Phóng to |
Những người biểu tình chống tổng thống Mubarak ở Ai Cập - Ảnh: AP |
Ông Obama đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có “một sự chuyển giao trật tự, trong hòa bình, bắt đầu ngay bây giờ” - tuyên bố của Nhà Trắng cho biết.
Các lãnh đạo mà ông Obama đã thảo luận là Thái tử các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất Mohammed bin Zayed, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Cả Mỹ và Liên minh châu Âu đều đang tỏ ra không kiên nhẫn với Ai Cập.
Mỹ đã không ủng hộ gợi ý của cựu đại sứ Mỹ tại Ai Cập, ông Frank Wisner, về việc Tổng thống Hosni Mubarak nên tiếp tục ở lại vị trí quyền lực cao nhất trong thời gian chuyển tiếp quyền lực. Bình luận về gợi ý đó, một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ cho rằng, ông Frank Wisner đang đại diện cho mình, chứ không phải cho chính phủ Mỹ.
Nhà Trắng cũng thông báo ông Obama đã thảo luận về mối quan ngại của ông trước thực tế các nhà báo, các tổ chức nhân quyền đang trở thành mục tiêu bị tấn công ở Ai Cập, và tái khẳng định chính phủ Ai Cập có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người dân và phải ngay lập tức thả những người bị bắt giữ một cách không công bằng.
Tuyên bố của Nhà Trắng nhận định sự từ chức hàng loạt của các thành viên chủ chốt trong đảng cầm quyền của ông Mubarak là “một bước đi tích cực”, nhưng kêu gọi cần có nhiều thay đổi hơn nữa.
Trong số các thành viên đảng Dân chủ quốc gia cầm quyền vừa từ chức, có con trai Gamal của ông Mubarak, người được cho là chắc chắn sẽ kế nhiệm ông nếu không có cuộc biểu tình diễn ra. Hossam Badrawi - người được cho là có quan hệ tốt với những nhân vật đối lập -sẽ trở thành tổng thư ký mới.
Tuy nhiên, những người biểu tình cho rằng, việc từ chức hàng loạt như vậy không có ý nghĩa gì.
"Nhiều người nói rằng như vậy đang có sự thay đổi, nhưng tôi tin rằng những quân bài họ thảy ra chỉ để làm hài lòng những người đang giận dữ trên đường phố thôi" - Mahmud Momen, doanh nhân 46 tuổi nói.
Còn Farid Ismail, thành viên của Tổ chức Những người anh em Hồi giáo thì nhận định việc từ chức hàng loạt chứng tỏ chế độ cầm quyền sắp băng hà.
"Những cột đỡ cho chế độ đang lung lay. Điều đó có nghĩa là cuộc cách mạng của giới trẻ đã tạo nên cơn động đất mạnh, và những biểu tượng của chế độ đang sụp đổ, tất nhiễn, nó vẫn đang nỗ lực cứu vãn”.
Trong khi đó, phe đối lập lớn nhất của Ai Cập là Tổ chức Những người Anh em Hồi giáo cho biết đã bắt đầu đàm phán với Phó Tổng thống mới của Ai Cập, ông Omar Suleiman. Đây là lần đầu tiên hai bên đàm phán.
Tổ chức Những người anh em Hồi giáo bị chính thức cấm, nhưng được phép hoạt động có giới hạn ở Ai Cập. Đây cũng là phong trào có tổ chức nhất để thiết lập mạng lưới đứng đằng sau các cuộc biểu tình.
Khoảng 300 người đã thiệt mạng, và hàng ngàn người bị thương kể từ khi cuộc biểu tình quy mô lớn chống chế độ độc tài quân sự Hosni Mubarak bắt đầu ngày 25-1-2011.
Một đường ống dẫn khí ở phía bắc Sinai tới Jordan đã bị tấn công, khiến lượng khí cung cấp tới Israel cũng phải tạm ngưng. Hiện vẫn chưa rõ vụ tấn công này có liên quan tới các cuộc biểu tình chống chính phủ hay không.
Ông Mubarak, 82 tuổi, đã nắm quyền lực tối cao tại quốc gia đông dân nhất thế giới Arab trong 30 năm nay. Ông đã tuyên bố “đã chán” và hứa sẽ không ra tranh cử vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, ông vẫn sẽ nắm quyền cho tới khi bầu cử - điều này không được những người biểu tình đồng ý.
Trong ngày thứ 12 liên tiếp của cuộc biểu tình, thị trường chứng khoán Ai Cập vẫn đóng cửa vô hạn định.
Tin, bài liên quan:
Tổng thống Ai Cập Mubarak không chịu ra điMỹ bàn kế hoạch loại bỏ MubarakBiểu tình Ai Cập: 5 người thiệt mạng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận