28/05/2013 20:27 GMT+7

Xả rác nơi công cộng: nhỏ không dạy, lớn làm bậy!

Nguyễn Khánh Toàn (Điều phối miền Nam phong trào 350.org Việt Nam)
Nguyễn Khánh Toàn (Điều phối miền Nam phong trào 350.org Việt Nam)

TTO - Tại sao nhiều người thoải mái xả rác nơi công cộng, đặc biệt là tại các sự kiện lớn? Phải hiểu thế nào đây khi chính người tham gia những sự kiện tuyên truyền bảo vệ môi trường lại xả rác la liệt ngay sau đó?

Phương thuốc nào để điều trị "cái bệnh" ưa xả rác nơi công cộng?

Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến của người làm công tác môi trường và bạn đọc.

Ngồi đâu xả rác đó: văn minh bỏ quên ở nhà?Chia tay Nick, bạn trẻ bỏ lại một "chiến trường" rácPhát tờ rơi hay xả rác?Nick Vujicic làm nóng sân Mỹ Đình 25.000 khán giảTuổi Trẻ phát động cuộc thi Sống xanhLý lẽ của mẹ

dMWfcMj5.jpgPhóng to
La liệt rác để lại sân vận động Thống Nhất (Q.10, TP.HCM) vào tối 25-5 sau khi cuộc giao lưu giữa Nick và học sinh, sinh viên TP.HCM kết thúc - Ảnh: Trung Uyên

Ban tổ chức phải "đi trước, đón đầu" chuyện xả rác

Không phải ngẫu nhiên mà đã có người lo lắng tương lai đất nước ra sao khi một bộ phận lớp thanh niên hôm nay thiếu ý thức từ chuyện tưởng chừng là nhỏ nhặt nhất: xả rác bừa bãi.

Sự kiện ở sân vận động Thống Nhất TP.HCM chỉ là một điển hình nhắc nhớ những tiền lệ chẳng đẹp đẽ gì trước đó, kể cả những sự kiện về môi trường mà chúng tôi thực hiện cũng khó tránh được. Tôi không có ý định phủ nhận tất cả nhưng chính hành động của các bạn đang làm suy giảm niềm tin của xã hội vào chúng ta, nó bào mòn những nỗ lực mà một số-ít-khác-biệt đang cố gắng duy trì và gìn giữ.

Tôi biết vẫn còn nhiều người có ý thức nhưng con én chẳng làm nên mùa xuân, một bộ phận chưa thể khẳng định được giá trị đám đông. Một khi đã được định danh rằng đây là ý thức nghĩa là nó đã là một phần của suy nghĩ, nó tạo ra hành động một cách bản năng; bản thân tôi nghĩ có vẻ như bây giờ không còn là lúc để chúng ta phê phán và phàn nàn giận dữ với một đám đông vì sẽ chẳng có ai trong số đó nghĩ đây là vấn đề của mình. Tình hình chắc chắn sẽ không có gì thay đổi nếu không có giải pháp nào cụ thể được chuẩn bị trước từ phía nhà tổ chức và dành cho cả người tham dự.

Người ta vứt đi giấy báo lót ngồi, ly nước và cả ống hút mua được từ phía ngoài, vỏ bánh snack, xiên cá viên chiên, hộp xốp… rất tiện dụng nhưng đều là đồ dùng một lần - chúng không thuộc sở hữu lâu dài của con người nên họ vứt tại chỗ khi có quá ít thùng rác cũng không phải là điều khó giải thích. Bố trí thêm nhiều thùng rác, cấm phát tờ rơi, bố trí bình nước 20 lít có kèm ly, cổ vũ sử dụng bình nước cá nhân… có thể là những gợi ý nên cân nhắc.

Ý thức là điều rất khó thay đổi trong một sớm một chiều nhưng không có nghĩa là bất khả thi. Phê phán nhưng cũng đừng quên hành động.

Những người thật sự "khuyết tật"

Có lẽ những người xả rác là những người "khuyết tật" ở một bộ phận nào đó trong cơ thể họ nên không thể điều khiển được việc xả rác.

Chuyện không mới nhưng có vẻ sẽ chẳng có gì thay đổi ở đất nước "ăn nhanh, đi chậm, hôn giấu, đái công khai".

Xả rác, chen lấn, nói to, thiếu tập trung - bình thường thôi?

Tôi cũng có mặt ở sân vận động Thống Nhất tối 25-5 trong buổi giao lưu với Nick. Thật lòng, sau khi tham dự chương trình, trong lòng tôi có rất nhiều trăn trở.

Ngồi trước mặt tôi là nhóm ba bạn gái. Cả ba bạn này đều cầm ly nước nhựa, nhưng uống chưa được bao nhiêu thì mấy bạn để ly ra sau lưng. Khi Nick từ trong đường hầm đi ra, ba bạn này đứng nhổm dậy để xem. Khi mấy bạn ngồi xuống trở lại thì vô tình ngồi ngay lên các ly nước ấy và bị... ướt quần. Tôi nghe các bạn la lên, phàn nàn, rồi bỏ đi đâu mất. Ba ly nước ấy vẫn nằm trơ trọi như vậy! Không ai trong các bạn ấy cầm ly đi bỏ vào thùng rác hay lau dọn chỗ nước vừa đổ…

Không chỉ xả rác, người Việt mình cũng không có ý thức xếp hàng. Lúc gửi xe, mạnh ai nấy lấn, mạnh ai nấy xông lên. Tôi nghĩ nếu có đông đến mấy mà dân mình biết xếp hàng thì những người dù đứng cuối chót trong hàng vẫn đỡ thấy bực mình.

Chuyện lãng phí cũng là một vấn đề rất đáng bàn. Ban tổ chức phát nước miễn phí. Tôi thấy nhiều bạn lấy nước đầy ly nhưng uống không bao nhiêu, bỏ vương vãi khắp sân vận động rất phí phạm. Bên cạnh đó, nhiều bạn rất vô tư, thản nhiên cười to nói lớn ở chỗ công cộng. Những cuộc điện thoại, những cuộc nói chuyện, những lời phán xét nhân vật chính (cả tốt và xấu) của chương trình... cứ thế oang oang.

Nhiều lúc tôi nghĩ giá như các bạn nói nhỏ lại để mọi người và tôi có thể nghe MC Thanh Bạch giới thiệu chương trình, để nghe Nick trải lòng về những kinh nghiệm của anh... thì có lẽ buổi giao lưu với Nick sẽ trọn vẹn hơn.

Bên cạnh đó, có lẽ vì chưa trải nghiệm nhiều nên tôi thấy rất lạ trước chuyện này: Lúc đầu tôi nghĩ rằng bất cứ ai đến sân vận động đều yêu mến Nick và thích thú, háo hức với cuộc trò chuyện của anh. Nhưng điều tôi rất bất ngờ là có bạn đi chung với gia đình, lấy điện thoại ra chơi game từ đầu buổi đến cuối buổi rồi đi về. Hay có bạn lấy máy ảnh ra chụp liên tục từ khi mới vào sân vận động. Đến giữa lúc Nick đang trao đổi, có lẽ có những bạn thấy không có điều gì quá đặc biệt nên bỏ về. Hoặc như bạn nam ngồi đằng sau lưng tôi cứ thản nhiên đưa ra những lời bình phẩm hết sức khiếm nhã.

Đến những nơi công cộng như vậy, tôi cứ thấy đi thấy lại hình ảnh xấu xí của không ít người Việt mình. Tôi nói ra những điều này không nhằm đả kích, nói xấu ai cả. Tôi hi vọng các bạn trẻ sẽ thay đổi cách hành xử tích cực hơn để không chỉ đẹp trong mắt bạn bè thế giới mà còn là niềm tự hào của người Việt Nam.

Nhỏ không dạy, lớn làm bậy

Đã thành thói quen rồi, kể cả người lớn thì làm sao giáo dục lớp trẻ. Người Việt Nam hầu như không có thói quen với việc giữ vệ sinh chung, cứ vứt bừa bãi, ai dọn ai quét, dơ hay sạch không cần quan tâm vì chỗ đó không phải của mình. Điều đó đã ăn sâu rồi do không có sự ý thức của mỗi người và không có sự giáo dục từ gia đình, từ trường học ra đến xã hội.

Bây giờ phải có biện pháp phạt nặng thì mới mong lớp nhỏ sau này sẽ bỏ được thói quen đó.

Ném cả trái dừa từ xe hơi

Xung quanh chuyện xả rác bừa bãi, tôi có vài ý kiến:

1. Luật thì có nhưng không ai phạt (lỗi của nhà chức trách, cao hơn nữa là không có quy định cụ thể phạt ra sao? Ai phạt? Xử lý như thế nào nếu người vi phạm không chấp hành - quyền hạn ra sao - ai là người hỗ trợ trong khi chỉ phạt có vài chục ngàn thì hiện tại các anh công an có hỗ trợ không trong khi còn lo nhiều việc quan trọng hơn).

2. Thùng rác không đủ chứa trong các sự kiện, ngay cả trên các chuyến phà, ban giám đốc phà cũng chủ trương xả rác xuống sông vì không phà nào có thùng rác (có phà còn không có nhà vệ sinh). Trên xe buýt có bao nhiêu thùng rác? Không có thùng rác thì người ta bỏ ở đâu?

3. Hình như việc xả rác không nằm trong đối tượng nào mà ngay cả người trí thức, công chức, người giàu, họ đi trên xe hơi cũng bấm kính xuống để xả rác, thậm chí có người ném cả trái dừa ra từ xe hơi. Những trường hợp ấy thì ai phát hiện để phạt nóng?

Trước tiên mọi người nên là người yêu môi trường, yêu đất nước này. Nhiều người kêu gọi bảo vệ môi trường, nhiều người hiểu cần bảo vệ môi trường, nhưng sao vẫn còn nhiều người xả rác!

Rác đây rồi, thùng đâu để bỏ?

Nhiều lúc tôi ra ngoài ăn, ăn xong rác cầm trên tay, tôi phải đi bộ khoảng 1 cây số mới thấy được thùng rác. Nhưng thùng rác ấy lại rất đầy, biết bỏ đâu bây giờ? Tôi đành cầm nó về nhà vậy. Hãy đặt thùng rác ở nơi cần đặt.

Phải đặt thùng rác và biển báo

Nơi tổ chức các sự kiện ngoài trời như các sân vận động, quảng trường hoặc các khu vui chơi công cộng; các đơn vị dịch vụ môi trường nên bố trí các thùng rác ở những nơi dễ thấy, khoảng cách giữa các thùng chứa rác hợp lý và màu sắc phải nổi. Tại mỗi cửa ra vào chính cần có biển báo: Cấm xả rác bừa bãi, nếu xả rác bừa bãi bị phạt tiền.

Người lớn làm gương cho con trẻ

Ý thức được hình thành qua thời gian hoat động của mỗi người. Chính vì lẽ đó, nhà trường và cả cha mẹ hãy dạy con cái từ lúc hình thành ý thức cái gì đúng. Khi đó lớn lên người đó sẽ có một ý thức tốt hoặc xấu do kết quả của thời gian hình thành ý đó.

Ví dụ, cha mẹ dẫn con cái đi chơi, ăn xong vứt bỏ bừa bãi thì trẻ con sẽ hình thành ý thức đó một cách bình thường và lớn lên cháu cũng làm như vậy.

Bạn nghĩ gì về hành động xả rác nơi công cộng? Theo bạn, làm sao hạn chế hành động này hữu hiệu?

Hãy chia sẻ qua email tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn hoặc qua phần Ý kiến bạn đọc ngay bên dưới bài viết.

Nguyễn Khánh Toàn (Điều phối miền Nam phong trào 350.org Việt Nam)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên