![]() |
Cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên Trường tiểu học Thạnh An, Cần Giờ - trong một buổi lên lớp. Sau mỗi buổi học, cô thường đến nhà để vận động các em đến lớp - Ảnh: Hà Bình |
“Học trò ở đảo, biểu vẽ cái ghe thì rất nhanh nhưng nói vẽ ôtô nhiều em không hình dung được. Có em kể tên rất nhiều loại tôm cá nhưng chưa biết con trâu, con bò, cây mạ là gì” - cô Nguyễn Thị Hà, có bốn năm mang chữ đến với học trò Trường tiểu học Thạnh An, nói.
Giờ phụ đạo đặc biệt
19g. Xã đảo chìm vào tĩnh mịch. Từng nhóm học trò í ới kéo nhau đến lớp. Đây là những bạn học còn yếu, không theo kịp bài ở lớp được cô giáo mời đến trường để kèm thêm. Ở tại khu tập thể của trường nên cơm nước xong, cô Hà và một số giáo viên khác tiếp tục lên lớp.
Giữa đêm tối, ở lớp 1 của cô Hà, hai em nam ê a học đánh vần, hai em khác hí hoáy tập viết trong hơi mặn của gió biển lùa qua song cửa sổ. Lớp bên cạnh, một nhóm học sinh lớp 3 đang làm toán. Lớp 4 có phần sôi động hơn khi cô giáo Đinh Thị Liễu cho các bạn đặt câu hỏi, chia nhóm thảo luận xoay quanh bài học “Tại sao lại có mưa?”. Cứ thế, giờ học phụ đạo - hoàn toàn miễn phí - kết thúc lúc 20g30. Tan học, như buổi sáng và buổi chiều, từng nhóm học trò quần áo lem luốc, mặt mày đen nhẻm khoanh tay lễ phép thưa cô ra về.
Thầy Đặng Thái Bình - hiệu trưởng nhà trường - cho biết hiện có 338 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 học tại trường và một điểm ở ấp Thiềng Liềng - cách trung tâm xã một giờ đi đò. “Học trò ở xã đảo 80% thuộc diện gia đình xóa đói giảm nghèo. Phần lớn phụ huynh ở đảo nghĩ rằng chỉ cần con biết đọc, biết viết và đi biển phụ cha mẹ là được nên nguy cơ trẻ bỏ học thường rất cao. Điều kiện khó khăn, nhiều em nghỉ học đi bắt tôm, bắt cá không theo kịp bài cũng bỏ lớp. Để giữ các em lại trường, nhiều giáo viên đã tình nguyện kèm thêm cho học trò lớp mình” - thầy Bình nói.
Vận động từng trò đến lớp
Trong điều kiện như thế, để đảm bảo sĩ số lớp 100% trong nhiều năm liền, các cô giáo, thầy giáo ở đảo đã đến từng nhà vận động học trò đến lớp. Hằng năm, ngày 1-8 giáo viên ở đảo sẽ nhận lớp mình chủ nhiệm. Sau đó, giáo viên sẽ đi đến từng nhà ghi chép cẩn thận hoàn cảnh của từng học sinh để hỗ trợ kịp thời khi các em bỏ học. “Đi biển suốt nên phụ huynh hầu như giao hết việc dạy con cho giáo viên” - cô Hà chia sẻ.
Thế nhưng, vẫn có những trường hợp dù cha mẹ đồng ý cho con đến lớp nhưng chính học trò lại thích đi ghe “để có tiền chơi net”. “Lớp tôi từng chủ nhiệm có bạn nam tên Trần Tuấn Vũ. Bạn đi học đều từ thứ hai đến thứ năm nhưng thứ sáu là bỏ lớp. Tìm đến nhà, mẹ Vũ nói em trốn đi mò cua, bắt ốc kiếm tiền. Mẹ Vũ khóc bảo thằng bé nghịch lắm, nói không nghe. Đợi Vũ về, tôi khuyên em đi học đầy đủ, Vũ “dạ” nhưng lại tiếp tục vắng mặt. Tiếp tục đến nhà, Vũ vẫn “dạ” rồi không thấy đâu” - cô Đinh Thị Liễu, chủ nhiệm lớp 4, kể. Nhiều lần sau đó, cô Liễu cùng thầy hiệu trưởng đến nhà thì Vũ nói “con nhớ nghề không bỏ được”. Dần dần, với sự tận tụy chia sẻ của cô giáo, Vũ đã bớt “nhớ nghề” và đến lớp đều đặn hơn. Bây giờ cô Liễu phụ đạo thêm vào ban đêm cho Vũ để theo kịp chương trình.
Lớp cô Hà chủ nhiệm có em Phạm Văn Thắng cũng thường xuyên bỏ học. Nhà Thắng có ba chị em, ba đi ghe cào, mẹ ở nhà không có việc làm. Đến nhà hỏi thăm, mẹ Thắng tâm sự thật lòng: “Nhà tôi khổ quá, cho con đi học rất khó khăn”. Để Thắng trở lại trường, cô Hà vận động thầy cô, bạn bè cùng lớp chia cho bạn tập vở, bút viết và dành nhiều thời gian động viên Thắng.
“Có em cả tuần chỉ có một chiếc áo trắng mặc tới trường. Có em mỗi sáng chỉ có một nắm xôi nhỏ. Có hôm trời mưa, các em vào lớp quần áo dính đầy sình bùn. Cô trò chỉ kịp sửa sang quần áo qua loa rồi tiếp tục học. Những buổi học như vậy mang hơi mặn của biển” - cô Hà tâm sự.
Học bổng cho trò, phần thưởng cho thầy cô Sáng nay 17-11, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và Thành đoàn TP.HCM tổ chức lễ trao học bổng “Ngăn dòng bỏ học” dành cho 150 học sinh THCS và THPT thuộc năm huyện ngoại thành TP.HCM (Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi). Học bổng dành cho các học sinh có học lực khá, giỏi, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, vừa đi học vừa phải mưu sinh, thuộc nhóm có nguy cơ bỏ học cao... Mỗi suất học bổng 2,7 triệu đồng và quà tặng. Chương trình cũng sẽ trao 10 phần thưởng cho các thầy cô giáo đã nỗ lực giúp các em đến trường, không bỏ học. Chương trình do Công ty TNHH Amway VN tài trợ với tổng kinh phí trên 562 triệu đồng. THANH TOÀN Nhiều khó khăn Thầy Đặng Thái Bình cho biết hiện trường có 15 giáo viên từ các tỉnh, thành như Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam, TP.HCM... Do cách biệt với đất liền nên việc nâng cao trình độ chuyên môn của giáo viên khó khăn. Ngoài ra, còn có một khó khăn khác là 6/15 giáo viên chuyên môn dạy trung học cơ sở, chuyển qua dạy tiểu học cần có thời gian để thích nghi. “Điều kiện sinh hoạt, đời sống tinh thần thiếu thốn, nhiều giáo viên ra đến nơi là xách gói quay về. Có giáo viên đến hôm trước, hôm sau nói về lấy đồ rồi đi luôn. Có giáo viên đang dạy, xin được nơi khác cũng bỏ ngang để học trò bơ vơ. Khi đó ban giám hiệu phải chia nhau đứng lớp” - thầy Bình tâm tư. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận