07/07/2013 07:30 GMT+7

Học giỏi từ nghịch cảnh 350 câu chuyện đẫm nước mắt

HẢI THI - BÌNH THANH
HẢI THI - BÌNH THANH

TT - Hoàn cảnh của 350 học trò bảy tỉnh thành Đông Nam bộ là 350 câu chuyện đẫm nước mắt. Nhưng tựa xương rồng trên cát bỏng, giữa tận cùng cái khó, các em vẫn đau đáu ước mơ được học, được sống làm người có ích.

AEdckMlm.jpgPhóng to
Ước mơ làm bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo là động lực nâng bước Trần Thục Nghi Trinh vượt khó - Ảnh: HẢI THI

Ngày đầu tiên lẫm chẫm bước vào cổng trường tiểu học, em đã không có mẹ. Mẹ bỏ ba con em đi khi em chưa tròn 5 tuổi. Chín năm sau, em lại đội khăn trắng khóc ba. 14 tuổi, em thành mồ côi, sống nương tựa người bác nghèo bán bánh cam kiếm sống...

Nghịch cảnh đeo đẳng

Hôm nay 7-7, trao học bổng “Chung một ước mơ”

Chiều nay, lễ trao học bổng “Chung một ước mơ” lần 7 do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Tập đoàn SCG tài trợ sẽ diễn ra tại Nhà hát Quân Đội (Q.Tân Bình, TP.HCM). 350 suất học bổng, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng, sẽ được trao cho các gương học trò vượt khó, giàu nghị lực của bảy tỉnh thành miền Đông Nam bộ... Sáng 8-7, các em sẽ có chuyến tham quan, tìm hiểu TP mang tên Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và một số tuyến đường khu vực trung tâm.

Ngày 16-7, tại Hà Nội, “Chung một ước mơ” sẽ trao 50 suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của thủ đô.

Hôm nay, Trần Thục Nghi Trinh (16 tuổi, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) sắp sửa vào học lớp 11 Trường THPT Dương Minh Châu. Nhắc đến cô học trò cũ đen nhẻm có đôi mắt sáng, cô Nguyễn Hồng Phượng, giáo viên môn địa lý Trường THCS Thị Trấn, xúc động: “Ngày bác gái dắt tay Trinh vào trường xin miễn giảm học phí do gia cảnh hai bác khó khăn, nghe câu chuyện của cô bé mẹ bỏ, ba mất, hằng đêm thức phụ bác làm bánh cam kiếm từng đồng đắp đổi mà tôi thương trào nước mắt...”.

Dạy Nghi Trinh ba năm THCS, vừa thương cô vừa cảm phục nghị lực vươn lên của cô học trò gầy gò. Sáng thức dậy từ 3g làm bánh cam, không một đồng đến trường, trong bụng chỉ lót vài cục cơm nguội, vậy mà Nghi Trinh luôn học giỏi, không một lần ngủ gật, rất tích cực phát biểu. “Con bé chịu khó lạ lùng. Lúc nào gặp cũng thấy đang đọc sách, không trong lớp thì thư viện” - cô kể.

Vậy mà nghịch cảnh không ngừng đeo đuổi cô học trò côi cút. “Em không biết cuộc sống có thử thách em không mà sao đắng cay vậy” - Nghi Trinh viết trong bức thư dài hai đôi giấy gửi đến Tuổi Trẻ.

Đến nhà Nghi Trinh vào một buổi trưa nắng đổ trên đất Tây Ninh, thấy bác gái của Trinh đang quỳ trước thềm nhà dập đầu khấn vái. Bác trai bị ung thư vòm hầu đã chín tháng nay, cũng ngần ấy thời gian bếp nấu bánh cam không đỏ lửa. Toàn bộ chi tiêu hằng tháng, tiền thang thuốc cho bác trai, cả tiền học lớp 11 sắp tới của Nghi Trinh đều dựa vào khoản trợ cấp mất sức lao động của người bác đang dần vơi. “Tui chỉ vái ổng ngồi được, đi lại được là tui lại đội bánh cam đi bán, kiếm tiền lo cho con Trinh...” - bác gái bỏ dở câu nói, nước mắt ngập lên hai hốc mắt trũng sâu.

Nghịch cảnh cũng đến với cậu học trò Nguyễn Hoài Tuấn Vũ (lớp 10A11 Trường THPT Trần Quang Khải, Q.11, TP.HCM) theo cách khác: giáng xuống em bệnh bại não dạng mềm nhão bẩm sinh. Trán rịn mồ hôi, tay trái chống cằm làm điểm tựa để dồn sức cho những ngón tay phải co quắp đánh vật với từng con chữ, xung quanh là chồng gối dựa lưng, dựa chân để ngồi vững - đó là tư thế học tại nhà của Vũ. Còn những ngày đến lớp, Vũ ngồi học trên chiếc xe lăn với đôi chân mỏi nhừ, đôi tay chốc chốc lại tê buốt vì gồng mình nguệch ngoạc viết từng nét chữ. Viết khó là thế, chân tay đau nhức là thế, nhưng chưa ngày nào Vũ nghỉ tiết dù khi ốm đau, lúc trái gió trở trời. “Được đi học cùng các bạn bình thường với em đã là phép mầu may mắn, nên em phải ráng tận dụng thời gian, tâm trí học tốt mọi lúc mọi nơi, để không thua kém bạn bè” - Vũ nói chắc nịch.

Từ khi Vũ ra đời, mẹ Vũ nghỉ may, dành trọn thời gian chăm sóc Vũ. Tất tần tật chi tiêu trong nhà cả chục năm qua trông cậy vào từng đồng thu nhập thu mua phế liệu của cha. “Chính tình thương yêu ấm áp của cha mẹ, ông bà đã giúp em dần xóa nhòa những mặc cảm để vươn lên sống lạc quan” - cậu học trò khuyết tật bùi ngùi chia sẻ.

gDoDlcO5.jpgPhóng to
Những ngày hè ở nhà, nhớ trường, nhớ bạn, Tuấn Vũ lại đem tập vở ra ôn bài, tập viết - Ảnh: BÌNH THANH

Ước mơ nâng bước đường trường

Như lời Vũ bộc bạch, những buồn chán, bất lực với chính bản thân khi đôi chân chẳng thể đứng, đôi tay khó cầm nắm vững các vật dụng... đã trôi đi rất xa. Trìu mến nhìn con, mẹ Vũ kể rằng từ hồi 9-10 tuổi, nhiều đêm ngủ mẹ ôm vào lòng, Vũ cứ thút thít khóc, rồi tự lau nước mắt hứa với mẹ lớn lên phải học thật giỏi, phải có cái nghề làm để kiếm tiền, để có thể thay đổi số phận vốn sinh ra đã thiệt thòi. “Học giỏi là con đường duy nhất để em tự tin đối diện với cuộc sống thực tại và lo cho tương lai” - Vũ trải lòng.

Ngặt nghèo thay, việc học với Vũ thêm khó khăn từng ngày. Càng lớn tay Vũ càng yếu, cử động càng khó, viết chữ càng chậm. Hồi tiểu học, Vũ viết ngang sức với bạn, giờ bạn viết được 10 chữ Vũ mới viết được một. Ít có dịp tham gia những buổi thí nghiệm hóa lý vì không leo được cầu thang tới phòng thực hành, chẳng hề nản, Vũ về nhà lần mò lên mạng xem các clip để hiểu bài cặn kẽ. Chưa từng đi học thêm vì bất tiện đi lại, Vũ mua sách nâng cao, tìm kiếm thêm tài liệu trên mạng về nhà tự học. Lắm hôm rơi vào thế “bí” gặp bài khó, làm hoài không ra, Vũ trằn trọc cả đêm, chỉ mong trời mau sáng để đến trường nhờ thầy cô chỉ dẫn. “Giấc ngủ của Vũ nhiều đêm chập chờn, lúc nói mớ chuyện bài vở, hôm khụt khịt khó thở vì hen suyễn” - mẹ Vũ kể.

Với nỗ lực bền bỉ của bản thân, Vũ gặt hái được nhiều thành tích cao trong học tập: liên tục 10 năm đạt học sinh giỏi và nhận được nhiều học bổng. Xúc động khi nhắc tới Vũ, cô chủ nhiệm Hồ Hồng Hạnh tự hào nói: “Vũ học giỏi đều các môn, năm học lớp 10 qua Vũ không chỉ xếp hạng nhất lớp mà còn đạt danh hiệu nhất toàn khối!”.

Ấp ủ về chặng đường sắp tới, Vũ cho hay sẽ quyết tâm bước vào giảng đường đại học, theo học chuyên ngành công nghệ thông tin. “Kết” công nghệ từ hồi tiểu học, Vũ chia sẻ ngoài sở thích bản thân, đây cũng là ngành nghề phù hợp với người khuyết tật như Vũ. Thương cậu học trò khó khăn khi di chuyển lên phòng máy, hiện ở trường, Vũ được thầy Đặng Chí Công - hiệu phó nhà trường - nhận kèm dạy riêng môn tin học. Về nhà, Vũ “quấn” lấy chiếc laptop - món quà mà bạn bè của mẹ mua tặng Vũ - miệt mài tự học thêm. Song Vũ cứ băn khoăn, trăn trở hoài, vì “Hai năm nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học, em không biết hội đồng thi có thương tình hoàn cảnh của em để cho em thêm thời gian làm bài không nữa. Em đang lo lắng lắm!”...

Cũng như Vũ, 10 năm liền Nghi Trinh là học sinh giỏi. Trinh còn xuất sắc đoạt giải nhất môn sinh học vòng huyện, giải ba môn sinh học vòng tỉnh. Trinh yêu thích và học giỏi môn sinh với ước mơ lớn lên làm bác sĩ chữa bệnh cho người nghèo.

“Đó cũng là lời cuối của ba em - Trinh nói - Ba dặn em ráng học làm bác sĩ để chữa bệnh cho những người nghèo khổ không may mắc bệnh nan y như ba”. Cô Phượng kể Nghi Trinh là một trong những học trò “đeo bám” thầy cô quyết liệt nhất. 11g tan trường, bạn bè về hết nhưng Nghi Trinh còn giữ thầy cô lại lớp hỏi cặn kẽ những bài khó hiểu. “Ở em Trinh không có vẻ tự ti, nhút nhát. Em rất lanh lợi, mạnh dạn phát biểu. Liên đội gọi gì cũng tham gia, từ ca hát đến vẽ vời. Các bạn học yếu hơn rất ưa hỏi bài Trinh vì em nhiệt tình, dễ mến” - cô tự hào. Nghe Trinh sắp được nhận học bổng “Chung một ước mơ”, cô mừng cho Trinh, bác gái của Trinh chỉ biết ôm em khóc...

HẢI THI - BÌNH THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên