03/06/2010 10:39 GMT+7

Thủ tướng Nhật từ chức: cái giá của hứa hão

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Không thực hiện được cam kết đưa ra khi tranh cử, vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân, ngày 2-6 Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama đã buộc phải từ chức.

KPjmeB3b.jpgPhóng to

Ông Hatoyama loan báo từ chức sau tám tháng cầm quyền - Ảnh: Reuters

Xuất hiện trong cuộc họp báo của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) với dáng vẻ mệt mỏi và đôi mắt ngân ngấn nước, ông Hatoyama tuyên bố sẽ ra đi. Ông là thủ tướng thứ tư phải từ chức trong chưa đến bốn năm qua ở Nhật Bản.

Phó thủ tướng đương nhiệm kiêm bộ trưởng tài chính Naoto Kan, 63 tuổi, được báo chí mô tả là ứng viên phù hợp nhất cho chiếc ghế thủ tướng vào ngày 4-6 khi DPJ bầu chủ tịch đảng mới cũng là ứng cử viên thủ tướng để trình quốc hội bỏ phiếu cùng ngày.

Sau nhiều ngày chống đỡ trước áp lực ngày càng mạnh cộng thêm uy tín sút giảm thảm hại, cuối cùng ông Hatoyama, 63 tuổi, đã chấp nhận từ chức, chỉ vài tuần sau khi cuộc bầu cử thượng viện được ấn định vào ngày 11-7. Ông cũng yêu cầu tổng thư ký DPJ Ichiro Ozawa - nhân vật có ảnh hưởng nhất của DPJ, có biệt danh “tướng quân trong bóng tối” - từ chức.

Các nhà phân tích cho rằng với sự ra đi của ông Hatoyama và ông Ozawa, DPJ sẽ tự tin hơn khi bước vào cuộc bầu cử thượng viện. “Nguyên nhân khiến người dân không ủng hộ DPJ là do cặp Hatoyama - Ozawa. Giờ cả hai đã ra đi, DPJ có thể thuyết phục được cử tri” - chuyên gia Tsuneo Watanabe của Tổ chức Tokyo nhận định.

Trả giá vì hứa hão

“Những gì chính phủ làm không phản ánh nguyện vọng của người dân - ông Hatoyama nói trong nước mắt - Từ cuộc bầu cử năm ngoái đến nay tôi đã cố thay đổi chính trị theo hướng người dân làm chủ, nhưng tôi đã thất bại” - AFP dẫn lời ông cho biết.

Ông nêu hai lý do cho sự ra đi của mình: thất bại trong việc di dời căn cứ quân sự Mỹ Futenma ở đảo Okinawa và những bê bối tài chính của những người thân cận.

Là người đã làm nên chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử vào tháng 8-2009, chấm dứt hơn 50 năm cầm quyền gần như liên tục của Đảng Dân chủ tự do (LDP), ông Hatoyama đã lên cầm quyền với nhiều tham vọng lớn: thay đổi nước Nhật, đưa chính trị phục vụ nhân dân và lập lại cân bằng trong quan hệ với Mỹ.

Vào đầu nhiệm kỳ, tỉ lệ ủng hộ của người dân đối với ông lên đến 70%, nhưng rồi uy tín của ông đã nhanh chóng tụt dốc thảm hại do thái độ quay lưng lại với những gì ông đã hứa hẹn khi tranh cử và do sự thiếu quyết đoán của ông.

Điều mà cử tri Nhật Bản trách cứ ông nhất là đã không giữ lời hứa di dời căn cứ quân sự Mỹ Futenma ở đảo Okinawa, như người dân địa phương yêu cầu.

Sự thất hứa của ông, dưới áp lực của Mỹ, như giọt nước tràn ly khiến liên minh cầm quyền gồm ba đảng giữa DPJ và hai đảng nhỏ bị tan vỡ. Đảng cánh tả Dân chủ xã hội (SDP) rút khỏi liên minh và gia nhập phía đối lập. Giải thích việc này, ông nói: “Sự hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ là điều thiết yếu cho hòa bình và an ninh tại khu vực Đông Á, và tôi lấy làm tiếc đành phải yêu cầu người dân Okinawa phải chịu đựng gánh nặng này”.

Thế nhưng chủ tịch Đảng SDP Mizuho Fukushima, như AP dẫn lời, đã cáo buộc: “Ông ta đã phớt lờ tiếng nói của người dân”. Còn cử tri Nhật bày tỏ thái độ rõ ràng khi chỉ có 17% người ủng hộ ông, như khảo sát của báo Asahi hồi đầu tuần đã cho thấy.

Đề cập những bê bối quỹ bầu cử, ông Hatoyama cho rằng cần thiết phải “xây dựng lại DPJ trong sạch hơn, trở lại với một Đảng DPJ nơi người dân có thể đặt niềm tin của mình”.

Bộ trưởng tài chính sẽ lên thay?

WnJdkSdP.jpgPhóng to
Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng tài chính Naoto Kan ngày 12-4-2010 tại Tokyo - Ảnh: AFP

Ngoài ông Naoto Kan, Ngoại trưởng Katsuya Okada (56 tuổi), Bộ trưởng giao thông Seiji Machara (48 tuổi) cũng có thể là những ứng viên cho chức thủ tướng.

Ông Kan được đánh giá là một chính trị gia thẳng thắn, độc lập, từng nổi tiếng với việc lật tẩy vụ chính quyền che giấu hàng loạt trường hợp nhiễm HIV do tiếp máu hồi năm 1996 khi ông còn là bộ trưởng y tế.

Giới quan sát nhận định các nhà đầu tư đang lo ngại về khối nợ công khổng lồ của Nhật sẽ hoan nghênh ông N. Kan. Thời gian qua, ông đã nhiều lần yêu cầu ngân hàng Nhật nỗ lực chống giảm phát, và muốn tăng thuế bán hàng thêm 5% để tiếp vốn cho các chương trình phúc lợi xã hội. “Nếu Bộ trưởng tài chính Kan lên nắm quyền, đó sẽ là thông tin có lợi bởi ông tỏ ra quyết tâm thắt chặt tài khóa và tăng thuế tiêu dùng” - Reuters dẫn lời nhà kinh tế Hirokata Kusaba của Viện nghiên cứu Mizuho nhận định.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên