26/01/2014 10:35 GMT+7

Giữ lấy rừng vàng

PHẠM XUÂN DŨNG
PHẠM XUÂN DŨNG

TT - Cách đây gần nửa thế kỷ, trong hoàn cảnh cả nước phải dồn hết nhân tài vật lực cho kháng chiến chống Mỹ, thống nhất non sông thì vấn đề bảo vệ rừng ít ai quan tâm, thậm chí còn coi là chuyện nhỏ. Nhưng vẫn có những người nhìn xa trông rộng, dồn hết tâm lực giữ lấy rừng vàng. Một trong những người ấy chính là ông Nguyễn Tạo.

Kỳ 1: Cuộc vượt ngục lừng danh Kỳ 2: Thành hoàng của làng

oQjVs7GI.jpg
Tổng bí thư Lê Duẩn cùng ông Nguyễn Tạo vào thăm rừng Cúc Phương - Ảnh tư liệu

Từ rừng Cúc Phương

Hôm nay, khi đến vườn quốc gia Cúc Phương, nhiều người tham quan, trong đó có không ít người nước ngoài, trầm trồ thú vị. Nhưng không phải ai cũng biết người có công lớn trong việc bảo tồn tài nguyên quý giá không chỉ của VN.

Năm 1954, hòa bình lập lại được ít lâu thì ông Nguyễn Tạo được cử làm tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. Khi nghe cấp dưới báo cáo ở khu vực Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình có một vùng rừng rất quý, ông lập tức đến khảo sát rồi cho lập kế hoạch điều tra cụ thể. Khi đã đủ cứ liệu để khẳng định giá trị quý giá của rừng, ông đã có tờ trình thủ tướng Chính phủ lập rừng quốc gia Cúc Phương, nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học và nguồn gen quý hiếm ở đây. Ngày

20-12-1962, Chính phủ đã ra quyết định chuẩn y. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, giá trị ngày càng to lớn của rừng Cúc Phương đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu ngành lâm nghiệp bấy giờ. Cũng chính ông, bằng nỗ lực của mình, đã tích cực xúc tiến chỉ đạo việc thành lập Viện Nghiên cứu lâm nghiệp sau này. Liên quan đến nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học có một câu chuyện rất lý thú và cảm động ...

Năm 1960, ông Thái Văn Trừng, một nhà lâm học trẻ tuổi nhiều triển vọng, được chuyên gia Liên Xô đề nghị sang nước bạn làm nghiên cứu sinh. Lúc ấy, ông Trừng chưa phải là đảng viên nên chuyện xuất ngoại du học hầu như không thể thực hiện. Biết chuyện, ông Nguyễn Tạo đã báo cáo lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, xin bảo lãnh để nhà khoa học có cơ hội phát triển tài năng. Ông Thái Văn Trừng đã được du học nước ngoài và hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Sau hai năm, ông đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ và tiếp đó được công nhận tiến sĩ (nay gọi là TSKH). Ông Trừng là một trong những nhà lâm học đầu tiên có bằng tiến sĩ của nước VN dân chủ cộng hòa và đã có rất nhiều cống hiến cho ngành lâm nghiệp nước nhà. Điều này cho thấy ông Nguyễn Tạo đã thực lòng quý trọng trí thức, nâng đỡ tài năng, trong đó có những người đã phục vụ tốt cho ngành lâm nghiệp VN sau này.

RDqlnd4P.jpg
Dân làng rước thành hoàng Nguyễn Tạo về đình làng - Ảnh tư liệu

Tâm huyết với rừng

Một điều khiến ông Nguyễn Tạo trăn trở không ít chính là cuộc sống gian khổ của những người công tác trong ngành lâm nghiệp, nhất là với những công nhân.

Ông hiểu rằng để những người làm nghề “sơn tràng” vất vả, nặng nhọc sống được với rừng, gắn bó với rừng luôn là chuyện bức thiết. Điều này càng khó hơn trong thời kinh tế bao cấp bấy giờ, lao động của họ thường chỉ tính theo công điểm theo lối làm ăn hợp tác xã. Điều này đã thôi thúc ông tìm cách khoán sản phẩm cho người lao động trực tiếp.

Đó là tư duy tiên tiến nhưng vì quá mới mẻ trong hoàn cảnh bấy giờ nên không được số đông chấp nhận, kể cả với những người có tiếng nói quyết định vận mệnh quốc gia.

Đồng cảm với ông có bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc, một người bạn, một người cùng chí hướng cũng tuổi Tỵ nhưng kém ông một giáp. Nếu ông Kim Ngọc nung nấu ý tưởng khoán đất trong nông nghiệp thì ông Nguyễn Tạo tâm đắc chủ trương khoán rừng trong lâm nghiệp.

Nhưng khi hay tin bí thư Kim Ngọc bị phê phán nặng nề vì “khoán sản phẩm” thì ông Nguyễn Tạo biết rằng mong mỏi của ông chưa thể thực hiện được. Dù vậy, ông cũng đã tìm mọi cách cải thiện đời sống của người lao động trong điều kiện có thể. Chính bà Nguyễn Thị Hòa Bình - con gái thứ hai của ông Nguyễn Tạo - khi kể với chúng tôi về người cha của mình đã cho biết thêm nhiều chi tiết quan trọng.

Theo bà Bình, ngay từ thời điểm ấy, nhiều người trong ngành lâm nghiệp vẫn nhớ những câu hỏi ông thường canh cánh đặt ra: Tại sao rừng vàng mà công nhân lâm nghiệp vẫn chưa sống được nhờ rừng? Tại sao mật ong rất tốt mà chúng ta vẫn chưa nuôi được ong để lấy mật? Tại sao vẫn chưa trồng dâu nuôi tằm dệt vải để tự chủ về nguyên liệu may mặc?...

Ông luôn đau đáu về tình trạng phá rừng một cách vô tội vạ, nhất là rừng đầu nguồn. Thời đó, phá rừng được xem là chuyện bình thường, thậm chí còn xem như chuyện đương nhiên.

Người dân và kể cả nhiều cán bộ có chức trách vẫn coi rừng vàng là vô tận, thoải mái khai thác, vô tư thụ hưởng. Họ không biết hay không chịu biết rằng của kho có hạn, nếu không khéo dùng thì chẳng mấy chốc sẽ cạn kiệt và chính con người phải gánh chịu hậu quả.

Giữa thời buổi mọi người sống theo khẩu hiệu “Tất cả cho chiến trường, tất cả để giải phóng miền Nam ruột thịt” thì ông Tạo lại đề xuất phải thành lập lực lượng kiểm lâm để giữ rừng. Nhiều người xem ý kiến này là lạc lõng, thậm chí lẩm cẩm.

Có người còn gọi ông là nhà “lâm nghiệp chủ nghĩa” chỉ biết có rừng, trong lúc đất nước đang dầu sôi lửa bỏng theo cuộc kháng chiến. Đã có ý kiến cho rằng chỉ có những nước tư bản mới cần lực lượng kiểm lâm, dân ta giác ngộ cao, chỉ cần tuyên truyền là đủ, cần gì đến cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng cho thêm rườm rà, phức tạp.

Nhưng ông Nguyễn Tạo vẫn kiên quyết bảo vệ quan điểm của mình vì nhìn thấy nguy cơ mất rừng và tai họa về sau.Vì vậy, nhất thiết phải giữ rừng bằng pháp luật với sự thành lập một lực lượng chuyên ngành. Chính ông đã từng thẳng thắn báo cáo Tổng bí thư Lê Duẩn về tình trạng phá rừng đầu nguồn.

Đồng chí Lê Duẩn đã vào thăm rừng Cúc Phương với sự tháp tùng của tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Tạo. Và câu chuyện giữ rừng cũng đã đến được với người lãnh đạo tối cao: Chủ tịch Hồ Chí Minh và lưu vào sử sách.

Vào lúc 7g30 ngày 27-12-1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Tạo báo cáo về tình hình trồng cây gây rừng. Tổng cục trưởng đã trình bày với Chủ tịch những bản thống kê về sự phá hoại của địch như ném bom, chất độc hủy diệt trên những cánh rừng miền Nam và tình trạng đẵn gỗ rừng bừa bãi ở miền Bắc. Tổng cục trưởng thưa với Chủ tịch: “Cứ đà này thì chỉ cần 10, 15 năm nữa là chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc công cuộc phá rừng đầu nguồn ở miền Bắc!”.

Hồ Chủ tịch liền trả lời ngay với tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp rằng sẽ vận động nhân dân trồng cây, mở đầu bằng tết trồng cây, và dặn dò cơ quan lâm nghiệp phải chuẩn bị cây giống. Tổng cục trưởng ngỏ ý mời Chủ tịch vào thăm rừng Cúc Phương và Chủ tịch đã nhận lời (theo tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh).

Trong ngôi nhà của ông Tạo ở 125 Lò Đúc, Hà Nội vẫn còn lưu giữ một bảo vật của gia đình, đó là cây batoong mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng ông Nguyễn Tạo. Ông Nguyễn Thanh Sơn, con trai ông Tạo, cho biết đây là kỷ vật quý giá mà ông Nguyễn Tạo cùng với con cháu đã gìn giữ trong suốt nhiều năm tháng.

PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên