11/04/2012 08:20 GMT+7

Đằng sau vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng

VIỆT PHƯƠNG - T.N.
VIỆT PHƯƠNG - T.N.

TT - Một số nhà phân tích cho rằng mục đích đằng sau vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng là nhằm vào dư luận trong nước để củng cố vị thế của người lãnh đạo Kim Jong Un, chứ chẳng phải thử tên lửa gì hết.

Xem toàn bộ thông tin chương trình hạt nhân CHDCND Triều Tiên trên TTO

3w239tTB.jpgPhóng to

Một nhà khoa học CHDCND Triều Tiên giới thiệu vệ tinh thời tiết với các nhà báo quốc tế-Ảnh: Reuters

CHDCND Triều Tiên ngày 10-4 tuyên bố đã sẵn sàng phóng tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh thời tiết. Theo Reuters, phó ban phát triển không gian của Ủy ban Không gian trung ương Triều Tiên Ryu Kum Chol nói: “Chúng tôi hi vọng sẽ hoàn thành việc lắp đặt trong hôm nay”.

Ông Ryu nhấn mạnh việc phóng vệ tinh Kwangmyongsong-3 là món quà của nhân dân nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của lãnh đạo Kim Nhật Thành. Vì vậy, đây không thể là một vụ phóng tên lửa.

Coi thường Liên Hiệp Quốc

“Chúng tôi coi quyết định phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng là bằng chứng cho thấy sự coi thường đối với nghị quyết của Liên Hiệp Quốc” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Loukachevitch tuyên bố với RIA Novosti.

Nghị quyết 1874 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu Bình Nhưỡng: “chấm dứt mọi vụ phóng có sử dụng đến công nghệ tên lửa đạn đạo, dù đó là tên lửa có mục tiêu quân sự hay tên lửa dân sự”.

“Cần phải tìm một giải pháp chính trị - ngoại giao cho cuộc khủng hoảng này” - ông Alexander Loukachevitch nêu rõ. Ông cho biết quân đội Nga sẽ theo dõi chặt chẽ việc phóng tên lửa của Bình Nhưỡng từng giai đoạn cho đến khi nó tách khỏi vệ tinh.

Cùng lúc, Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vĩ Dân kêu gọi “các bên liên quan giữ bình tĩnh, kiềm chế và tránh leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên” sau khi Mỹ thúc giục Bắc Kinh gây sức ép với Bình Nhưỡng ngừng việc phóng tên lửa này.

CHDCND Triều Tiên đã bác bỏ các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án mình vào năm 2006 và 2009. “Chúng tôi đã không thừa nhận những nghị quyết này vốn vi phạm đến chủ quyền của chúng tôi - ông Ryu nêu rõ - Quyền có vệ tinh là quyền phổ quát của mỗi nước trên hành tinh này”.

Mục đích thật sự

Chuyên gia về an ninh quốc tế Jim Walsh thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) nhận định vụ phóng tên lửa chẳng qua là để củng cố vị thế của tân lãnh đạo Kim Jong Un. “CHDCND Triều Tiên đang trải qua thời kỳ chuyển tiếp trong lịch sử của mình. Ở đó có một lãnh đạo trẻ và thông điệp của vụ phóng tên lửa là nhằm vào dư luận trong nước” - CNN dẫn lời chuyên gia Walsh nhận định.

Trả lời câu hỏi vì sao Bình Nhưỡng lại mở cửa cho nhà báo vào chứng kiến bệ phóng vệ tinh, ông Walsh cho rằng các lãnh đạo Bình Nhưỡng muốn nói với người dân rằng “nhìn này, các nhà báo phương Tây đang ở đây, chúng ta thật sự quan trọng”. Nói cách khác, Bình Nhưỡng muốn để người dân thấy đất nước họ vĩ đại và được cộng đồng quốc tế quan tâm.

Vẫn theo ông, về khả năng quân sự, vụ thử tên lửa chẳng nghĩa lý gì cả. Nếu đúng đây là một vụ thử tên lửa thì đó mới chỉ là lần thử thứ 4 trong 15 năm qua và Bình Nhưỡng chưa thể tiến xa trong lĩnh vực này. Báo CSM dẫn lời một số nhà phân tích cho rằng Bình Nhưỡng sẵn sàng gạt bỏ sang một bên gói viện trợ lương thực của Mỹ để củng cố vị trí chính trị trong nước và trong quân đội cho nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un.

Các nhà báo nước ngoài viết gì?

Theo CNN, các nhà báo nước ngoài không được đem theo máy tính xách tay hay điện thoại di động nhưng được phép ghi hình. Họ phải trải qua vòng kiểm tra an ninh trước khi được đến gần bệ phóng.

Mặc dù đây là một chuyến thăm do chính quyền Bình Nhưỡng “đạo diễn”, song các nhà báo đã có thể có một cái nhìn thoáng qua hình ảnh cùng những dòng thông tin ngắn ngủi về những cảnh đời thường của một đất nước lâu nay khá khép kín.

Nhà báo Ed Flanagan của NBC News cho biết nơi họ ở là khách sạn Yanggakdo nằm trên một hòn đảo giữa sông Taedong. Mọi hoạt động của các nhà báo quốc tế đều được theo dõi sát sao. Nhiều phóng viên đã tranh thủ chụp ảnh hoặc quay phim những cảnh khác bên ngoài trung tâm không gian như cuộc sống và con người ở CHDCND Triều Tiên trong một dịp hiếm có được vào nước này. Nhà báo này ghi nhận: “Các đường phố của Bình Nhưỡng sạch sẽ, thông thoáng và rộng nhưng có quá ít xe cộ, ít các cửa hàng, một cảm giác thật sự trống vắng”.

Thông tín viên của AP tại Bình Nhưỡng cũng kể lại một ngày đi mua sắm của mình mua những thứ cần thiết cho văn phhòng AP tại thủ đô Bình Nhưỡng: “Vào các cửa hàng, nơi mà khách nước ngoài mới được quyền bước vào, tức là những cửa hàng bán hàng lưu niệm và sách bằng tiếng nước ngoài, đúng là chẳng có gì để mua cả, ngoại trừ những trước tác của ông Kim Jong Il về điện ảnh, về trà xanh, về rượu soju...”. Nhà báo này cũng cho biết mình đã kết thúc ngày mua sắm trong bóng tối với một đèn pin do tình trạng cúp điện thường xuyên xảy ra ở Bình Nhưỡng.

VIỆT PHƯƠNG - T.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên