05/02/2011 16:02 GMT+7

Tổng thống Ai Cập Mubarak không chịu ra đi

MỸ LOAN
MỸ LOAN

TTO - Biểu tình phản đối chính phủ ở ở Ai Cập đã bước sang ngày thứ 12 và cộng đồng quốc tế đang tăng cường kêu gọi sự ra đi của tổng thống Hosni Mubarak.

Bất chấp cuộc tuần hành khổng lồ trong ngày cầu nguyện thứ Sáu (4-2) ở quảng trường Tahrir (Cairo) và ở thành phố Alexandria (ảnh), ông Mubarak vẫn chưa có dấu hiệu chịu ra đi.

2Mvrej5m.jpgPhóng to

Bộ trưởng Y tế Ai Cập – ông Ahmed Sameh Farid cho biết hơn 5.000 người đã bị thương trong 12 ngày qua.Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Al-Arabiya, Thủ tướng Ai Cập Ahmed Shafiq tuyên bố Tổng thống Mubarak sẽ tiếp tục tại vị vì những lý do pháp lý.

"Tổng thống Mubarắc là một sự bảo đảm cho an ninh đất nước" - ông Shafiq nhấn mạnh đồng thời bác bỏ khả năng Tổng thống Mubarak sẽ chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng thống Omar Suleiman.

Súng đã nổ vào rạng sáng 5-2 trên quảng trường Tahrir nơi hàng ngàn người biểu tình đã tụ tập trong vòng vây của xe tăng. Trong khi đó những cuộc biểu tình kêu gọi ông Mubarak từ chức cũng đã được lên kế hoạch ở Luân Đôn (Anh) và Pari (Pháp).

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gợi ý rằng ông Mubarak nên từ chức và " nên lắng nghe những gì mà nhân dân Ai Cập đang lên tiếng", trong khi lãnh đạo các nước châu Âu thể hiện rõ quan điểm là thời điểm chuyển đổi đã đến đối với ông Mubarak.

AFP cho biết tại một cuộc họp thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ), lãnh đạo 27 nước EU đã thẳng thừng "quá trình chuyển giao ở Ai Cập phải bắt đầu từ bây giờ" đồng thời chỉ trích cuộc bạo động xảy ra trong những ngày qua và cảnh báo khả năng ngừng viện trợ với Ai Cập.

Trong khi đó các cơ quan chức năng của Ai Cập đang nỗ lực kêu gọi người dân của họ hãy trở về nhà, ngừng biểu tình và cam kết không dùng vũ lực.

Trong khi biểu tình vẫn diễn ra, thì kế hoạch cho ứng cử viên tổng thống Ai Cập đang được tính đến Đài phát thanh Europe 1 của Pháp dẫn lời ông Amr Mussa, chủ tịch Liên đoàn Ả Rậpcho biết ông Mubarak không dễ gì rời khỏi chính trường ngay lập tức.

"Tôi nghĩ ông ấy sẽ không từ chức và ông ấy sẽ vẫn ở tại vị cho đến cuối tháng 8-2011" - ông Mussa nói. Trong khi đó, báo New York Times cho biết Washington đã đề xuất phó thủ tướng Omar Suleiman sẽ dẫn đầu cuộc chuyển giao quyền lực.

Cùng ngày ông Mohamed ElBaradei, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cho biết ông có thể ra tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống Ai Cập nếu nhân dân yêu cầu. Trong khi đó Chủ tịch Liên đoàn Arập (AL), ông Amr Mussa cũng đang là ứng cử viên sáng giá ra tranh cử tổng thống ở Ai Cập.

Trước đó ngày 4-2, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đưa ra thông cáo báo chí kêu gọi tất cả các bên ở Ai Cập kiềm chế tối đa nhằm tránh bạo lực leo thang ở nước này. Cùng ngày, Ai Cập đã quyết định rút ngắn thời gian giới nghiêm từ 19g (17 giờ GMT) cho tới 6 giờ sáng hôm sau (4 giờ GMT) thay vì từ 17g chiều cho tới 8g sáng hôm sau như trước đây.

Một dấu hiệu tích cực trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ai Cập đã hé mở khi hai đảng đối lập chính ở Ai Cập là El Wafd và El Tagammu đã quyết định ngồi vào bàn đối thoại với chính phủ mới do phó tổng thống Suleima đứng đầu.

Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ đáp ứng đề nghị của hai đảng này về việc bảo vệ người biểu tình tại quảng trường Tahrir và mở điều tra truy tìm thủ phạm tấn công người biểu tình.

Cùng lúc, hãng thông tấn chính thức của Ai Cập Mena dẫn lời ông Samir Radwan, Bộ trưởng tài chính Ai Cập cho biết chính phủ sẽ trợ cấp 854 triệu USD cho những người bị thiệt hại về tài sản trong các cuộc biểu tình qui mô lớn hơn 10 ngày qua.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, hơn 300 người đã thiệt mạng kể từ khi các cuộc phản đối bắt đầu. Chỉ tính từ đầu tuần đên nay đã có ít nhất tám người thiệt mạng và hơn 800 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình phản đối chính phủ và quân đội trên toàn Ai Cập.

MỸ LOAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên