15/04/2010 08:28 GMT+7

"Nội chiến" tại Toyota

HIẾU TRUNG (Theo Wall Street Journal, Business Week)
HIẾU TRUNG (Theo Wall Street Journal, Business Week)

TT - Việc thu hồi xe Toyota đã như ly nước tràn ly làm phơi bày và trầm trọng hơn cuộc chiến tranh giành quyền lực quyết liệt giữa các thành viên gia đình sáng lập Toyoda với nhóm người “ngoại tộc” về một chiến lược phát triển...

mzXWCW1G.jpgPhóng to

Ông Akio Toyoda (trái) và ông Katsuaki Watanabe: đồng sàng dị mộng - Ảnh: Reuters - Getty Images

Nguồn tin từ nội bộ Toyota tiết lộ kể từ giữa tháng 1-2010, ông Akio Toyoda, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Toyota, đã yêu cầu phó chủ tịch Katsuaki Watanabe, một người “ngoại tộc” với gia đình Toyoda, từ chức và chỉ quản lý một chi nhánh của Toyota.

Từng giữ chức chủ tịch và tổng giám đốc trước ông Toyoda, Watanabe đã thẳng thừng từ chối. Sự kiện này càng khiến cuộc tranh giành quyền lực giữa phe “nội tộc” Toyoda và “ngoại tộc” ngày càng trở nên căng thẳng và gay gắt vốn đã kéo dài từ nhiều năm qua, nhất là sau khi nổ ra vụ xìcăngđan thu hồi xe.

Đấu đá lẫn nhau

Trong vài tuần qua, ông Toyoda và những người theo ông luôn rêu rao rằng khi lên nắm giữ lại chức chủ tịch vào tháng 1-2009, ông đã nhận lại từ tay những người tiền nhiệm vốn là những kẻ ngoại tộc một tập đoàn tan nát vì suy yếu do hậu quả của chiến lược “hi sinh chất lượng để chạy theo số lượng”.

Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, Trung Quốc hồi tháng 3, ông Toyoda khẳng định: “Vấn đề là một số cá nhân đã trở nên quá tự kiêu và chỉ chăm bẳm vào chuyện kiếm lợi nhuận”.

Một tuần trước đó, Jim Press, một trong những lãnh đạo cấp cao nhất của Toyota tại Mỹ, đã tuyên chiến: “Nguyên nhân của mọi vấn đề là việc một số tên cướp biển vì hám lợi nhuận lại chống phá gia đình Toyoda, đã cướp phá công ty từ vài năm trước rồi. Những người này không hề có phẩm chất để đảm bảo ưu tiên vì khách hàng của Toyota. Chỉ có ông Akio làm được điều đó”.

Trên thực tế, ông Toyoda từng lên tiếng cảnh báo khi Toyota thu hồi một số đợt xe để sửa chữa từ năm 2005. Ngày 2-12-2005, phát biểu trước các kỹ sư và nhân viên quản lý cấp trung, ông Toyoda đã khẳng định công ty không thể đảm bảo chất lượng của mọi sản phẩm do tốc độ tăng trưởng quá nhanh, và kêu gọi các kỹ sư hãy “chuyển hướng từ tập trung cho số lượng sang tập trung cho chất lượng”.

Phản ứng lại, các lãnh đạo ngoại tộc Toyoda cũng mở một chiến dịch chống lại ông Toyoda. Họ cáo buộc ông là đã không hề công khai phản đối chiến lược vì lợi nhuận của họ khi Toyota vượt qua General Motors để trở thành hãng xe hơi lớn nhất thế giới. Họ khẳng định vào tháng 12-2005, ông Toyoda cũng không hề gửi khiếu nại về chất lượng lên giới lãnh đạo công ty. Một số cho rằng những rắc rối hiện nay của Toyota không phải bắt nguồn từ chất lượng khủng hoảng mà là từ chính khả năng quản lý và quan hệ công chúng của ông Toyoda.

“Liệu có phải Toyoda đang tìm cách né tránh những chỉ trích cho rằng ông ta lên hương chỉ vì là “con ông cháu cha” bằng cách buộc tội chúng tôi?” - một cố vấn của phó chủ tịch Watanabe phản pháo - Một trong những trách nhiệm xã hội lớn nhất của chúng tôi là tạo ra lợi nhuận và đóng thuế.

Việc chỉ trích nỗ lực kiếm lợi nhuận và đóng thuế của công ty là hoàn toàn vô lý”. Trong khi đó, cựu chủ tịch Hiroshi Okuda, một người ngoại tộc khác từng nắm quyền từ năm 1995-1999 và hiện vẫn là cố vấn cao cấp của Toyota, cũng nhiều lần tuyên bố: “Akio Toyoda cần phải ra đi”.

Cuộc chiến 15 năm

Toyota ngừng bán xe Lexus GX 460 tại Mỹ

Theo AFP, ngày 14-4 Hãng Toyota đã yêu cầu các đại lý xe Lexus (nhãn hiệu xe sang trọng của Toyota) ở Mỹ ngừng bán loại xe thể thao đa dụng GX 460 đời 2010 sau khi tạp chí Consumer Reports đánh giá loại xe này là “nguy cơ đối với sự an toàn của người lái”. Kết quả kiểm tra cho thấy xe GX 460 dễ bị lật khi phóng ở tốc độ cao. Toyota cam kết sẽ thực hiện thí nghiệm tương tự để kiểm tra xem xe GX 460 có lỗi hay không.

Cuộc “nội chiến” tại Toyota thật ra đã bắt đầu từ giữa những năm 1990, khi gia đình Toyoda mất quyền lãnh đạo công ty lần đầu tiên kể từ năm 1967.

Năm 1995, thời điểm chú của ông Toyoda là Tatsuro từ chức chủ tịch sau một cơn đột quỵ cũng lại là lúc công ty đang mất thị phần và lần đầu tiên đứng trước nguy cơ lỗ kể từ năm 1950. Hàng loạt người ngoại tộc lần lượt lên nắm quyền lãnh đạo Toyota, mở đầu là Okuda năm 1995 cho đến Watanabe, người rời ghế chủ tịch năm 2009.

Suốt thời kỳ này, Toyota phục hồi mạnh mẽ và trở thành một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới. Chiến lược của Okuda và Watanabe là quảng bá thương hiệu Toyota ra toàn thế giới, dù trước đó Toyota đã có nhà máy tại Mỹ nhưng vẫn chỉ tập trung cho thị trường Nhật.

Năm 1996, Okuda công bố chiến lược 10 năm với hàng loạt cải tổ từ thiết kế đến sản xuất xe hơi. Trong 15 năm sau đó, doanh số Toyota đã bùng nổ và năm 2008 vượt qua người khổng lồ General Motors của Mỹ để trở thành số 1 thế giới.

Trong sách lược của mình, Okuda tìm cách triệt tiêu vai trò của gia đình Toyoda bởi cho rằng công ty gia đình là một khái niệm lỗi thời, đặc biệt khi gia đình Toyoda chỉ sở hữu chưa đến 2% cổ phần công ty. Ở thời kỳ đỉnh cao quyền lực, Okuda từng tuyên bố: “Cuối cùng thì gia đình Toyoda sẽ trở thành một điện thờ và chúng tôi sẽ đến viếng điện thờ này mỗi năm một lần”.

Khi được hỏi về vai trò của ông Akio Toyoda, Okuda đã thẳng thừng: “Nhãn hiệu “con ông cháu cha” không có chỗ trong tương lai của chúng tôi”, và giễu cợt là ở Toyota có đầy rẫy những người có tài cỡ như Akio. Vào lúc Akio Toyoda chỉ là một nhân vật thứ yếu trong Toyota, ông được giao nhiệm vụ lãnh đạo chi nhánh Toyota ở Trung Quốc năm 2001 thì nước này vẫn chỉ là một thị trường nhỏ. Và Okuda gọi công việc của Akio Toyoda là “lau sàn nhà”.

Trớ trêu là Akio Toyoda đã mở rộng được thị trường Trung Quốc và rồi được cất nhắc lên chức phó chủ tịch từ năm 2005 với nhiều quyền lực hơn. Dù vậy, ông lại ít khi lên tiếng trong các cuộc họp ban lãnh đạo.

Một số thành viên Toyota tiết lộ lúc đó nhóm ngoại tộc tỏ ra coi thường Akio Toyoda và coi ông chỉ là một kẻ con ông cháu cha kém thông minh. Khi đó, Watanabe chuẩn bị rời ghế tổng giám đốc. Okuda, vẫn còn là thành viên ban quản trị, muốn đưa một người ngoại tộc khác lên, nhưng cựu chủ tịch Shoichiro Toyoda, lúc này vẫn còn là một cố vấn đầy quyền lực, đã vận động để đưa con trai ông là Akio Toyoda lên nắm quyền.

Lên nhậm chức, Akio Toyoda quyết định loại bỏ hàng loạt chính sách của những cựu chủ tịch ngoại tộc. Ông tuyên bố không ủng hộ mục tiêu 21,4 tỉ USD doanh thu hằng năm của Watanabe. Ông và những người theo ông cũng cáo buộc nhóm ngoại tộc đã gây ra tình trạng kém chất lượng, dẫn đến các vụ thu hồi xe hàng loạt.

Lý do: phải mất hai đến ba năm để phát triển một mẫu xe mới, do đó để tiết kiệm chi phí và có lợi nhuận nhanh, những nhà lãnh đạo ngoại tộc đã thuê một số lượng lớn kỹ sư thiếu kinh nghiệm từ các hãng bên ngoài dẫn đến việc nhiều mẫu xe bị lỗi.

Nhưng nhóm ngoại tộc phản công bằng cách chỉ trích Akio Toyoda là bè phái khi lập một đội ngũ các cá nhân trung thành với mình, là phản ứng quá chậm, lù mù khi xìcăngđan thu hồi xe hơi trở nên trầm trọng, trong khi những người ủng hộ Toyoda lại khẳng định ông luôn minh bạch về chiến lược của công ty: “Quay trở lại với những giá trị cơ bản, tái thiết nền tảng Toyota và hệ thống sản xuất của hãng”.

Tin, bài liên quan:

Toyota ngừng bán Lexus GX 460Toyota Việt Nam nhận sửa lỗi chân ga xe nhập khẩuToyota bác nguyên nhân Prius tăng tốc đột ngộtToyota VN vẫn chưa có linh kiện để sửa lỗi chân gaXe Toyota tiếp tục bị than phiền sau khi sửa lỗiMỹ đòi phạt Toyota 16 triệu USD

HIẾU TRUNG (Theo Wall Street Journal, Business Week)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên