12/06/2011 08:15 GMT+7

Mỹ lo ngại đầu tư Trung Quốc ở châu Phi

DUY PHÚC
DUY PHÚC

TT - Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton dường như đã phá bỏ các nguyên tắc ngoại giao để tấn công Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế.

tASyJtw9.jpgPhóng to
Bà Clinton bắt tay Tổng thống Zambia Rupiah Banda tại diễn đàn AGOA - Ảnh: AFP

Ngày 10-6, theo Reuters, có mặt tại Zambia để tham dự Diễn đàn cấp bộ trưởng về Đạo luật cơ hội và tăng trưởng cho châu Phi, bà Clinton kêu gọi các quốc gia châu Phi gỡ bỏ rào cản mậu dịch với Mỹ, đồng thời lên tiếng lo ngại về viện trợ và đầu tư của Trung Quốc không mang lợi ích gì cho các quốc gia này.

Đạo luật cơ hội và tăng trưởng cho châu Phi (AGOA) do Quốc hội Mỹ phê chuẩn tháng 5-2000 nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại với khu vực này. Nó cho phép 37 quốc gia châu Phi xuất khẩu miễn thuế vào thị trường Mỹ. Nhưng đến thời điểm này, các nước châu Phi chỉ xuất khẩu 6.000 loại sản phẩm đáp ứng đủ yêu cầu nhập khẩu vào thị trường Mỹ, theo Reuters.

Trong gần một thập niên qua, hợp tác thương mại giữa Mỹ và các nước châu Phi vẫn ở tỉ lệ thấp, chiếm trên 1% kim ngạch xuất khẩu Mỹ và khoảng 3% kim ngạch nhập khẩu. Trong khi đó, quan hệ thương mại Trung Quốc và châu Phi đang phát triển nhanh chóng, tăng 40% vào năm 2010, lên đến mức 126,9 tỉ USD.

Điều đó dường như khiến ngoại trưởng Mỹ nóng mũi. Bà phát biểu công khai trên diễn đàn: “Chúng tôi đang lo ngại rằng viện trợ nước ngoài và đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi không nhất quán với tiêu chuẩn quốc tế về tính minh bạch và quản trị tốt”. Sự dính líu và can dự của Trung Quốc vào châu Phi có thể là nguy cơ phá hoại nỗ lực của Mỹ nhằm giúp lục địa này phát triển một nền kinh tế trưởng thành hơn và minh bạch hơn, AFP dẫn lời bà Clinton.

Mặc dù hợp tác thương mại tại châu Phi tăng lên đáng kể, nhưng “chúng ta không thể làm ngơ trước những dấu hiệu cho thấy không phải quốc gia nào cũng tuân thủ AGOA” - bà Clinton nhấn mạnh tại diễn đàn. Vì thế, bà Clinton mong muốn xúc tiến mối quan hệ hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia châu Phi, đồng thời tái khẳng định Mỹ giúp đỡ những người dân châu Phi muốn xây dựng doanh nghiệp.

Theo Reuters, giới quan sát cho biết sự bành trướng của Trung Quốc ở châu Phi là nỗi “ám ảnh” của Mỹ. Trung Quốc không phải là nước lớn duy nhất nhìn thấy những cơ hội ở châu Phi, nhưng là nước nghiêm túc nắm lấy các cơ hội này. Trung Quốc theo đuổi bốn yêu cầu chiến lược ở châu Phi: giành quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên, tăng cường ảnh hưởng chính trị, phát triển thị trường cho người lao động Trung Quốc và giành quyền tiếp cận các thị trường châu Phi. Một thập niên trước, chưa đến 100.000 người Trung Quốc sống và làm việc tại châu Phi, nay con số này đã tăng gấp mười.

Việc Chính phủ Trung Quốc tham gia điều hành hoạt động thương mại đóng vai trò thiết yếu. Mỗi năm, Chính phủ Trung Quốc cung cấp hàng tỉ USD dưới hình thức các khoản trợ cấp, khoản vay để đổi lại nguồn cung nguyên liệu thô hoặc dự án hạ tầng có lợi cho các công ty Trung Quốc.

Đối với các quốc gia châu Phi, nguồn tài chính cho phát triển kinh tế cực kỳ quan trọng trong thời điểm cả thế giới đang gặp khó khăn. Phát biểu tại diễn đàn, Tổng thống Zambia Rupiah Banda cho biết quốc gia này thu hút đầu tư từ Trung Quốc trong lĩnh vực dầu mỏ và tháng 5 vừa qua nhận được 180 triệu USD tiền vay từ Trung Quốc để nâng cấp hệ thống giao thông.

Zambia giao thương với Trung Quốc kể từ khi quốc gia này giành được độc lập vào năm 1964 và Trung Quốc tiếp tục mua đồng của Zambia trong suốt cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, Zambia khẳng định các công ty nước ngoài đối xử tốt với người dân Zambia và tuân thủ luật pháp của nước này.

“Nói chung, tôi nghĩ Trung Quốc đang rất tham vọng vào khu vực châu Phi” - AFP dẫn lời ông Mupelwa Sichilima thuộc nhóm chuyên gia cố vấn chính sách mậu dịch và công nghiệp châu Phi. Nhưng “Trung Quốc chỉ là một thị trường thay thế, không đồng nghĩa Trung Quốc sẽ nuốt trọn tất cả từ châu Phi” - ông Sichilima nhấn mạnh.

DUY PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên