04/06/2010 07:59 GMT+7

Cheonan chìm, Hatoyama cũng "chìm"

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Một tuần sau khi kết quả điều tra vụ nổ tàu Cheonan của Hàn Quốc được công bố, Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama đã có cuộc điện đàm 20 phút với Tổng thống Mỹ Barack Obama, và ông đã đồng ý duy trì căn cứ Futenma của quân đội Mỹ trên đảo Okinawa.

Quyết định này đi ngược lại điều ông đã hứa hẹn trong tranh cử năm ngoái! Và đó chính là một cuộc “tự sát chính trị” của ông .

Thủ tướng Nhật từ chức: cái giá của hứa hão

hQjcejbV.jpgPhóng to
Bản đồ khu vực Đông Á - Đồ họa: N.Khanh

Nửa ngày sau khi ông Hatoyama từ chức, trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại giao Mỹ, người phát ngôn Crowley đã giải thích tất cả: “Tôi nghĩ rằng hôm nay chánh văn phòng (nội các Nhật) đã tuyên bố thỏa thuận về căn cứ Futenma sẽ được tôn trọng, do lẽ đây là một thỏa thuận cấp chính phủ. Sự hiện diện của quân lực Mỹ trong khu vực, bao gồm Nhật Bản, là tối quan trọng... Tình hình căng thẳng hiện nay ở Đông Bắc Á càng cho thấy rõ hơn tầm quan trọng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực và của liên minh Mỹ - Nhật... (Vấn đề đặt ra cho) liên minh này không chỉ có mỗi một chuyện liên quan đến tương lai của căn cứ Futenma”.

Điều này có nghĩa là thủ tướng Nhật có từ chức thì cũng chẳng sao; “hê-lô” thủ tướng mới. Và Okinawa vẫn cứ phải là Okinawa.

Chỉ cần nhìn vào bản đồ: Okinawa cùng quần đảo Ryukyu nằm ngay giữa Đài Loan với Nhật Bản. Quần đảo Ryukyu chính là một hạm đội “hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm” trải dài cả ngàn hải lý. Nó án ngữ hải lộ ra vào phía nam bán đảo Triều Tiên, đồng thời “ngó vào” Thượng Hải, Hàng Châu, vừa bảo vệ Đài Loan vừa phòng thủ phía nam Nhật Bản. Trước năm 1972, tức trước khi Okinawa được trả lại cho Chính phủ Nhật vào năm 1972 tại đây quân đội Mỹ đã có lúc tàng trữ đến 1.200 đầu đạn hạt nhân, thậm chí cả hơi độc VX!

Thoạt đầu, Thủ tướng Hatoyama tỏ ra rất quyết liệt với vấn đề Okinawa. Tháng 11-2009, ngay trước khi Tổng thống Mỹ Obama sang thăm Nhật Bản, ông đã đòi Mỹ phải giao nộp một lính Mỹ vừa giết một công dân Nhật ở Okinawa. Sau đó, ông còn cho công bố các thỏa thuận bí mật của Đảng Dân chủ tự do (LDP) trước kia cho phép Mỹ chứa vũ khí hạt nhân ở Nhật Bản nhằm huy động dư luận trong nước hậu thuẫn ông trong việc yêu cầu Mỹ dời căn cứ Futenma.

Trong lòng dân Nhật, nhất là dân Okinawa, đây là tàn tích của một thời “bị chiếm đóng”. Một tháng tám ngày sau khi Nhật đầu hàng vào ngày 14-8-1945, quân và dân Okinawa vẫn chưa chịu buông súng. 100.000 lính Nhật và chừng ấy thường dân Nhật (tức 1/4 tổng số thường dân) đã chết trong trận đánh kéo dài hai tháng 23 ngày này. Họ quyết tử vì hiểu rõ hòn đảo này là phòng tuyến cuối cùng của đất nước họ. Thủy quân lục chiến Mỹ cũng tử chiến vì vị trí đầu cầu đổ bộ này.

65 năm sau, vị trí của Okinawa càng “chiến lược” hơn vào lúc mà Trung Quốc đang tiến dần đến vị thế của “Nhật Bản 1939”. Thế hệ 1945 ở Okinawa vẫn còn sống, ký ức quá khứ vẫn chưa qua. Thế hệ sau cũng đâu quên vụ bạo động năm 1970 ở thị trấn Koza (trên đảo Okinawa) giữa 5.000 dân và 900 quân cảnh Mỹ sau vụ xe Mỹ cán người. Thế nên, họ chẳng hơi đâu mà màng đến giải thích “vị trí chiến lược của Okinawa”!

Trong bối cảnh đó, xảy ra vụ nổ chìm tàu Cheonan. Tất nhiên, Hàn Quốc không thể tự làm nổ để mưu tìm một cuộc chiến tranh tự hủy diệt với phía bắc. Sau vụ đó nổi lên lại câu hỏi: rút lính Mỹ từ Okinawa qua đảo Guam xa tít mù khơi để mở cửa mời thiên hạ vào sao?

Và Thủ tướng Hatoyama, vì “sự sống còn chiến lược”, đã tự kết liễu sự nghiệp chính trị bằng quyết định giữ lại căn cứ Futenma của Mỹ ở Okinawa. Từ nay, dù đảng nào cầm quyền ở Nhật thì quân Mỹ cũng sẽ vẫn đóng tại Okinawa, và Chính phủ Nhật hằng năm đóng 2 tỉ USD chi phí như từ sau chiến tranh.

Chạy đua tìm thủ tướng mới

Hôm nay, 4-6, Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền sẽ bỏ phiếu chọn lãnh đạo mới sau khi Thủ tướng Yukio Hatoyama bất ngờ từ chức chỉ sau tám tháng nắm quyền. Các nhà đầu tư lo ngại bất ổn chính trị có thể trì hoãn những nỗ lực khôi phục nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Reuters cho biết Bộ trưởng tài chính Naoto Kan hiện vẫn là ứng cử viên hàng đầu, cho dù nghị sĩ còn ít tên tuổi Shinji Tarutoko nói ông cũng sẽ ra tranh cử chức lãnh đạo đảng. Trước đó, các ứng viên có khả năng khác là Bộ trưởng ngoại giao Katsuya Okada hay Bộ trưởng giao thông Seiji Maehara đều đã tuyên bố rút lui.

Gần như các tờ báo lớn ở Nhật Bản sáng 3-6 đều dự đoán ông Kan sẽ là người thay thế ông Hatoyama.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên