24/09/2011 01:14 GMT+7

Những ước mơ vượt trên sóng nước

LÊ VÂN
LÊ VÂN

TT - Đang mùa nước lớn - cũng là mùa khai trường - những xóm nhà lá ven kênh trải dài khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long đều trắng xóa. Trên những con đò nhỏ tròng trành giữa biển nước mênh mông, những chiếc áo trắng cần mẫn qua sông...

TnEjm2jH.jpgPhóng to
12 năm phổ thông, Nguyễn Thành Tâm học dưới ngọn đèn dầu này - Ảnh: Lê Vân

Ở những nơi như thế, có những cô cậu học trò suốt 12 năm sống trong nhà lá rách bươm, học đèn dầu vì không có đèn điện, lội nước, chèo vỏ lãi vượt đồng nước để đến trường.

Dòng nhật ký của Tâm

Tin cậu học trò loắt choắt Nguyễn Thành Tâm của xóm nhà lá kênh số 11, ấp Quy Lân 7, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ đậu đại học (ngành xây dựng Đại học Cần Thơ) làm vui hẳn cái xóm nghèo, vì ở xóm này người học cao lắm chỉ tới lớp 9. Ai tin được thằng bé đen sạm, mồ côi cha cả chục năm nay, mẹ bán tạp hóa lèo tèo lại vào đại học. Họ chỉ thấy Tâm buổi thì phụ mẹ bán quán, buổi chèo vỏ lãi vào mùa nước lên hay vác xe đạp qua cầu khỉ đi học, tối về còn xách đèn đi đặt cá, đặt lươn ngoài kênh mương cách nhà cả cây số.

Nhà của Tâm thuộc dạng nghèo nhất nhì trong vài chục hộ thưa thớt sống quanh kênh số 11 này. Ngay cái nhà lá cất phía trong vốn là quán của bà ngoại Tâm, sau khi bà mất thì để lại cho mẹ Tâm, cũng phải che những tấm bạt rách bươm tứ phía để tránh gió lùa mưa tạt.

Năm nay Tâm 18 tuổi, nhưng đến nay đèn điện vẫn là ước mơ xa vời với cậu con trai nhà nghèo này. Cây đèn dầu cũ kỹ trở thành người bạn đồng hành với Tâm suốt 12 năm học. 12 năm học phổ thông, Tâm luôn là học sinh giỏi, xuất sắc.

Mừng đấy rồi lo đấy: tiền đâu để tiếp tục học? Câu hỏi ấy thường trực trong hai mẹ con Tâm suốt 12 năm qua và tới tận bây giờ. Tranh thủ những ngày hè Tâm đi đặt cá, vác lúa thuê mong kiếm được chút tiền. Giờ nhập học nghe bạn bè nói khoản học phí lên tới cả triệu đồng, rồi còn tiền ăn, tiền ở trọ học tại Cần Thơ, Tâm và mẹ vẫn chưa biết tính toán sao để chắp vá cho đủ.

Ngày nhập học, bà con họ hàng người cho vài chục ngàn đồng, người cho trăm ngàn để Tâm khăn gói lên Cần Thơ. Ước mơ cháy bỏng vào ĐH, cậu học trò ấy ghi lại trong nhật ký: “Dù bây giờ tôi chỉ là một con người nhỏ bé, nhút nhát nhưng tôi sẽ luôn tự tin, bản lĩnh để bước vào đời, chững chạc, trưởng thành như những anh chị sinh viên mà tôi đã gặp ở trường khi nhập học”.

VZTGAXTF.jpgPhóng to
Phạm Thanh Tiền qua cầu khỉ đến trường - Ảnh: Lê Vân

Chàng trai bản lĩnh và nghĩa khí

Lanh lẹ, lém lỉnh, chăm chỉ và học giỏi là đặc điểm nhận dạng của cậu học trò con nhà nghèo ở ấp Tích Khánh, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long tên Phạm Thanh Tiền.

Nhà của Tiền cách đường lộ trải nhựa gần cây số. Mùa khô Tiền có thể đạp xe đi học, mùa lũ, mưa lầy lội không thể đạp xe về, Tiền gửi xe ở tiệm tạp hóa ngoài lộ để lội chân đất về nhà. Ngôi nhà lá của cha mẹ Tiền mới được thầy cô ở trường phổ thông nơi Tiền học lợp thêm mái tôn, lát gạch cho gian nhà lớn để chống ngập. Cha bị bệnh gan, mẹ bị chảy nước mắt sống mà vẫn phải hốt thuốc nam uống cầm chừng cho rẻ tiền, nhà cậu học trò này lại không có ruộng đất. Ấy vậy mà cả xóm ai cũng khen cậu học trò nhỏ suốt 12 năm đèn dầu, nhà lá vẫn luôn là học sinh giỏi, còn đoạt giải học sinh giỏi môn hóa tỉnh Vĩnh Long.

Chị Nguyễn Thị Lành, hàng xóm của Tiền, chia sẻ: “Tui ở đây cả mấy chục năm rồi, thằng nhỏ từ hồi học cấp I tới giờ hay qua tiệm tạp hóa của tui mua gạo. Ngày nào cũng chỉ mua 1 kg gạo, đủ ăn trong ngày. Mua thiếu hoài tới khi nào mẹ nó làm được thì dồn trả, giờ vẫn còn đang nợ tui gần 500.000 đồng tiền gạo. Tội nghiệp hoàn cảnh nhỏ nghèo mà chăm chỉ, học giỏi nên tui cho thiếu nợ để nó có cái ăn mà học, khi nào có trả sau”.

Hôm lên TP Cần Thơ thi, Tiền xin vào làm lao công ở bệnh viện để có tiền trang trải. Bà Lê Thị Quyên Quyên, chủ quán cháo sò huyết (quận Ninh Kiều, Cần Thơ), trong một lần tình cờ đi phát cơm từ thiện đã gặp Tiền ở bệnh viện, kể lại: “Bữa đó trời mưa to, tui thấy thằng nhỏ ngồi co ro trong cái lều che tạm bằng áo mưa bên hông bệnh viện. Quần áo, sách vở ướt mèm thấy tội rơi nước mắt. Tôi hỏi chuyện, sau cùng đưa nó về nhà ở, kêu giúp tui bán quán cháo, phụ dạy thêm cho đứa cháu rồi ở lại nhà tôi lo cho ăn ở. Tuy tôi không giúp được nhiều nhưng thôi thì cũng phụ thêm phần nào cho thằng bé”. Hôm Tiền nhập học, bà chủ quán tốt bụng cho mượn 1,5 triệu đồng nộp học phí.

Biết có suất học bổng này Tiền vui lắm. Nhưng Tiền bảo nếu dành dụm được tiền đủ trang trải cho việc học, Tiền sẽ nhường lại suất học bổng của mình cho những bạn khó khăn hơn.

900 triệu đồng cho 180 tân sinh viên

Hôm nay 24-9, tại TP Cần Thơ, chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 300 của báo Tuổi Trẻ (phối hợp cùng tỉnh đoàn và sở GD-ĐT các tỉnh ĐBSCL) sẽ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 180 tân sinh viên các tỉnh thành Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

Toàn bộ học bổng lần này là 900 triệu đồng (5 triệu đồng/suất học bổng), do Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (Công ty CP phân bón Bình Điền, báo Tuổi Trẻ và VTV tổ chức), giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố thủ tướng Võ Văn Kiệt - tài trợ.

Chương trình được truyền hình trực tiếp trên CVTV lúc 20g với sự tham gia của một số ca sĩ đến từ TP.HCM.

Hôm qua 23-9, tại Tiền Giang chương trình đã trao học bổng cho 174 bạn tân sinh viên hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

LÊ VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên