06/12/2011 07:46 GMT+7

Bầu cử ở Nga: Lời cảnh báo đảng cầm quyền

SƠN HÀ
SƠN HÀ

TT - Qua lá phiếu, cử tri Nga đã thể hiện rõ sự không hài lòng đối với đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất (UR). Kết quả bầu cử Quốc hội Nga cho thấy một thực tế là uy tín của Thủ tướng Vladimir Putin đang sụt giảm.

sTOuK5qv.jpgPhóng to
Bộ đôi quyền lực Putin - Medvedev sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong thời gian tới - Ảnh: Reuters

Theo RIA Novosti, kết quả kiểm phiếu ở 96% điểm bầu cử cho thấy UR chỉ giành được 49,54% số phiếu bầu, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 64% vào năm 2007. Lãnh đạo Ủy ban bầu cử Vladimir Churov cho biết UR sẽ giành

238/450 ghế Duma quốc gia (Hạ viện), giảm mạnh so với con số 315 ghế trước đây. Dù vẫn chiếm thế đa số, nhưng UR đã đánh mất quyền đơn phương thông qua bất kỳ thay đổi nào trong hiến pháp.

Nhật báo Kommersant nhận định UR sẽ buộc phải tìm kiếm đối tác chính trị. Theo Interfax, Tổng thống Dmitry Medvedev vừa lên tiếng thừa nhận UR sẽ phải chia sẻ quyền lực và thành lập liên minh cầm quyền. Trên báo Izvestia, nhà phân tích chính trị Boris Mejouev cho rằng “cuộc bầu cử đã biến thành một cuộc trưng cầu chống lại UR”.

Lời cảnh tỉnh

Trang Gazeta.ru dẫn lời ông Gennady Zyuganov, lãnh đạo đảng Cộng sản Nga, cho rằng kết quả bầu cử là lời cảnh tỉnh đối với UR, đảng đã cầm quyền hơn 10 năm ở Nga. Theo ông Zyuganov, kể từ giờ UR sẽ không thể duy trì quyền lực tuyệt đối mà phải chia sẻ với các đảng đối lập. Đài truyền thanh Moscow Echo cho biết trước khi đi bỏ phiếu, nhiều cử tri ở Matxcơva đã quyết định bầu cho đảng nào cũng được, miễn là không phải UR.

Phân tích những “lá phiếu phản đối” này, giới quan sát trên tờ Kommersant nhận định người dân Nga đang không hài lòng với hiện trạng kinh tế. Lạm phát nhiều năm liền ở mức cao, khoảng 8,8% năm 2010 và 7,2% năm 2011, đẩy giá các mặt hàng thiết yếu tăng vọt. Hậu quả là mức sống của người dân sụt giảm và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng lên. Tỉ lệ thất nghiệp dù đã giảm từ gần 8% năm 2010 nhưng vẫn ở ngưỡng cao (7%).

Tham nhũng và nạn con ông cháu cha cũng là một trong những vấn đề lớn nhất tại Nga hiện nay. Theo Interfax, năm ngoái Tổng thống Medvedev từng thừa nhận ít nhất 1.000 tỉ rúp (32 tỉ USD) tiền thuế của dân đã bị ăn trộm từ các cuộc đấu giá mua hàng hóa công. Số tiền này tương đương 10% ngân sách Nga năm 2010.

Tháng 6-2011, Bộ Kinh tế Nga ước tính người Nga đã phải chi ít nhất 164 tỉ rúp (5,35 tỉ USD) trong năm 2010 để hối lộ giới công chức nhà nước. Người dân Nga cũng bức xúc trước lối sống khoe của ở giới quan chức và gia đình của họ, như đeo những chiếc đồng hồ trị giá hàng chục ngàn USD, đi toàn xe xịn như BMW, Mercedes, Audi… Ví dụ, Thống đốc Matxcơva Boris Gromov nhận lương chỉ 125.000 USD/năm, nhưng lại có biệt thự ở khu ngoại ô thủ đô trị giá tới 20 triệu USD. Công ty địa ốc Penny Lane Realty ở Matxcơva ước tính 40-60% khách hàng mua những căn nhà sang trọng ở thủ đô là quan chức chính quyền.

Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng do Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) mới công bố, Nga xếp thứ 143/182 quốc gia, với mức độ tham nhũng cao hơn các nước như Pakistan, Cameroon hay Niger.

Thử thách với Thủ tướng Putin

Một số chuyên gia chính trị trên Gazeta.ru nhận định bước lùi của UR trong cuộc bầu cử quốc hội cũng chính là bước lùi của Thủ tướng Vladimir Putin. Bởi nó cho thấy uy tín của ông đã sụt giảm, dù ông vẫn là chính khách được yêu mến nhất nước Nga. Nhiều chính trị gia đối lập cho rằng dù ông Putin không mất hết quyền lực, nhưng ông đã bắt đầu đánh mất sự tín nhiệm của người dân.

Tờ Vedomosti chỉ ra một tình huống cho thấy ông Putin đã không còn là “người hùng lý tưởng” trong mắt người dân Nga. Hai tuần trước cuộc bầu cử quốc hội hôm 4-12, ông Putin đến xem một cuộc đấu võ ở Matxcơva. Khi ông bước lên võ đài để chúc mừng chiến thắng của võ sĩ Nga Fyodor Yemelyanenko trước đối thủ Mỹ Jeff Monson, hàng trăm người đồng loạt huýt sáo la ó, phản đối dữ dội, nhiều người còn hô vang: “Xuống đi”.

Giới quan sát nhận định các đảng đối lập vẫn chưa đưa ra một nhân vật nào đủ tầm ảnh hưởng để đối chọi với ông Putin trong cuộc tranh ghế tổng thống Nga vào ngày 4-3-2012. Do đó, chắc chắn ông sẽ giành chiến thắng. Dù vậy, một số nhà quan sát trên tờ Kommersant nhận định nhiệm kỳ sáu năm tới của ông Putin sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã diễn ra trong 12 năm qua.

Nhà bình luận chính trị Stanislav Kucher cho rằng ông Putin đang phải đối mặt với thử thách cực lớn. Để duy trì sự tin tưởng và yêu mến của người dân - yếu tố quan trọng nhất giúp ông giữ vững quyền lực, ông Putin cần thực hiện hàng loạt cải cách kinh tế để mở cửa thị trường, hạn chế quyền lực của các nhóm lợi ích. “Nhưng ông ấy chỉ có thể cải tổ nếu loại bỏ hàng loạt lợi ích của giới cầm quyền. Mà họ chắc chắn sẽ phản đối dữ dội bất kỳ thay đổi nào” - chuyên gia Kucher khẳng định.

SƠN HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên