Indonesia: Họa vô đơn chí, hơn 300 người chếtSóng thần, núi lửa phun ở IndonesiaSống sót kỳ diệu trong sóng thần
Phóng to |
Người mẹ khóc vì vui mừng khi gặp lại những đứa con của mình tại làng Taparaboat trên đảo Mentawai, Tây Sumatra, Indonesia ngày 28-10 - Ảnh: AFP |
Hôm 28-10, cuối cùng các đội cứu hộ Indonesia đã đến được 13 trên tổng số 24 làng bị động đất - sóng thần tàn phá trên quần đảo Mentawai. Một tàu chở thực phẩm, thuốc men và túi đựng thi thể đã cập cảng Sikakap trên đảo Bắc Pagai, một trong hai đảo bị tàn phá nặng nề nhất.
Theo ông Ade Edward - lãnh đạo Cơ quan Quản lý thảm họa ở tỉnh Tây Sumatra, đến nay số người chết do động đất - sóng thần đã lên đến ít nhất 311 người. Vẫn còn khoảng 412 người khác mất tích trong quần đảo Mentawai ở Ấn Độ Dương. Hàng trăm người khác, mà phần lớn trên cơ thể đều bị các vết cắt do bị sóng biển cuốn, đang được điều trị tại các cơ sở y tế. Con số người thiệt mạng chắc chắn sẽ còn tăng vọt, do phần lớn trong số 412 người mất tích đã bị cuốn ra biển, cơ hội sống sót là cực kỳ mong manh. “Số người chết có thể tăng lên thêm hàng trăm”, một quan chức thừa nhận.
Sau thảm họa động đất - sóng thần tháng 12-2004 làm chết 220.000 người quanh Ấn Độ Dương, rất nhiều quốc gia đã xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm sóng thần. Indonesia hoàn thiện hệ thống cảnh báo vào năm 2008 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Đức. Tuy nhiên, Cơ quan Khí tượng và địa chất (MGA) tiết lộ từ đó đến nay hệ thống này liên tục bị trục trặc và đã ngừng hoạt động hoàn toàn một tháng trước đây.
Giám đốc MGA Fauzi cho biết hệ thống cảnh báo dựa trên các phao đo mực nước trên biển này ban đầu có hoạt động, nhưng các thử nghiệm năm 2009 đã cho thấy nhiều trục trặc. Và toàn bộ hệ thống đã ngừng hoạt động.
“Chúng tôi không đủ trình độ để giám sát và đảm bảo các phao hoạt động theo đúng chức năng của chúng”, ông Fauzi thừa nhận. Hậu quả là trong vụ động đất hôm 25-10, không một còi báo động nào vang lên. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết do tâm chấn động đất quá gần quần đảo Mentawai, sóng thần chỉ mất vài phút để đánh vào bờ biển. Do đó, cũng chưa rõ con số thương vong có giảm hay không nếu hệ thống cảnh báo sớm có hoạt động.
“Không công nghệ nào có thể đưa ra cảnh báo trong vòng năm phút” - ông Ade Edward khẳng định. Trong khi đó, chuyên gia Ridwan Jamaluddin thuộc Cơ quan Đánh giá và ứng dụng công nghệ Indonesia khẳng định hai chiếc phao ngoài khơi quần đảo Mentawai đã “bị phá hoại” nên không hoạt động. “Chúng không bị hỏng mà bị phá hoại - ông Ridwan tuyên bố - Đây là các thiết bị rất đắt tiền, mỗi chiếc có giá trị tới 560.000 USD”.
Cách đó 1.300km về phía đông, ở miền trung Java, núi lửa Merapi đã tĩnh lặng hơn nhưng vẫn tiếp tục nhả khói bụi. Các bác sĩ địa phương cho biết đến nay đã có 33 người thiệt mạng và 17 người khác bị thương nặng do núi lửa. Hôm qua, cộng đồng địa phương đã tổ chức một lễ tang tập thể cho các nạn nhân của núi lửa Merapi. Hơn 50.000 người đã bỏ chạy khỏi khu vực quanh chân núi và dồn ứ trong các trại tị nạn ở thành phố Yogyakarta kế cận. Quanh khu vực chân núi là một quang cảnh chết chóc: các ngôi nhà bị san bằng, cây cối cháy trụi...
Bất chấp hoàn cảnh nguy hiểm, nhiều người dân vẫn tìm cách quay về nhà. Các chuyên gia núi lửa Indonesia cảnh báo vòm nham thạch của núi lửa Merapi vẫn có thể sẽ sụp đổ, giải phóng một khối lượng khí gas và vật chất rất lớn. “Chưa thể biết rõ Merapi có ngừng hoạt động hay không” - ông Surono, lãnh đạo Trung tâm Xử lý thảm họa địa chất và núi lửa Indonesia, cho biết.
Hơn 1 triệu dân Indonesia sinh sống hằng ngày dưới sự đe dọa bùng nổ của núi lửa Merapi. Họ đã học chung sống với nguy cơ đe dọa này bởi Indonesia là khu vực núi lửa hàng đầu thế giới với 130 núi lửa còn hoạt động. Indonesia nằm trên vòng cung lửa Thái Bình Dương dài 40.000km. Đất nước của họ thường xuyên gánh chịu những tang tóc do những thảm họa động đất, núi lửa gây ra (trận núi lửa Tambora phun trào năm 1815, núi lửa Krakaroa bùng phát năm 1883 đã gây nên những cơn sóng thần di chuyển khắp thế giới). T.N. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận