Báo New York Times dẫn lời các quan chức Nhà Trắng và Ả Rập cho biết cho dù ông Mubarak đã từ chối ra đi, quan chức hai chính phủ Mỹ và Ai Cập vẫn đang thảo luận kế hoạch đưa phó tổng thống Omar Suleiman lên nắm quyền. Trọng tâm của kế hoạch này là có được sự ủng hộ của quân đội Ai Cập.
Phóng to |
Người Ai Cập đánh nhau hỗn loạn - Ảnh Reuters |
Chính quyền mới sẽ lập tức bắt đầu tiến trình cải tổ hiến pháp. New York Times cho biết chính phủ lâm thời sẽ bao gồm thành viên các nhóm đối lập với chính quyền Mubarak, bao gồm cả tổ chức Hội ái hữu Hồi giáo. Chính quyền lâm thời sẽ tổ chức một cuộc bầu cử công bằng và tự do vào tháng 9-2011. Tuy nhiên, kết quả các cuộc đàm phán còn phụ thuộc vào việc ông Suleiman và quân đội Ai Cập có sẵn sàng “đá” ông Mubarak hay không.
Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình ABC, tổng thống Mubarak tâm sự ông đã quá “ngán ngẩm” và muốn từ chức. Tuy nhiên, ông tuyên bố ông không thể làm như vậy vì ông lo sợ đất nước sẽ rơi vào “hỗn loạn”. Ông Mubarak cho biết ông rất không vui với tình trạng bạo lực trong hai ngày vừa qua ở quảng trường Tahrir tại Cairo. “Tôi không muốn chứng kiến người Ai Cập chém giết lẫn nhau”.
Trên đường phố Cairo, tình trạng bạo lực ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Hãng tin AFP đưa tin các băng đảng ủng hộ ông Mubarak đã tấn công các nhà báo nước ngoài và những nhà hoạt động vì nhân quyền bằng gậy và nắm đấm. Tổng cộng 21 nhà báo bị đánh đập, trong đó có hai của hãng tin Mỹ Fox News. Một phóng viên Hi Lạp bị đâm vào chân. Tổ chức Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ) cho biết trong vòng 24 giờ qua, quân đội Ai Cập đã bắt giữ 24 nhà báo, trong đó có các phóng viên báo Mỹ Washington Post và New York Times. BBC cho biết lực lượng an ninh Ai Cập đã thu giữ các thiết bị của hãng này trong một khách sạn.
AP cho biết Nhà Trắng đã lên án hành động tấn công các nhà báo. “Đây là một chiến dịch có tổ chức để đe dọa (báo chí)”, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs khẳng định. “Cả thế giới đang theo dõi những gì đang xảy ra ở Ai Cập”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-Moon mô tả đây là hành động “không thể chấp nhận được” và yêu cầu quân đội Ai Cập phải bảo vệ các nhà báo.
Theo AP, đêm qua rạng sáng nay, các cuộc đụng độ trên đường phố Cairo đã lắng dịu. Nhưng vẫn còn khoảng 10.000 biểu tình trên đường phố để quyết tâm lật đổ ông Mubarak. Trong hai ngày bạo lực trên quảng trường Tahrir, đã có ít nhất tám người thiệt mạng và 900 người bị thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận