19/11/2010 10:01 GMT+7

Sáu nước từ chối dự lễ trao giải Nobel hòa bình

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Sáu quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Nga và Iraq đã từ chối lời mời dành cho đại sứ nước họ tại lễ trao giải Nobel hòa bình vào tháng tới ở Oslo, Na Uy, được trao cho nhân vật đối lập Trung Quốc Lưu Hiểu Ba.

Luật gia người Na Uy cho rằng giải Nobel hòa bình 2010 không đúngNobel Hòa bình 2010: Một giải thưởng gây phản ứng

UvBdlQKa.jpgPhóng to

Viện Nobel ở Oslo, Na Uy - Ảnh: wikimedia.org

“Tính đến sáng nay, 36 đại sứ đã nhận lời mời, 16 người chưa trả lời và sáu người đã từ chối. Sáu nước này bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Cuba, Morocco và Iraq” - Giám đốc Viện Nobel Geir Lundestad nói với AFP ngày 18-11.

Mỗi năm, Viện Nobel luôn mời tất đại sứ ở thủ đô Na Uy đến tham dự lễ trao giải Nobel hòa bình vào ngày 10-12 và các nhà ngoại giao phải trả lời trước 15-11. Tuy nhiên, một số đại sứ quán đã yêu cầu thêm thời gian để quyết định, có thể vì những đe dọa từ Bắc Kinh về “các hậu quả” với những nước ủng hộ ông Lưu.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Oslo đã gửi một bức thư tới tất cả các phái đoàn ngoại giao các nước ở thủ đô Na Uy yêu cầu họ không tham dự buổi lễ này.

Hầu hết các nước phương tây, bao gồm Mỹ, Anh, Pháp và Đức vẫn sẽ tham dự. Lundestad từ chối đưa ra bình luận về các nước còn đang lưỡng lự, nhưng truyền thông Na Uy đưa tin các đại sứ quán Ấn Độ, Pakistan và Indonesia thuộc nhóm xin thêm thời gian để tham khảo ý kiến chính quyền ở nhà. Tuy nhiên, ông Lundestad cũng nói không nên diễn giải số người vắng mặt chỉ vì lý do Trung Quốc. “Năm 2008 chẳng hạn, 10 đại sứ đã không đến. Không phải lúc nào cũng là lý do chính trị” - ông giải thích.

Nhìn chung rất khó xác định các vị đại sứ không đến vì lý do gì. “Chúng tôi chỉ gửi cho họ một bức thiệp mời. Chúng tôi chỉ hỏi có hoặc không. Họ không phải đưa ra lý do” - Lundestad nói. Hầu hết các đại sứ giữ im lặng về lý do không tham dự, nhưng một người phát ngôn của đại sứ Nga tại Oslo, Valdimjir Isupov, nói với báo Anh Independent: “Chuyện này không có động cơ chính trị và chúng tôi không chịu áp lực từ Trung Quốc”.

Hiện ông Lưu đang bị giam giữ, nhiều khả năng không có ai trong gia đình ông Lưu đến nhận giải Nobel ở Oslo. Lundestad nói trong khi lễ trao giải vẫn được tiến hành, phần thưởng 10 triệu kronor Thụy Điển (1,4 triệu USD) sẽ không được trao vào năm nay.

Đây có thể là lần đầu tiên trong lịch sử 109 năm, không có người nhận giải Nobel. Đã có ba lần người được trao giải Nobel hòa bình không thể tới Oslo, nhưng lần nào cũng có người đại diện xuất hiện ở Oslo.

Những người không thể nhận giải Nobel

1991: Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi được trao giải nhưng vắng mặt. Nhận thay bà là người con trai Alexander Aris.

1983: Lãnh đạo liên đoàn Ba Lan Lech Walesa không thể đến nhận giải, vợ ông nhận thay ở Oslo.

1936: Bá tước Carl von Ossietzky, một nhà báo người Đức bị giam giữ trong trại tập trung của Quốc xã, không được cấp hộ chiếu để đến Oslo, nhận thay là luật sư của ông.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên