Phóng to |
AFP cho biết mở đầu cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng “những khát vọng về nhân phẩm” của các công dân nước mình. Tuy không nêu tên ông Trần Quang Thành, người đã rời tòa đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh hôm qua sau sáu ngày trú ẩn, song bà Hillary Clinton đã tuyên bố tất cả chính phủ đều “phải tôn trọng các khát vọng về nhân phẩm của công dân nước mình và tôn trọng nhà nước pháp quyền”.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã đáp trả bằng việc kêu gọi hai nền kinh tế hàng đầu thế giới cần hợp tác với nhau và hiểu biết lẫn nhau hơn, cần cảnh báo mọi biểu hiện làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nước sẽ gây nên những nguy cơ nghiêm trọng cho cả thế giới.
“Do những hoàn cảnh quốc gia khác nhau, Trung Quốc và Mỹ không thể thống nhất với nhau về mọi vấn đề - ông Hồ Cẩm Đào nói và nhấn mạnh - Chúng ta phải tiếp cận các khác biệt của nhau theo một cách đúng đắn, tôn trọng những lợi ích, các quan tâm của mỗi bên và thích ứng với chúng. Chúng ta phải xử sự với những khác biệt của nhau một cách thích hợp thông qua đối thoại và hiểu biết lẫn nhau một cách tốt nhất”.
Tuy nhiên, báo Le Monde mô tả cuộc đối thoại hằng năm lẽ ra là cơ hội để hai siêu cường thế giới này trao đổi về những vấn đề kinh tế và chính trị quốc tế lớn, song cuộc trao đổi đã khởi đầu trong không khí đầy u ám của vụ luật sư Trần Quang Thành.
“Tôi muốn rời khỏi Trung Quốc”
Luật sư khiếm thị Trần Quang Thành đã rời khỏi tòa đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh sau khi Trung Quốc đưa ra “những đảm bảo” cho sự an toàn của ông nếu ông ở lại nước. Thế nhưng ngày 3-5, ông Trần lại nói với AFP ông đã thay đổi ý định. “Tôi không cảm thấy an toàn, tôi muốn rời khỏi Trung Quốc. Tôi muốn Mỹ giúp đỡ tôi và gia đình tôi. Họ đã giúp tôi trước đó” - ông Trần nói khi được hỏi qua điện thoại từ một bệnh viện ở Bắc Kinh, nơi ông được đưa vào chữa trị do bị trật chân khi rời tòa đại sứ Mỹ. Báo The Guardian cho biết ông Trần còn yêu cầu được đến Mỹ trên chiếc máy bay cùng bà Hillary Clinton sẽ rời Bắc Kinh vào cuối tuần này.
AFP cho biết Mỹ sẵn sàng giúp đỡ ông Trần nếu như ông đã thay đổi ý định và muốn rời khỏi Trung Quốc, như một quan chức Mỹ giấu tên cho biết. Tuy nhiên, quan chức này nhấn mạnh ông không có ý nói rằng Mỹ sẽ sẵn sàng dành cho ông Trần quy chế tị nạn chính trị do quan điểm của ông Trần không rõ ràng.
“Sự bất tín nhiệm giữa hai nước tăng cao”
Về kinh tế, để tránh gây bực dọc cho Bắc Kinh khi mở đầu các cuộc trao đổi, Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy Geithner kêu gọi Trung Quốc tiếp tục định giá lại đồng nhân dân tệ so với đồng USD. Tỉ giá đồng nhân dân tệ là một chủ đề thường xuyên trong quan hệ song phương Mỹ - Trung.
Mỹ cũng muốn tranh thủ cuộc đối thoại này để đề cập những vấn đề quốc tế lớn với Trung Quốc. Ngoại trưởng Clinton đề nghị Trung Quốc hỗ trợ tháo ngòi nổ cho những căng thẳng ở Iran và CHDCND Triều Tiên. Washington cũng mong muốn Bắc Kinh gây áp lực với Syria và buộc chính phủ nước này chấm dứt tình trạng bạo lực. Về vấn đề Iran, bà Hillary đề nghị Mỹ và Trung Quốc cùng chia sẻ mục tiêu ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân: “Việc chúng ta gây áp lực buộc Iran thực hiện nghĩa vụ quốc tế, nghiêm túc đàm phán và chứng minh được chương trình hạt nhân của họ để phục vụ mục đích hòa bình là rất quan trọng”.
Theo giám đốc Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc Khúc Tinh, trong cuộc đối thoại an ninh chiến lược lần này, lập trường của Mỹ vẫn dựa trên chiến lược châu Á-Thái Bình Dương, còn yêu cầu của Trung Quốc được đưa ra trên cơ sở an ninh nội địa.
Reuters dẫn lời chuyên gia của Ủy ban Quan hệ đối ngoại của Mỹ Adam Segal nhận định quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng phát triển. Tuy nhiên nhìn trên tổng thể, mối quan hệ này sẽ gập ghềnh hơn trong tương lai do một loạt vấn đề phức tạp mà hai nước không thể giải quyết trong một sớm một chiều.
Thời báo Hoàn Cầu đăng bài xã luận với nhan đề “đối thoại có thể hồi phục hay làm tệ hơn mối quan hệ Mỹ - Trung”. Tờ báo viết vòng đối thoại này đang đối mặt với chương trình nghị sự đầy áp lực để có câu trả lời cuối cùng. Sự bất tín nhiệm lẫn nhau giữa hai nước đang tăng cao. Đối thoại cấp cao giữa hai nước phải đảm bảo rằng hai bên kiểm soát được những quan điểm tiêu cực, song cả hai đều đang khó xác định chính xác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận