Chuyện bạo lực học đường không còn mới vì xảy ra liên tiếp trong ba năm gần đây. Báo Tuổi Trẻ đã có nhiều loạt bài nói về hiện tượng này với ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục, chuyên gia tâm lý và các nhà xã hội học, công an, luật sư...
Tuy nhiên, hai vụ bạo lực học đường mới nhất khiến dư luận cực kỳ xôn xao vì có clip quay lại và đưa lên mạng với hình ảnh bạo lực, đầy máu me. Bạo lực học đường đã được nâng cấp: hung khí - dao - đã được sử dụng và mang cả vào trường học. Cách đây gần bốn năm, khi chúng tôi viết bài về chuyện một nữ sinh bị đánh tại một trường THCS ở Q.8 (TP.HCM) hôm trước thì hôm sau em này đã mang dao vào lớp để trả thù. Khi được hỏi vì sao không nhờ thầy cô, phụ huynh can thiệp, em thản nhiên trả lời: “Càng báo thầy cô, em càng bị đánh nhiều hơn”. Con dao đối với em như phương tiện để phòng thân và cả trả thù, may sao nhà trường phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Khảo sát cách đây một năm tại một trường THPT có tiếng ở TP.HCM với gần 2.000 học sinh về bạo lực học đường đã cho kết quả giật mình. Gần 1.000 ý kiến nói không quan tâm vì đó không phải là chuyện của mình hoặc né tránh khi biết bạn bè mâu thuẫn dọa sẽ đánh nhau. Nhưng khảo sát mới đây của Trung tâm đào tạo kỹ năng sống YMCA tại hai trường THPT ở TP.HCM, tình hình còn bi quan hơn: hơn 45% học sinh cho rằng bạo lực học đường là bình thường và hơn 30% cho là chấp nhận được!
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, hội trưởng hội quán Các bà mẹ, cho rằng hiện tượng học sinh cầm dao vào lớp dù để tự vệ hay chủ động tấn công bạn bè thể hiện sự mất lòng tin của các em vào xã hội, gia đình và nhà trường. Chuyện giáo dục kỹ năng, xây dựng hệ giá trị sống là những giải pháp lâu dài để chống lại bạo lực học đường nhưng về giải pháp tức thì, bà Thanh Thúy cho rằng rất cần những chuyên viên tư vấn giỏi trong mỗi trường. “Ngoài ra, nhà trường cần kết nối các nhóm học sinh trong nhà trường để có thể nắm thông tin và ngăn chặn trước các biểu hiện xấu” - bà Thúy đưa ra lời khuyên.
Cô Hoàng Thị Diễm Trang, hiệu phó Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho rằng đã đến lúc tăng cường giáo dục ý thức pháp luật để học sinh có thể biết mình sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có những hành vi nghiêm trọng chứ không đơn thuần xử lý trong nội bộ trường. “Chúng tôi đã lắp đặt hệ thống camera để có thể nhanh chóng nắm bắt nếu có những hành vi bạo lực xảy ra. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm phải sâu sát để có thể biết được những mâu thuẫn trong học sinh và nhanh chóng giải quyết trước khi nó đi quá xa” - cô Trang cho biết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận