22/12/2010 11:24 GMT+7

Khi Hàn Quốc thắp sáng "cây thông hòa bình"

XUÂN TÙNG
XUÂN TÙNG

TTO - Hôm qua 21-12, tại đỉnh núi Aegibong, nơi chỉ cách biên giới hai miền Triều Tiên chưa đầy 2km, các binh sĩ Hàn Quốc thắp sáng hơn 100.000 ngọn đèn trên cây thông Noel bằng thép cao 30m với một nghi lễ trang trọng.

Cây thông chói lóa là hình ảnh tương phản với bên kia biên giới Hàn Quốc - nơi nguồn điện vô cùng khan hiếm.

Bình Nhưỡng làm dịu, Seoul cảnh giác

PPDsDwSI.jpgPhóng to

Xe quân sự và binh lính được triển khai xung quanh đỉnh núi - Ảnh: Yonhap

Một dàn đồng ca mặc đồ trắng với khăn choàng đỏ và mũ ông già Noel hát vang những bài hát về Giáng sinh và những bài hát ca ngợi hòa bình, như Joy to the world, trước khoảng 200 người.

“Tôi hi vọng Chúa sẽ mang tình yêu và hòa bình đến cho người dân miền Bắc”, linh mục Lee Young Hun của tòa tổng giám mục Seoul nói với AP. Khoảng 30% dân số Hàn Quốc theo Thiên Chúa giáo.

Tuy nhiên đâu đó người ta vẫn thấy lởn vởn bóng dáng của chiến tranh. Hàng chục binh sĩ có vũ trang chiếm lĩnh các vị trí xung quanh cây thông khi buổi lễ đang diễn ra. Xe cứu thương và xe tải được bố trí sẵn sàng gần đó, trong khi gần hàng ghế khán giả là những bảng hướng dẫn người dân sơ tán xuống hầm trú ẩn trong trường hợp CHDCND Triều Tiên tấn công bằng đạn pháo.

Nm2tnPVO.jpgPhóng to
Dàn đồng ca hát những bài hát Giáng sinh quanh cây thông trên đỉnh Aegibong ngày 21-11… - Ảnh: Yonhap

Nguồn gốc của cây thông không thuần túy mang ý nghĩa “hòa bình”. Nằm ở một vị trí mà các thị trấn của CHDCND Triều Tiên bao gồm cả Kaesong có thể nhìn thấy rõ, từ lâu cây thông này đã bị CHDCND Triều Tiên coi là một vũ khí của Hàn Quốc trong cuộc chiến tuyên truyền.

Việc thắp sáng cây thông đã bị ngưng lại suốt bảy năm qua khi quan hệ của hai miền Triều Tiên ấm dần lên, bất chấp sự phản đối của tòa tổng giám mục Seoul. Tuy nhiên sau những sự cố vừa qua như vụ đắm tàu Cheonan và vụ nã đạn pháo vào đảo Yeonpyeong khiến 50 người Hàn Quốc thiệt mạng, chính quyền của Tổng thống Lee Myung Bak đã quyết định cho thắp sáng cây thông như là một phần của cuộc chiến tuyên truyền, bất chấp lời cảnh báo của Bình Nhưỡng.

Chính phủ Hàn Quốc đã nối lại cuộc chiến tuyên truyền như là một biện pháp đáp trả sau vụ đọ pháo tại Yeonpyeong làm bốn người Hàn Quốc thiệt mạng, bao gồm việc phát lại các tờ rơi và mở lại loa phóng thanh.

… tình anh em

Tuy nhiên nhiều người Hàn Quốc lại cho rằng cây thông có thể là biểu tượng thắp sáng cho tình đoàn kết của hai miền, bất chấp các vụ xung đột xảy ra trong thời gian qua.

Tình đoàn kết này có thể giải thích cho một sự thiếu vắng mà các nhà quan sát ghi nhận trong thời gian qua. Sự vắng mặt của các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại CHDCND Triều Tiên ở Hàn Quốc.

Ngay cả những người dân Hàn Quốc cũng tỏ ra ngạc nhiên. “Thật lạ lùng. Đã có 46 thủy thủ thiệt mạng trong vụ Cheonan và mới đây nhất là hai lính thủy và hai thường dân, vậy mà chẳng có cuộc biểu tình phản đối nào diễn ra”, nhiếp ảnh gia tại Seoul tên Shin Woong Jae nói.

Jin Hyung Won, một sinh viên Hàn Quốc đang du học tại Trung Quốc, thì cho rằng người dân Hàn Quốc hiểu và thông cảm với người dân ở phía bên kia chiến tuyến. “Nếu một quốc gia khác làm chết người dân nước tôi, chắc chắn sẽ có phản ứng dữ dội. Nhưng ở đây thì không. Tình cảm dân tộc là phổ biến trong công chúng Hàn Quốc, bởi cả Bắc và Nam đều có chung nền văn hóa, chúng tôi là anh em”.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng mối liên hệ giữa hai miền Triều Tiên là sâu đậm.

Tuy nhiên tình cảm này có thể phai nhạt dần nếu những vụ việc tương tự vụ Cheonan và Yeonpyeong tiếp tục diễn ra. Ông Oh Young Jin - cựu thư ký truyền thông của phủ tổng thống Hàn Quốc, người có cả cha lẫn mẹ là người miền Bắc - nói: “Mối liên kết giữa hai miền Triều Tiên đã bị tổn hại nhiều sau hai sự việc đáng buồn xảy ra trong năm nay. Tôi từng có tình cảm với những con người miền Bắc, nhưng tình cảm đó sau hai vụ việc trên đã nhạt đi nhiều”.

XUÂN TÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên