27/03/2012 10:01 GMT+7

Chỉ người nghèo mới đi xe đạp?

ANH TIẾN (Q.8, TP.HCM)
ANH TIẾN (Q.8, TP.HCM)

TTO - Ai cũng biết lợi ích của đi xe đạp: không phát thải, rèn luyện sức khỏe, thảnh thơi ngắm cảnh, tiết kiệm chi phí khi giá xăng tăng vùn vụt. Nhưng người đi xe đạp cũng có lắm nỗi niềm khi bị "phân biệt đối xử".

Diễn đàn: "Giờ Trái đất - làm sao để không chỉ là một giờ?"

Chỉ người nghèo mới đi xe đạp?

TTO - Ai cũng biết lợi ích của đi xe đạp: không phát thải, rèn luyện sức khỏe, thảnh thơi ngắm cảnh, tiết kiệm chi phí khi giá xăng tăng vùn vụt. Nhưng người đi xe đạp cũng có lắm nỗi niềm khi bị "phân biệt đối xử".

Giờ suy ngẫm"Bao giờ hết điện hả bố?"Nhấp chuột vì Trái đất

wSfFhPyY.jpgPhóng to
Bãi giữ xe ở Bệnh viện Nhân Dân Gia Định có hẳn tấm bảng “Không giữ xe đạp” - Ảnh: tác giả gửi kèm bài

Lúc còn sinh viên tôi đi học bằng xe đạp. Khi đi làm rồi tôi cũng tậu được một chiếc xe máy. Tuy nhiên, để tiết kiệm chi phí và vì nơi làm việc gần nhà nên tôi quay lại sử dụng xe đạp. Mới có ngày đầu mà “sự kiện” này lan truyền khắp công ty, đến nỗi đi đâu cũng bị đồng nghiệp “hỏi thăm”. Tự nhiên đôi lúc cảm thấy mắc cỡ dễ sợ.

Hầu hết nhiều người tỏ vẻ nghi ngờ khi tôi trả lời rằng đi xe đạp để giảm tiền xăng, để tập thể dục buổi sáng. Họ cho rằng có một lý do sâu xa khác tôi cần phải “bật mí”. Một tháng trôi qua, mọi chuyện dần trở nên bình thường trong mắt mọi người, đúng là “vạn sự khởi đầu nan”.

Không phải cứ muốn đi xe đạp là được. Chị tôi làm ở công ty quảng cáo, làm sao từ bỏ chiếc xe máy cho được khi phải mặc váy ngắn đi làm? Đôi khi chị đi ra ngoài đột xuất, chẳng lẽ một mình “phi ngựa sắt” đuổi theo đồng nghiệp?

Còn nữa, bãi giữ xe ở Bệnh viện Nhân Dân Gia Định có hẳn tấm bảng “Không giữ xe đạp”.

Dường như nhiều người vẫn nghĩ chỉ có người nghèo mới đi xe đạp. Chỉ cần vài lần đến các cửa hàng khá sang trọng là biết ngay. Có nơi nhân viên bán hàng tha hồ cho tôi tự do nhìn ngắm, chẳng màng giới thiệu sản phẩm. Ở nơi khác tôi bị giám sát đến từng cử chỉ cũng chỉ vì tôi... đi xe đạp.

Đau đầu nhất là việc tìm chỗ gửi xe. Tháng trước, vào buổi tối, tôi thăm người quen ở bệnh viện. Bước vào bãi giữ xe trong bệnh viện thì người ta thông báo rằng hết chỗ để xe đạp rồi, trong khi xe máy vẫn vô tư còn chỗ. Vòng ra bãi xe vỉa hè xung quanh bệnh viện do lực lượng thanh niên xung phong tổ chức cũng nhận được lời từ chối khéo dù tấm bảng hiệu rất to ghi rõ ràng cả giá giữ xe đạp và xe máy.

Cuối cùng, tôi đành quay về và chạy xe gắn máy quay lại bệnh viện. Nhiều bãi xe khác cũng có tình trạng chê xe đạp. Kể từ đó, mỗi lần đi đến chỗ lạ, tốt nhất không nên đi xe đạp nữa, biết đâu lại phải tốn thời gian loay hoay tìm chỗ gửi xe.

Không chỉ nhân dịp giờ Trái đất, trong năm cũng có nhiều hoạt động kêu gọi mọi người tham gia đi xe đạp. Theo tôi, hình như những dịp này chỉ mang tính hình thức khi từng đoàn xe đạp diễu hành qua các con đường. Hình như chưa có một cách thức nào áp dụng vào thực tiễn, chẳng hạn như các công ty xí nghiệp sẽ phát động nhân viên một ngày đi làm bằng xe đạp.

Nhìn sang các nước phát triển, người dân thoải mái đến công ty bằng xe đạp, có cả những đoạn đường dành riêng cho xe đạp. Nước ta cũng có một thời hầu hết mọi người đi làm bằng xe đạp. Vậy mà bây giờ không thể vô tư như ngày xưa, nhiều lúc những “con ngựa sắt” bị phân biệt đối xử…

ANH TIẾN (Q.8, TP.HCM)

Ước gì có nhiều làn đường cho xe đạp

Chiều thứ bảy tan học, tôi không vội về nhà mà chạy xe máy chầm chậm thêm một vòng nữa để tận hưởng không khí buổi chiều cuối tuần khá mát mẻ của thành phố. Và những suy nghĩ bất chợt đến trong tôi...

Z2EIfeA6.jpgPhóng to

Bạn trẻ TP.HCM đạp xe hưởng ứng chiến dịch Một giờ Trái đất khác biệt 2012 - Ảnh: Cẩm Viên

Tôi thầm nghĩ nếu có nhiều làn đường dành cho xe đạp thì chắc hẳn mỗi buổi sáng tôi đều rủ bạn bè đi học chung bằng xe đạp - vốn chỉ mất chưa đến 10 phút (nếu đi xe máy tôi mất khoảng 5 phút). Buổi chiều cùng nhau thong thả đạp xe ra về, trò chuyện rôm rả, sẽ hay hơn rất nhiều việc chạy vội xe máy về nhà, bật quạt, máy lạnh, tivi, máy tính để chat chit, xem phim... rồi cuối tháng nhìn hóa đơn tiền điện mà xót.

Nếu thành phố có nhiều công viên hơn thì mỗi chủ nhật tôi sẽ cùng ba mẹ đi tập thể dục, dẫn chú chó đi dạo; công viên nhiều hơn thì cây cối cũng nhiều hơn, không khí trong lành, đời sống cũng bớt căng thẳng hơn.

Nếu các nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa được đầu tư hơn thì các em nhỏ đã có điều kiện sinh hoạt cộng đồng, hiểu về các chương trình ý nghĩa như Giờ Trái đất chứ không chỉ quanh quẩn vài ba cuốn truyện tranh nhảm nhí và vô tình rơi vào các chương trình trên tivi không thật phù hợp với lứa tuổi.

Rồi tôi lại ước môi trường giáo dục của ta tốt hơn để mỗi người "học” được nhiều hơn:

Học để biết con người khai thác cạn kiệt tài nguyên, làm môi trường ô nhiễm, Trái đất nóng dần lên, khí hậu bất thường… Từ đó, nhận thức được tầm quan trọng của môi trường tự nhiên đối với đời sống.

Học để hành động vì một Trái đất xanh hơn bằng những việc cụ thể như đi xe đạp, dùng bóng đèn tiết kiệm điện, tắt tivi khi ra khỏi phòng...

Học để chung sống, để biết nghĩ đến tập thể, để biết những hành động nào của mình sẽ góp phần làm cuộc sống mọi người tốt đẹp hơn.

Học để tự khẳng định mình, để trở thành công dân toàn cầu, để những sự kiện ý nghĩa như Giờ Trái đất sẽ không chỉ là 1 giờ.

NGỌC HÂN (TP.HCM)

Hộp thư:

Phát động từ ngày 19-3, tính đến sáng 27-3, diễn đàn "Giờ Trái đất - làm sao để không chỉ là một giờ?" nhận được bài của các bạn đọc sau: Nguyễn Thị Minh Tú, Đoàn Mạnh Nghiệp, Sơn Khê, Võ Thanh Thảo Nguyên, Mai Phước Lộc, Thiên Nhiên, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Nguyệt Nguyệt, Lê Vy Ngân, Phạm Thế Huy, Văn Thy Hoàng, Vũ Dương Quỳnh, Lý Thế Mạnh, Lê Thị Nga, Ngô Thanh Tâm, Anh Tiến, Dương Khuyên, Ngọc Hân, Nguyễn Văn Thước, Bùi Việt Phương, Trần Phương Nam, Dương Mỹ Lâm, Lý Kiết Tường, Thái Ngọc Mai, Lê Quốc Hùng, Minh Vũ...

Diễn đàn sẽ được kéo dài đến hết ngày 31-3-2012 - cũng là ngày sự kiện chính của chiến dịch Giờ Trái đất 2012. Tuổi Trẻ Online chào đón bài vở, ý kiến tham gia diễn đàn của bạn đọc.

Mời bạn tham gia diễn đàn "Giờ Trái đất - làm sao để không chỉ là một giờ?"

Giờ Trái đất năm nay sẽ diễn ra từ 20g30-21g30 ngày 31-3. Mời bạn đọc tham gia diễn đàn"Giờ Trái đất - làm sao để không chỉ là một giờ?".

Bạn có sáng kiến gì để Giờ Trái đất không chỉ được áp dụng một giờ mà là nhiều giờ trong ngày, nhiều ngày trong tháng, ở mọi nơi trên đất nước ta?

Việc áp dụng Giờ Trái đất một giờ, hay nhiều giờ, có thực sự là một hành động ý nghĩa, thiết thực với bạn hay không?

Theo bạn, những hoạt động của Giờ Trái đất các năm trước đã tác động thế nào đến nhận thức của cộng đồng trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường? Bạn ủng hộ hoạt động nào nhất của Giờ Trái đất, vì sao? Bạn trăn trở về hoạt động nào nhất, vì sao?

Bạn đã và đang làm gì để hưởng ứng Giờ Trái đất cũng như hình thành những thói quen có ích cho môi trường?

Mỗi cá nhân có thể tham gia chia sẻ nhiều ý kiến, bài viết, vui lòng gõ có dấu tiếng Việt, không quá 800 chữ, gửi về email tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn từ nay đến hết ngày 31-3-2012.

Cuối mỗi ý kiến, bài viết, vui lòng cung cấp thông tin cơ bản về tác giả (họ tên, địa chỉ, email, số điện thoại). Các bài viết được chọn đăng sẽ có nhuận bút, ưu tiên bài viết gửi về sớm.

ANH TIẾN (Q.8, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên