Phóng to |
Người biểu tình với các biểu ngữ vẽ trên mặt phản đối Mỹ ở Tehran - Ảnh: AFP |
Giá dầu tại châu Á ngày 16-1 vượt ngưỡng 99 USD/thùng trước lo ngại về căng thẳng ở Trung Đông sẽ đe dọa nguồn cung dầu thô. Giá dầu giao tháng 2-2012 tăng lên mức 99,24 USD/thùng trên sàn giao dịch New York. Giá dầu Brent tại châu Âu có lúc đạt 111,45 USD/thùng. “Thị trường dầu đang xáo trộn do những bất ổn từ Trung Đông và châu Âu” - AP dẫn lời chuyên gia phân tích Natalie Robertson của Ngân hàng ANZ tại Melbourne (Úc) nhận định.
Căng thẳng gia tăng từ nhiều phía
Căng thẳng giữa Mỹ, châu Âu và Iran tiếp tục tăng. Phát biểu trên kênh Press TV ngày 16-1, tướng Massoud Jazayeri - phó tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Iran - khẳng định Mỹ không có khả năng ngăn Iran đóng cửa eo biển Hormuz. Tuyên bố này đáp trả bức thư Washington đã gửi Tehran để bày tỏ quan ngại về nguy cơ Iran đóng cửa eo biển Hormuz. Bức thư được gửi thông qua đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc và sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran, cơ quan đại diện cho quyền lợi của Mỹ ở Iran.
Các ngoại trưởng Liên minh châu Âu dự kiến gặp nhau ngày 23-1 để quyết định việc cấm mua dầu từ Iran, nước sản xuất dầu lớn thứ hai OPEC sau Saudi Arabia. Ngoại trưởng Anh William nói với Reuters ông tin châu Âu sẽ ra lệnh trừng phạt không chỉ đối với ngành dầu mỏ, mà có thể còn với các ngành khác của Iran.
Căng thẳng cũng gia tăng giữa Iran và các nước Ả Rập. Iran đã cảnh cáo các nước láng giềng về ý định ủng hộ lệnh trừng phạt của phương Tây và chiếm chỗ của nước này trong việc xuất khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, có vẻ Saudi Arabia đang trở thành nhà cung cấp năng lượng thay thế các nước châu Á. AFP đưa tin hàng loạt thỏa thuận hợp tác năng lượng được ký kết trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo ở Saudi Arbia ngày 15-1.
Trang al Arabiya đưa tin Liên đoàn Ả Rập trong tuần này sẽ thảo luận ý tưởng về một cuộc can thiệp quân sự của Qatar bằng việc gửi quân đến Iran. Tuy nhiên, Tổng thống Tunisia Moncef Marzouki cảnh báo sự can thiệp quân sự có thể khiến cả khu vực bùng nổ.
Israel nên chờ thời điểm
Cuối tuần này, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ - tướng Martin Demsey sẽ đến Israel gặp Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak, Tổng tham mưu trưởng Benny Gantz cùng các quan chức quốc phòng, tình báo của Israel. Theo giới phân tích, mục đích chuyến thăm nhằm thảo luận về hợp tác chiến lược giữa hai nước xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran.
Israel liên tục dọa sẽ tấn công quân sự Iran nếu cộng đồng quốc tế không thể ngăn Tehran ngừng phát triển hạt nhân, bất chấp Washington khuyên nước này không nên hành động một mình. Tổng thống Barack Obama và hàng loạt quan chức Mỹ đã khuyến cáo Israel kiên nhẫn chờ đợi hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Trong lúc này, Israel và Mỹ đã hoãn cuộc tập trận chung tại Trung Đông do “eo hẹp ngân sách”. Cuộc tập trận quốc phòng tên lửa Austere Challenge 12 dự kiến diễn ra tháng 4-2012 với sự tham gia của hàng ngàn binh sĩ hai nước sẽ được dời đến cuối năm.
Israel tuyên bố “thất vọng” trước sự lưỡng lự của Mỹ trong các hành động chống Iran. “Có vẻ Nhà Trắng ngần ngại vì lo sợ giá dầu sẽ tăng” - Phó thủ tướng Israel Moshe Yaalon chỉ trích và khẳng định Israel có quyền tự bảo vệ mình. Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhận định trên báo Haaretz là “nếu không có các biện pháp hiệu quả trừng phạt ngân hàng trung ương và ngành dầu mỏ Iran thì chương trình hạt nhân sẽ không bị ảnh hưởng”.
Dù vậy, câu hỏi lớn hiện nay là liệu ông Obama và ông Netanyahu có thật sự muốn tấn công Iran hay Israel chỉ muốn gây sức ép buộc phương Tây hành động mạnh mẽ hơn. Dù Mỹ và châu Âu cho biết không loại trừ khả năng tấn công quân sự, nhưng các chuyên gia nhận định phương Tây đang thực hiện mọi nỗ lực, gồm việc trừng phạt kinh tế, để tránh phải động quân.
Iran-Mỹ, xung đột và bầu cử Đây không phải lần đầu Iran đôi co với Mỹ. Không phải “tình cờ” mà Iran lần này thách đố Mỹ bước vào eo biển Hormuz, đáp lại những trừng phạt của Mỹ. Cục diện đôi co Mỹ - Iran lần này càng mang tính bức bách, do lẽ cái giá của canh bạc sát phạt này chính là cuộc bầu cử quốc hội ở Iran vào tháng 3 và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Chính đại giáo chủ Ali Khamenei thừa nhận “bầu cử luôn là một thách thức cho đất nước. Cần cẩn thận để đừng làm phương hại đến an ninh quốc gia”. Bộ trưởng An ninh Heydar Moslehi cho rằng “đây là cuộc bầu cử nhạy cảm nhất trong lịch sử Cộng hòa Hồi giáo Iran”. Tại sao lại cảnh giác? Số là ở Iran, các đảng đối lập không theo thần quyền vẫn luôn hi vọng giành chính quyền từ tay giới tăng lữ. Cuộc bầu cử tổng thống năm 2009 là một thí dụ “nóng sốt”, cựu tổng thống “thường dân” Rafsanjani từ năm 1989-1997 là một thí dụ cầm quyền thế tục sau 10 năm thần quyền của cố giáo chủ Khomeny. Trong bối cảnh đó, một chiến thắng trong vụ eo biển Hormuz sẽ ghi điểm cho ban lãnh đạo Iran hiện tại. Ngược lại, một sự xuống nước hay lưỡng lự của ông Obama sẽ kết liễu số phận chính trị của ông. Tất nhiên, không loại trừ êkip cầm trịch ở Washington đã “căng dây cót” cuộc đôi co này trước cuộc bầu cử để “nắn gân” ban lãnh đạo Iran cũng vì mục tiêu đó. Còn chuyện “đánh đấm”, quân lực Mỹ vẫn đang dẫn đầu thế giới trong kỹ thuật “cách không chiến” với tên lửa hành trình, bom siêu nặng... Bởi thế, Iran đã ráo riết thử nghiệm các loại tên lửa mới. Một cuộc tỉ thí từ xa bằng tên lửa sẽ có nhiều cơ sở hơn là một trận chiến trên bộ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận