15/03/2012 12:12 GMT+7

Trinh tiết phụ nữ: chuẩn mực kép trong quan hệ giới

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (trưởng bộ môn giới và gia đình, ĐH KHXH&NV Hà Nội)
PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (trưởng bộ môn giới và gia đình, ĐH KHXH&NV Hà Nội)

TTO - Nhìn từ quan điểm xã hội học về giới, quan niệm trinh tiết của phụ nữ chính là một ví dụ điển hình của chuẩn mực kép trong quan hệ giữa nam và nữ. Song điều gì mới thật sự là cơ sở của hạnh phúc?

Tiêu chuẩn yêuChữ trinh không quyết định hạnh phúcChữ "tình" liền với chữ "trinh" một vần?

NlEgO2GA.jpgPhóng to
"Tình yêu đẹp xuất phát từ sự rung động của hai trái tim nam nữ" - Ảnh minh họa: từ Internet

Có thể định nghĩa chuẩn mực kép trong quan hệ giới như sau: đó là sự lượng giá (khen, chê) mà người ta áp đặt cho các thành viên của giới này nhưng lại không áp đặt cho các thành viên của giới kia.

Nói cách khác, cùng một hiện tượng nhưng được lượng giá theo hai chiều đối lập, mà sự đối lập này mang đặc trưng nghiêm ngặt, khắt khe với phụ nữ nhưng lại khoan dung, độ lượng với nam giới.

Ví như trong quan hệ tình dục nam nữ thì sự kiểm soát của xã hội đối với quan hệ khác giới thường có xu hướng “Thừa nhận rằng việc giao hợp tính dục là điều kiện tự nhiên và thậm chí đáng tán dương ở con trai, đàn ông nhưng lại đáng xấu hổ, phá hoại trật tự xã hội ở con gái, đàn bà” (T.Bilton và cộng sự, 1993).

Trong xã hội Việt Nam truyền thống, khi đề cập đến mối quan hệ nam nữ trong tình yêu, bao giờ cũng nhấn mạnh vai trò chủ động của nam và thụ động của nữ qua câu tục ngữ: “Trâu đi tìm cọc, chứ đời nào cọc đi tìm trâu”. Ngay cả chuyện chăn gối trong đời sống vợ chồng thì người phụ nữ cũng thụ động, đáng chú ý là xã hội đòi hỏi phụ nữ phải chung thủy, còn với nam giới thì không: “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”.

Trong thực tế, nam giới thường được phép và thậm chí được khuyến khích “chơi bời ” trong khi với phụ nữ lại phải kiềm chế, cân nhắc thận trọng trong vấn đề này, nên tham gia với ai, nhiều hay ít, trong quan hệ tình dục.

Đặc trưng trong quan niệm xã hội về chuẩn mực kép như vậy, theo các nhà nữ quyền chính là một biểu hiện của quan niệm gia trưởng trong xã hội nam trị “Chắc chắn chuẩn mực kép là một mẫu văn hóa liên kết với sự thống trị của nam giới đối với phụ nữ trong lịch sử” (Barry, 1983).

Chuẩn mực kép trong quan hệ giới có nguồn gốc từ quan niệm của xã hội về nam tính và nữ tính. Với những đặc điểm hoàn toàn tương phản giữa nam tính (khỏe mạnh, dũng cảm, quyết đoán, cứng rắn, duy lý, độc lập, gây hấn...) và nữ tính (yếu đuối, nhạy cảm, dịu dàng, vị tha, phụ thuộc...) không chỉ tạo nên những chuẩn mực về vai trò đối với nam giới và người phụ nữ đáp ứng những mong đợi của xã hội mà họ là thành viên, mà còn khuyến khích nam giới hành động để chứng tỏ “bản lĩnh đàn ông”, kể cả những hành vi bạo lực.

Nghiên cứu cho thấy tính cách hay gây hấn, hành hung của nam tính là nguyên nhân của phần lớn những vụ bạo lực trong cộng đồng và bạo hành trong gia đình. Biểu hiện nam tính này đã đem lại nhiều hậu quả cho gia đình và xã hội và cho nam giới khiến việc là đàn ông có nhiều nguy cơ rủi ro hơn phụ nữ: phần lớn các vụ đánh nhau, đâm chém hoặc giết nhau hầu như thuộc lĩnh vực riêng của đàn ông.

Nhìn từ mối quan hệ giới, chuẩn mực kép đã tồn tại rất lâu đời và nó hiện diện trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Ví như sinh con trai thì người ta ăn mừng và loan báo rộng rãi còn sinh con gái thì người ta lờ đi, như một nhà thơ đã viết: “Đất nước này, sinh con trai, ăn mừng một tuần lễ. Đất nước này, sinh con gái, người mẹ lặng im” (gtz, 2000: 90).

Sự tồn tại của chuẩn mực kép trong quan hệ giới đã tạo nên những khuôn mẫu hành vi phổ biến trong nhiều nền văn hóa, mà những khuôn mẫu ứng xử trong quan hệ giới như vậy thường bất lợi với phụ nữ.

Đáng chú ý chuẩn mực kép của mối quan hệ giới trong hôn nhân - gia đình đã được Ph. Angghen đề cập rất sớm trong tác phẩm nổi tiếng Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, nó thể hiện ở các khía cạnh đa dạng trong quan hệ giới. Mà biểu hiện trước hết trong sự lượng giá của xã hội: “Cái gì là tội lỗi đối với người phụ nữ và đưa lại những hậu quả pháp luật và xã hội nghiêm trọng thì ở người đàn ông lại được coi là một điều rất vinh dự, hoặc tệ lắm cũng chỉ là một vết nhơ cỏn con về đạo đức mà người ta vui thích nhận lấy” (Angghen, 1984).

Mẫu số chung cho tình yêu đẹp

Dù hôn nhân được xem là điều thiêng liêng “đàn ông vui lòng lấy một vợ, đàn bà bị sự trinh tiết của mình bó buộc” nhưng với tầng lớp giàu sang thì chế độ nhiều vợ vẫn thịnh hành. Trong quan hệ hôn nhân, sự chung thủy là một đòi hỏi bắt buộc đối với phụ nữ nhưng không bắt buộc với nam giới, bởi vì “Cần phải có chế độ một vợ một chồng về phía người vợ, chứ không phải về phía người chồng, thành thử chế độ một vợ một chồng về phía người vợ không hề làm trở ngại chút nào cho chế độ nhiều vợ công khai hay bí mật của người chồng” (Angghen, 1984).

Nam giới đòi hỏi người phụ nữ phải trinh tiết, trong khi họ lại phiêu lưu tình ái, không chỉ là sự ích kỷ, sự chiếm hữu mà còn biểu hiện của sự gia trưởng. Đó là chưa kể nhận thức không đúng về cái gọi là “danh dự” của đàn ông, cũng như thiếu hiểu biết về cấu trúc sinh học về bộ máy sinh sản của nữ giới, dẫn đến những ngộ nhận và hành động sai lầm.

Tiếc rằng sang thế kỷ 21 nhưng quan niệm này vẫn tồn tại ở không ít nam giới, kể cả những thanh niên có trình độ học vấn cao. Tình yêu đẹp xuất phát từ sự rung động của hai trái tim nam nữ và sự đồng cam cộng khổ chung tay xây dựng gia đình. Đó mới là những cơ sở cho việc dựng nên lâu đài hạnh phúc.

(*) Các tít xen trong bài do tòa soạn đặt

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (trưởng bộ môn giới và gia đình, ĐH KHXH&NV Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên