Âm nhạc từ bãi rácNhững đôi vớ ấm ápCho em đôi tay
Không có chân không phải là mất tất cả đối với Rudy Garcia-Tolson - Ảnh: Aquatics International |
Anh từng hai lần giành huy chương vàng Thế vận hội Paralympic và là tấm gương cho nhiều thiếu niên Mỹ.
Rudy sinh ra với đôi chân khoèo, ngón tay trên cả hai bàn tay bị dính lại với nhau, môi hở hàm ếch. Sau nhiều cuộc phẫu thuật, Rudy đành chấp nhận cắt cụt hai chân đến đầu gối và mang chân giả năm 5 tuổi. Rudy cho biết muốn mang chân giả thay vì phải ngồi xe lăn suốt đời. “Tôi có thể đi bộ đến trường, chạy, bơi lội. Tôi sẽ là một đứa trẻ hoạt bát như bao đứa trẻ khác”. Đối mặt với bi kịch nhưng Rudy vẫn khẳng định: “Tôi luôn tận hưởng từng phút giây”.
Với tinh thần mạnh mẽ, Rudy bắt đầu bơi lội năm 7 tuổi. “Bơi lội giúp tôi tự tin ở bản thân - Rudy nói - Nó dạy tôi tính kỷ luật. Vận động viên bơi lội là những người có tinh thần sắt đá nhất. Ai lại muốn dậy lúc 5 giờ sáng mỗi ngày để nhảy vào nước lạnh chứ”. Anh cũng có thể chạy marathon, chơi đá banh, bóng chày, bóng rổ... Anh thường phải tập luyện 6-7 giờ mỗi ngày.
Ngoài ra, Rudy còn là một diễn giả ở các trường học để truyền cảm hứng cho các bạn bè đồng trang lứa thông qua câu chuyện cuộc đời mình. “Tôi chia sẻ về việc mọi người luôn bảo tôi không thể làm được điều này hay điều nọ. Tôi bị xem thường vì không có chân. Nhưng đừng bao giờ để người khác nói bạn không thể làm gì. Hãy chứng minh là họ sai” - Rudy nói.
“Đó là một cậu bé với nụ cười tuyệt vời. Điều khiến tôi ngạc nhiên là sự nhanh nhẹn và đôi chân giả được sơn đủ màu sắc” - diễn viên Robin Williams nhớ về thời gian đầu gặp Rudy khi cùng cậu tham gia cuộc thi ba môn phối hợp gồm bơi lội, chạy và đạp xe. Terry Martin, người phát hiện khả năng của Rudy, cũng kể lại: “Rudy là cậu bé lạ thường. Cậu ấy luôn tin rằng không có gì mình không làm được và luôn chứng minh điều đó”. Năm 9 tuổi, Rudy là vận động viên khuyết tật trẻ nhất trong đội tuyển quốc gia Mỹ và bắt đầu phá kỷ lục quốc gia từ năm 11 tuổi.
Những nỗ lực khổ luyện của Rudy được đền đáp bằng huy chương vàng, thậm chí phá một kỷ lục thế giới tại Paralympic Athens 2004. Tại Bắc Kinh 2008, Rudy giành thêm một huy chương vàng và lập một kỷ lục mới. Anh đoạt huy chương bạc tại Thế vận hội London 2012. Không chỉ vậy, Rudy từng được tạp chí People bình chọn là một trong 20 thiếu niên thay đổi thế giới và nhận vô số giải thưởng khác.
Trong tháng 3-2014, Rudy bắt đầu đi vòng quanh các trường học trên nước Mỹ với tư cách diễn giả truyền bá thông điệp của mình: “Một trái tim can đảm là một vũ khí mạnh mẽ”. “Nhiều học sinh đối mặt với những khó khăn và chúng cần biết rằng mình có thể vượt qua những khó khăn đó để trở thành bất cứ điều gì chúng muốn” - hiệu trưởng Shayne Wilson của Trường tiểu học Chula Vista nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận