Phóng to |
Một chiếc phà chở hành khách chạy gần tàu chiến (trái) của Hàn Quốc đang neo đậu ngoài khơi đảo Yeonpyeong sáng 21-12 - Ảnh: AFP |
Nhiều máy bay chiến đấu và tàu chiến của Hàn Quốc vẫn còn tuần tra xung quanh khu vực đảo Yeonpyeong.
“Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong phòng thủ quốc gia của chúng ta kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên” (1950-1953), Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan Jin tuyên bố trước cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia do Tổng thống Lee Myung Bak triệu tập. “Chúng ta vẫn duy trì sự sẵn sàng chiến đấu toàn bộ trên biển, kể cả trên đảo Yeonpyeong, để đối phó với những gây hấn có thể xảy đến từ phía bắc” - ông Kim Kwan Jin nói thêm.
Cùng ngày, Hàn Quốc tuyên bố sẽ chi 81,4 tỉ won (khoảng 68 triệu USD) để tăng cường an ninh cho năm hòn đảo nằm gần đường lãnh hải của hai nước. Yonhap cho biết nước này sẽ tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở quân sự trên các đảo, huấn luyện lực lượng để ứng phó những cuộc tấn công bất ngờ, xây thêm 42 điểm trú ẩn trên năm đảo ở Hoàng Hải và thành lập lực lượng 30.000 tình nguyện viên dân sự chuyên bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân khi xảy ra chiến tranh hay thiên tai.
Theo cựu quan chức ngoại giao Mỹ Bill Richardson - người đã đến thăm CHDCND Triều Tiên năm ngày qua, Bình Nhưỡng đã đồng ý mở cửa các cơ sở hạt nhân cho các thanh tra viên quốc tế.
Có mặt tại Bắc Kinh ngày 21-12, ông Bill Richardson tuyên bố thế giới đang chờ đợi “những hành động, chứ không phải những lời tuyên bố” của Bình Nhưỡng.
“Tôi nghĩ CHDCND Triều Tiên đang nhìn nhận họ đã hành xử quá tiêu cực đối với các cuộc thương lượng, rằng họ đã có những hành động tồi tệ và nay họ muốn đi theo con đường đúng - ông Bill Richardson, người thân cận của Tổng thống Mỹ Obama, cho biết - Họ đã đồng ý với những đề nghị mà tôi đưa ra... nay phải làm, chứ không thể nói suông”.
Trước đó, trong một cuộc họp báo vào ngày 20-12, sau chuyến thăm thủ đô Bình Nhưỡng, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc này cho rằng “rất đáng khích lệ” khi CHDCND Triều Tiên đồng ý không có bất cứ hành động trả đũa nào đối với Hàn Quốc. “Trong những cuộc thảo luận của tôi ở Bình Nhưỡng, tôi đã không ngừng khuyến khích CHDCND Triều Tiên đừng trả đũa... Kết quả là Hàn Quốc đã có thể biểu dương sức mạnh của mình, còn CHDCND Triều Tiên lại đã có thể hành xử như một nhà nước có trách nhiệm. Tôi hi vọng điều này đánh dấu bước khởi đầu cho một chương mới và một tiến trình đối thoại nhằm làm dịu những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên” - ông nhấn mạnh.
Mỹ và Hàn Quốc vẫn tỏ ra nghi ngờ về quyết định của Bình Nhưỡng: “Chúng tôi tin vào điều mà họ làm, chứ không phải điều mà họ khẳng định có thể làm” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley tuyên bố. Còn Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung Hwan nói: “Chúng tôi đã chứng kiến họ thất hứa rất nhiều lần trong nhiều năm qua”.
CHDCND Triều Tiên đã rút khỏi vòng đàm phán sáu bên và ra lệnh cho các thanh tra viên quốc tế rời nước này từ năm 2009.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận