sĩ, cựu người mẫu. Đến ngày “song nhị” 2-2-2011, ông bà kết hôn trong vòng thân mật ở điện Elysée - ông kết hôn lần thứ ba, bà kết hôn lần thứ nhì.
Cuộc hôn nhân đột ngột của Tổng thống Sarkozy - Carla Bruni cuối cùng cũng đã được kết tinh hôm 19-10 năm ngoái bằng bé gái Giulia Bruni-Sarkozy. Tuần báo Le Point 26-5-2011 ái ngại gọi ông Sarkozy là papa tardif (cha già con mọn)! Dẫu sao thì ông bố Sarkozy 56 tuổi và bà mẹ Carla 43 tuổi cũng đã phải vui mừng lắm khi đến tuổi đó mà còn có được một cô con gái rượu!
Ai sẽ là phu nhân của ông Francois Hollande?
Ứng cử viên François Hollande của Đảng Xã hội Pháp hiện vẫn độc thân như bao năm qua, cho dù năm nay ông đã 58 tuổi và có bốn con. Thật vậy, ông Hollande từng chung sống với bà Ségolène Royal, người cách đây bốn năm đã suýt nữa có thể trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Pháp.
Bà Ségolène Royal và ông François Hollande quen biết nhau từ những năm 1970 khi học chung Trường quốc gia Hành chính, rồi sống chung với nhau và có đến bốn mặt con. Song ngay khi cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2007 vừa kết thúc, ông Hollande chia tay bà Ségolène Royal để xuất hiện với bà Valérie Trierweiler, một nhà báo chuyên phỏng vấn chính trị khá nổi tiếng vừa ly dị với ông chồng thứ nhì tên là Denis Trierweiler, vốn là thư ký tòa soạn tạp chí Paris Match, nơi bà Valérie làm phóng viên, và có ba con với nhau. Hầu như bà Ségolène Royal sẽ là một bộ trưởng trong nội các của ông Hollande, còn bà Valérie Trierweiler sẽ là đệ nhất phu nhân.
Trước viễn tượng này, bà Valérie cho biết: “Tôi yêu ông ấy vì ông ấy là ông ấy chớ không vì ông ấy có thể trở nên gì. Bên cạnh ông ấy, tôi chỉ đơn giản là một người phụ nữ như mọi người phụ nữ đang yêu. Song vỗ tay miết người đàn ông mà tôi yêu trong khi tôi vẫn đang là một nhà báo, trước kia quả là một vấn đề đấy; còn giờ thì tôi vỗ cả hai tay như vợ của một cầu thủ bóng đá. Làm đệ nhất phu nhân, điều khiến tôi sợ chính là mất tự do của tôi”.
Những chuyện tình hậu cung
Nói cho ngay, dư luận Pháp không soi mói chuyện đời tư của các lãnh đạo và tách bạch đánh giá đời tư với đời công. Tháng 11 năm ngoái, một nguyên đệ nhất phu nhân qua đời, bà Danielle Mitterrand. Đám tang lâm li bi đát vì mộ phần của bà một nơi (ở Cluny, quê bà), của ông ở một nơi (ở quê ông, làng Jarnac)! Lấp ló trong số khách đến tiễn đưa bà có Mazarine Mitterrand, con gái riêng của ông Mitterrand với bà Pingeot.
Bà Danielle từng cùng ông François Mitterrand tham gia kháng chiến chống Đức quốc xã, kết hôn với ông năm 1944, có với ông ba con trai. Bà Danielle cùng ông Mitterrand làm chính trị, đến năm 1981 cùng chồng bước vào điện Elysée và lưu lại đấy 14 năm ròng rã. Khi ông Mitterrand qua đời, trong đám tang lấp ló “nửa sau của cuộc đời” ông là bà Anne Pingeot, một nữ quản thủ bảo tàng, và cô con gái. Không hề chi, bà Danielle Mitterrand vẫn tiếp tục vai trò nguyên đệ nhất phu nhân của mình một cách cao cả nhất qua Tổ chức nhân quyền France - Libertés do bà thành lập cho đến những ngày cuối của cuộc đời. Điện Elysée vẫn luôn kỳ bí như vậy!
Thật ra cũng chẳng có gì ầm ĩ, truyền thống “Tây” vốn dĩ như thế. Lịch sử hậu cung Pháp có những sự tích như chuyện vua Louis XV, ngoài bà hoàng hậu còn có một bà phi (được gọi là thế, nguyên văn maitresse-en-titre). Vua Louis XV có bà phi đầu tiên tên là Chateauroux.
Bà này nhập cung xong bèn tiến cung luôn bốn cô em gái, thảy đều đã có chồng. Đáng tiếc là bà phi “út” chết trẻ quá, mới 27 tuổi đã qua đời, nên qua năm sau nhà vua lại “trúng phải tiếng sét ái tình” tiếp với bà Jeanne-Antionette Poisson, một “gái một con trông mòn con mắt” năm đó mới 23 tuổi, rất được giới quyền quý ái mộ vì cái miệng nhỏ bé xinh xắn. Vua mê mệt quá bèn rước bà này về dinh, phong cho tước hầu lấy tên là bà Pompadour, xây cho bà này một tòa lâu đài ở thành Sèvres để vua có thể ngày ngày rời cung điện Versailles vô hoàng cung trong nội ô Paris ngự triều xong khi về ghé ngự tiếp (4).
__________
(1) www.carlabrunisarkozy.org/en/the-foundation/introduction(2) Frédéric Martel, Exclusif: Carla Bruni au coeur d'un scandale international- Marianne | 06/01/2012(3) Affaire Carla Bruni: suite et non fin...-Marianne, Samedi 14 Janvier 2012(4) http://www.histoire-en-ligne.com/spip.php?article263
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận