Bầu cử tổng thống Pháp: Ông Hollande dẫn trước
Phóng to |
Ứng viên Francois Hollande (giữa) bắt tay nhân viên sân bay trước chuyến bay tại Orly, nam Paris ngày 23-4-2012. Ảnh: AFP |
Nhiều nhà quan sát nhận định ông Hollande - ứng viên đảng Xã hội là người tương đối trung dung và có thái độ nhã nhặn, điềm tĩnh, ít nói. Cũng có người lại nhận định ông “quá hiền”. Những tính cách này rất khác biệt so với sự sắc sảo ầm ĩ và phong độ màu mè của Tổng thống theo đường lối bảo thủ Nicolas Sarkozy - người mà ông sẽ đối đầu trong vòng 2 đợt bầu cử vào ngày 6-5 tới.
Đến gần đây, chính trị gia Hollande vẫn thích đi làm bằng xe máy. Hình ảnh khiêm tốn của ông được những người ủng hộ ông diễn dịch thể hiện “một quyết tâm bền bỉ để lãnh đạo đất nước”.
Chính trị gia Francois Hollande sinh ngày 12-8-1954, có cha là bác sỹ, tại thành phố tây bắc Rouen của nước Pháp. Từ thời sinh viên ông đã hoạt động chính trị sôi nổi, tham gia Đảng Xã hội năm 1979 và từng làm cố vấn kinh tế dưới thời Tổng thống Mitterrand. Ông trở thành nghị sĩ năm 1988, đại diện cho khu vực Correze miền trung nam. Sau đó, ông trở thành lãnh đạo đảng Xã hội năm 1997, thay thế ông Lionel Jospin và đảm nhiệm vị trí này trong hơn 1 thập kỷ. |
Để trở thành gương mặt ứng viên của đảng Xã hội trong cuộc bầu cử năm 2012, ông Hollande phải “sống sót” được trong cuộc bầu cử sơ bộ, nơi mà người ta đưa cuộc sống chính trị và riêng tư của ông ra để “săm soi” và “đánh giá”. Một trong những thời điểm gây chú ý nhất với dư luận là khi đối thủ Segolene Royal – người từng là cộng sự của ông trong gần 30 năm, và cũng chính mẹ của 4 người con của ông – đã công khai ủng hộ ông tranh cử.
Ông Hollande hiện sống cùng bà Valerie Trierweiler, nhà báo chuyên về mảng chính trị của tạp chí Paris Match.
Ứng viên Hollande đã đưa ra một số chính sách kinh tế cứng rắn, trong đó có đề xuất đánh thuế thu nhập cao nhất 75% đối với thu nhập hơn 1 triệu euro (1,3 triệu) và tuyển dụng 60 ngàn giáo viên mới.
Ông cũng tuyên bố sẽ thương lượng lại về thỏa thuận tăng trưởng với Liên minh châu Âu mà Tổng thống Sarkozy đã từng ký kết. Những đề xuất của ông bị các đối thủ chỉ trích dữ dội. Chủ tịch Đảng UMP của Tổng thống Sarkozy, Jean-Francois Cope, gọi đề xuất tuyển dụng thêm hàng ngàn giáo viên là “điên khùng”.
Trong cuốn sách tiểu sử gần đây của ông Hollande có tiêu đề “Francois Hollande: Sức mạnh của ông Tử tế”, nhà báo chính trị Marie-Eve Malouines đã vẽ nên bức tranh một người đàn ông tham vọng táo bạo để nắm giữ vị trí hàng đầu, nhưng cùng lúc đó lại muốn tránh xa những xung đột. Đến nay, ông Holland tuyên bố ông đã “sẵn sàng điều hành nước Pháp”.
Cuộc so kè vòng 2 của ông Sarkozy và ông Hollande được cho là phụ thuộc vào sự ủng hộ mà họ thu hút được từ những lá phiếu vốn dành cho các đối thủ khác, như ứng viên Marine Le Pen, lãnh đạo Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu; ông Jean-Luc Mélenchon, thủ lĩnh Đảng Mặt trận Cánh tả và ông Francois Bayrou theo đường lối trung dung.
Theo khảo sát của Ipsos thực hiện vào ngày 22-4, ông Hollande sẽ vượt qua ông Sarkozy với tỉ lệ 54: 45 vào ngày so găng chính thức.
Giáo sư Đại học Lille, Remy Lefebvre nhận định ông Hollande sẽ cư xử như một tổng thống, tức là thuyết phục các cử tri rằng ông chính là một ứng viên có thể thống nhất được những khác biệt và đưa người dân lại gần nhau. Ông Sarkozy đã thách đấu ông Hollande trong 3 chương trình tranh luận trên truyền hình từ nay tới cuộc bỏ phiếu tới. Tuy nhiên, ứng viên đảng Xã hội đã bác bỏ thẳng thừng, cho rằng theo truyền thống thì chỉ cần làm 1 lần là đủ.
Khi bị cáo buộc là “sợ khi phải đối mặt với ông Sarkozy”, ông Hollande trả lời: “Chỉ vì ông Sarkozy có kết quả tồi (sau vòng 1) không có nghĩa chúng ta phải thay đổi luật chơi”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận