Phóng to |
Một người đàn ông Nga ngồi bất lực nhìn ngôi nhà bị thiêu rụi tại thị trấn Vyksa, cách Nizhny Novgorod khoảng 150km, ngày 29-7 - Ảnh: Reuters |
Dưới thời Liên Xô, việc giám sát rừng bao gồm ba vòng đai an toàn. Một là, ở mỗi khu rừng lực lượng bảo vệ rừng cũng giống như những trinh sát, họ thường xuyên đi tuần tra để ngăn ngừa cháy rừng và giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Hai là, đặt hàng ngàn trạm canh để sớm phát hiện nơi nào có lửa cháy, nhờ đó dập lửa kịp thời và hiệu quả. Ba là, các máy bay bảo vệ rừng thường xuyên bay tuần tra.
Còn nay rừng giống như đứa trẻ bị bỏ rơi: không còn được nhà nước cũng như khu vực tư nhân quan tâm. Chính sách chung về rừng là do Bộ Nông nghiệp quy định, việc triển khai và thực hiện lại khoán cho Cơ quan liên bang phụ trách rừng, còn Bộ Tài nguyên thiên nhiên chỉ kiểm soát các công viên quốc gia. Thế nhưng, lại không cơ quan nào trong các cơ quan này quản lý các cánh rừng thông và rừng bulô.
Theo luật kiểm lâm năm 2007, trách nhiệm theo dõi và kiểm tra rừng chủ yếu thuộc về các nhà khai thác tư nhân. Vì sao lại hủy bỏ việc bảo vệ rừng (khi bãi bỏ 75.000 trạm canh rừng)? Vì sao lại xóa bỏ một hệ thống quản lý rừng tập trung, công cụ hữu hiệu để bảo vệ các diện tích rừng?
Việc thông qua bộ luật mới năm 2007 đã dẫn đến sự xuất hiện của một dạng kinh doanh mới, một loại doanh nhân mới: tư nhân thuê rừng.
Tất nhiên, người ta không thể đổ hết mọi tội lỗi cháy rừng cho họ, bởi vì hoạt động khai thác rừng đòi hỏi họ phải đầu tư nhiều tiền của cho việc mở những con đường vận chuyển gỗ, xây dựng trạm cho xe cứu hỏa, xây dựng đường băng cho máy bay, bảo dưỡng các thiết bị chống cháy - mà các nhà khai thác rừng kiểu “chụp giật” này không thể và cũng không muốn bỏ ra. Chính vì thế, khi xảy ra cháy rừng họ đều phải kêu cứu các cơ quan nhà nước, chẳng hạn Bộ Tình trạng khẩn cấp và chính nhà nước phải chi tiền.
Xem ra chính lực lượng bảo vệ rừng khi không còn bảo vệ rừng (sau năm 2007) lại trở thành những kẻ phá rừng. Người ta cho phép họ được đốn hạ cây rừng. Và hậu quả chẳng mấy chốc đã lộ rõ: thay vì bảo vệ rừng họ lại phá rừng hoặc nhắm mắt làm ngơ cho bọn đốn gỗ lậu hoạt động. Sau khi đốn hạ gỗ, bọn người này còn đốt phá phần cây rừng còn lại để xóa sạch mọi dấu vết phạm tội của mình.
Việc làm của những hạng người này chẳng mấy khó hiểu: với mức thu nhập chết đói, làm sao họ có thể cưỡng lại cơn cám dỗ là đừng cấu véo những tài sản vô biên vốn chẳng thuộc sở hữu của ai cả.
Hậu quả nữa là số chuyên gia có năng lực về rừng rơi rụng còn lại chẳng mấy người. Một nhóm đếm trên đầu ngón tay đang phải coi sóc hàng chục ngàn hecta rừng. Hơn nữa, cũng chính những người này rõ ràng phải dành nhiều thời gian trong văn phòng hơn là đi thực địa. Ông Mikhaïl Kreïndline, một trong số các lãnh đạo của Tổ chức Hòa bình xanh ở Nga, nhận định tình trạng “cha chung không ai khóc” đã dẫn đến nhiều tình huống nực cười: khi một diện tích nông nghiệp bị cháy trong một vùng khai thác gần bên rừng, lực lượng bảo vệ rừng không có quyền can thiệp vì họ sợ bị phạt do lãng phí tiền bạc!
Ông Nikolai Chmatkov, điều phối viên của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) của Nga, nói: “Chúng tôi cần lực lượng bảo vệ rừng có học vấn và được trả lương cao. Có như thế chúng tôi mới tránh được tình trạng đang phải vắt kiệt sức bốn máy bay cứu hỏa (tội nghiệp) Canadair mà Nga đang có (những máy bay này, từ nhiều tuần qua, phải liên tục thả 120 tấn nước mỗi ngày xuống nhằm dập tắt nạn cháy rừng)”.
Rừng Nga, di sản của thế giới Nga hiện sở hữu một trong các diện tích rừng lớn nhất thế giới: 800 triệu hecta, chiếm 47% lãnh thổ Nga và 22% diện tích rừng thế giới. Rừng thông chiếm gần 70% diện tích rừng và Nga chiếm một nửa diện tích rừng thông thế giới. Phần lớn rừng Nga nằm ở vùng Viễn Đông và Siberia. Một phần tư diện tích rừng này nằm trên phần châu Âu của Nga, dễ làm mồi cho “giặc lửa”. Trữ lượng gỗ khoảng 83 triệu m3, chiếm 26% lượng gỗ thế giới. Nga là một trong ba nước xuất khẫu gỗ lớn nhất thế giới. Rừng Nga giữ vai trò quan trọng trong việc tạo oxy cho hành tinh chúng ta: hằng năm rừng Nga hấp thụ 600 triệu tấn khí carbon. Nói cách khác, cứ bốn người trên hành tinh chúng ta thì một người đang hít thở khí oxy của rừng Nga. Ngoài ra, nạn buôn lậu gỗ và phá rừng bất hợp pháp ở Nga là rất lớn, nhưng khó ước tính thiệt hại do việc lách luật và nạn tham nhũng trong công nghiệp khai thác rừng. |
Tin bài liên quan:
Nga ra lệnh bảo vệ các cơ sở hạt nhânPutin trả lời blogger vụ cháy rừngNga: 636 điểm cháy rừngNga: hạn hán, cháy rừng, giá lúa mì tăng caoNga ban bố tình trạng khẩn cấp do cháy rừngMatxcơva chìm trong khói2.000 người ở Nga chết vì nắng nóng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận